Sa Thầy: Người dân tất bật vào vụ rau Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời điểm này, người trồng rau trên địa bàn huyện Sa Thầy đang chạy đua với thời gian, tất bật chăm sóc các loại rau củ quả chuẩn bị phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Người trồng rau cũng kỳ vọng sẽ có một vụ mùa bội thu và được giá.

Gia đình ông Nguyễn Lẵm (thôn Nghĩa Dũng, xã Sa Nghĩa) gieo trồng hơn 4.000m2 rau củ, quả để phục vụ cho thị trường tết. Với thâm niên trồng rau củ quả trên 30 năm nên các công đoạn trồng và chăm sóc đều được ông thực hiện một cách thuần thục.

Ngày thường gia đình ông Lẵm trồng luân phiên nhiều loại rau để bán cho người tiêu dùng. Riêng trong dịp Tết, gia đình ông tập trung trồng bắp sú, cải, xà lách, khổ qua, dưa leo. Theo ông, đây là những loại rau củ quả cho năng suất ổn định, giá thành cao hơn so với các loại rau củ quả khác và được thị trường tết tiêu thụ mạnh.

“Vụ rau tết là vụ được kỳ vọng nhất trong năm, lượng rau trồng phải gấp đôi, gấp ba lần so với ngày thường, bởi nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh. Vì vậy, để rau củ quả phát triển tốt, bảo đảm đạt năng suất cao và an toàn thực phẩm, tôi hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chú trọng khâu làm đất, xử lý mầm bệnh trong đất và tăng cường các biện pháp diệt trừ sâu bệnh cho rau củ quả. Hy vọng vụ rau tết năm nay sẽ trúng mùa, được giá để gia đình tôi có một cái tết sung túc hơn” - ông Lẵm cho biết.

Rau củ quả của gia đình ông Phan Lương phát triển tốt. Ảnh: TH

Rau củ quả của gia đình ông Phan Lương phát triển tốt. Ảnh: TH

Ở thôn Hòa Bình (xã Sa Nghĩa) ông Phan Lương cũng đang tích cực tưới nước, bón phân, nhổ cỏ, vun gốc để vườn rau củ, quả của gia đình có thể kịp xuất bán đúng vào dịp tết.

Với diện tích hơn 6.000m2, vụ rau Tết năm nay ông Lương ưu tiên trồng các loại rau củ quả tiêu thụ mạnh trong dịp này như: bắp sú, cải, muống, mồng tơi, khổ qua, dưa leo, bí, mướp, bầu. Trong đó, bí, mướp, bầu đã được xuống giống từ giữa tháng 8 âm lịch, các loại rau củ quả còn lại phải đến đầu tháng 10 âm lịch mới xuống giống vì thời gian sinh trưởng ngắn.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, ông Lương đầu tư xây dựng nhà màng; lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Theo ông Lương, với hệ thống nhà vườn được đầu tư xây dựng bài bản, các loại rau củ quả của ông có thể chống chọi với các điều kiện bất lợi của thời tiết, tăng chất lượng và sức cạnh tranh.

Bên cạnh việc tích cực chăm sóc, ông Lương đặc biệt chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bản thân ông ý thức được việc tạo ra các sản phẩm an toàn là góp phần mang đến một cái tết an lành, bữa ăn ngon cho người tiêu dùng trong những ngày tết đến, xuân về.

Tương tự, để phục vụ cho thị trường rau tết năm nay, ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, bà Lê Thị Hoa (thôn 2, thị trấn Sa Thầy) đã tất bật xuống giống trên 1.500m2 để trồng các loại rau như dền, xà lách, muống, cải.

Bà Hoa cho hay, vào dịp tết, rau dền, xà lách, muống, cải tiêu thụ mạnh, giá cả ổn định nên gia đình bà đầu tư trồng các loại rau này. Để rau phát triển tốt, bà Hoa thường xuyên theo dõi để kịp thời bắt và diệt trừ sâu bằng các chế phẩm sinh học. Đặc biệt, bà Hoa chủ động sản xuất rau theo hướng an toàn, giảm tối đa lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật để đưa sản phẩm an toàn nhất đến tay người tiêu dùng.

Vườn rau của bà Lê Thị Hoa phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Ảnh: TH

Vườn rau của bà Lê Thị Hoa phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Ảnh: TH

Cũng theo bà Hoa, thời tiết cho vụ rau tết năm nay khá thuận lợi, tuy nhiên, gần đây buổi tối và sáng sớm hay xuất hiện các đợt sương muối. Chính vì thế, bà thường xuyên thăm vườn, tưới nước vào sáng sớm để rửa trôi lớp sương muối đang bám trên rau, tránh tình trạng rau bị héo úa hoặc chết cây.

“Trồng rau vụ tết mang lại thu nhập cao hơn so với thời điểm khác trong năm nên tôi dành nhiều thời gian và công sức hơn để chăm sóc cho rau nhanh phát triển. Nếu mọi việc thuận lợi thì vụ rau tết này, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu được hàng chục triệu đồng” - bà Hoa nói.

Ông A Plưng-Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy cho biết, trên địa bàn huyện hiện gieo trồng khoảng 65ha rau củ quả phục vụ cho dịp tết. Người trồng rau trên địa bàn đã biết tích lũy kinh nghiệm, kết hợp áp dụng tiến bộ KHKT và đầu tư công nghệ nhà màng, tưới nước tự động, tiết kiệm. Vì vậy, các loại rau phong phú về chủng loại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người dân.

“Tết đang đến gần, những ruộng rau xanh mướt trên cánh đồng báo hiệu cho một vụ mùa bội thu, giúp người trồng rau có cái tết đủ đầy, sung túc. Tuy nhiên, người trồng rau vẫn cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để kịp thời xử lý khi có diễn biến bất lợi, mang lại mùa xuân trọn niềm vui, no ấm” - ông A Plưng nói thêm.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.