Sa Thầy: Lợi ích kép từ mô hình vườn - ao - chuồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Thời gian qua, nhiều nông dân ở huyện Sa Thầy đã mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng địa phương giàu mạnh.

Trang trại vườn - ao - chuồng của ông Phan Thanh Nhàn (68 tuổi) nằm lưng chừng quả đồi thấp ở thôn Đức Lý (xã Sa Nhơn) là một trong những mô hình trang trại tiêu biểu của xã. Trang trại rộng hơn 10ha, trong đó, có 7ha được trồng cao su và cà phê, còn lại để phát triển chăn nuôi bò, heo và đào ao thả cá.

Theo ông Nhàn, trước đây, khu đất ở phía trên đồi rất khô cằn còn phía dưới thì lại sình lầy, để có một trang trại đẹp như hôm nay gia đình ông phải mất nhiều năm cải tạo. Do địa hình đi lại khó khăn không thể thuê máy xúc, vợ chồng ông đã thuê người đắp đập, nạo vét khu vực sinh lầy để làm ao thả cá; đồng thời trồng hàng nghìn cây cao su và cà phê trên đồi.

Ông Phan Thanh Nhàn thu nhập hơn 400 triệu đồng từ mô hình vườn - ao - chuồng. Ảnh: NS

Ông Phan Thanh Nhàn thu nhập hơn 400 triệu đồng từ mô hình vườn - ao - chuồng. Ảnh: NS

Đến nay, sau hơn 20 năm gây dựng, vợ chồng ông có hồ cá với diện tích hơn 5.000 m2, chủ yếu nuôi cá trắm cỏ. Mỗi năm, ông xuất bán 2 lứa cá, thu về hơn 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, vườn cao su và cà phê cũng được ông chăm sóc tốt, thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm.

Về chăn nuôi, từ chăn nuôi heo quy mô nhỏ lẻ, chuồng trại được xây dựng tạm bợ, đến nay, ông Nhàn đã xây dựng được khu chăn nuôi heo hợp lý, duy trì ổn định trong chuồng 10 con heo nái, 30 heo thịt. Thức ăn cho heo cũng được ông áp dụng theo quy trình ăn theo trọng lượng, sử dụng giống heo siêu nạc được thị trường ưa chuộng. Heo đến kỳ xuất bán thương lái đến tận nơi thu mua nên rất thuận tiện. Nhờ chủ động nguồn giống nuôi nên hàng năm, gia đình ông có từ 25 - 30 con heo thịt xuất bán, sau khi trừ chi phí, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

“Vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, đến nay, mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng của gia đình tôi phát triển bền vững. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình mang lại cho gia đình tổng nguồn thu hơn 400 triệu đồng. Công sức đầu tư bấy lâu nay mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt càng tạo động lực để gia đình tôi cố gắng, chăm chỉ lao động hơn”- ông Nhàn cho hay.

Mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng cũng được nhiều nông dân phát triển ở xã Sa Bình. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Nhật (37 tuổi, ở thôn Bình Tây, xã Sa Bình), từ một khu rừng cằn cỗi chỉ có cỏ dại mọc, tận dụng những hồ nước nhỏ và suối chạy qua, chị Nguyễn Thị Mỹ Nhật mạnh dạn vay vốn của ngân hàng để cải tạo nơi đây trở thành một trang trại rộng 10ha; trong đó 1ha dành để nuôi cá trắm đen.

“Nuôi cá trắm rất nhàn, chỉ cần sử dụng cám gạo, bắp, thức ăn tổng hợp và cắt cỏ cho ăn mỗi ngày 2 lần là được. Cá ít bị dịch bệnh, lại phù hợp với điều kiện khí hậu ở đây nên phát triển rất nhanh. Mỗi năm tôi xuất bán khoảng 2 tấn cá, giá 40-50 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí cũng thu lợi nhuận 50 - 70 triệu đồng”- chị Nhật chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Nhật kết hợp trồng sầu riêng và nuôi bò, heo. Ảnh: NS
Chị Nguyễn Thị Mỹ Nhật kết hợp trồng sầu riêng và nuôi bò, heo. Ảnh: NS

Bên cạnh nuôi cá, chị Nhật còn nuôi 30 con heo đen địa phương gồm cả heo nái và heo con; mỗi lứa heo đẻ từ 7 - 12 con và để phát triển đàn heo, mỗi lứa chị đều giữ lại nuôi đến 30 kg là xuất chuồng. Hiện giá bán heo khá ổn định, khoảng 120.000 - 140.000 đồng/kg. Tận dụng nguồn phế phẩm tại vườn nhà cho heo ăn nên chi phí mua cám rất thấp. Còn phân heo chị tận dụng để bón cây sầu riêng.

Thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng, chị Nhật còn trồng 5ha sầu riêng, mỗi năm gia đình chị thu hơn 5 tấn, thu về khoảng 250 triệu đồng. Đặc biệt, vườn sầu riêng của gia đình canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng quả thơm ngon, thương lái tìm về mua rất nhiều.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, từ một hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, hiện tổng thu nhập từ trang trại gia đình chị Nhật đạt hơn 300 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí, đây là một khoản thu lớn đối với gia đình.

Theo ông A Plưng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình vườn - ao - chuồng mang lại thu nhập cao. Vườn -ao - chuồng trong mô hình của nhiều hộ dân đều có mối quan hệ hỗ trợ nhau mật thiết. Vườn cung cấp các loại thức ăn cho chăn nuôi, ngược lại chuồng cung cấp phân bón từ chất thải gia súc, gia cầm cho cây trồng trong vườn. Ao cung cấp nước tưới và bùn làm tăng chất lượng đất cho cây trồng, ngược lại nhiều loại trái cây trong vườn bị hỏng có thể tận dụng làm nguồn thức ăn rất tốt cho cá, bò, heo.

“Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục nhân rộng những mô hình tiêu biểu, đồng thời hỗ trợ người dân chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất để vươn lên thoát nghèo”- ông A Plưng cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm