Sa sinh dục - nỗi khổ biết tỏ cùng ai?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sa sinh dục (hay còn gọi sa các cơ quan vùng chậu) là tình trạng bàng quang, tử cung hoặc trực tràng bị sa ra khỏi âm hộ. Bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến 41% phụ nữ trên 60 tuổi.

 


Suốt 10 năm trời, bà L.X.M (91 tuổi, ở TP.HCM) phải nín thinh chịu đựng “cực hình” và chỉ sống quanh quẩn bên chiếc giường do bị sa sinh dục. Theo bà M., bà đã phải sống hết sức khổ sở trong suốt ngần ấy năm trời do khối sa kéo rớt tử cung và bàng quang ra khỏi âm hộ. Bà không dám đi lại mà giới hạn mọi sinh hoạt quanh chiếc giường. Thỉnh thoảng khối sa bị trầy xước, lở loét, chảy dịch làm cho bà M. rất khổ sở. Thời gian gần đây do khối sa diễn tiến ngày càng nặng nên bà M.không thể tiểu được. Nước tiểu tồn đọng lâu ngày trong bàng quang gây nhiễm khuẩn niệu rất nặng buộc phải nhập viện.

Chia sẻ về trường hợp của bà M., TS-BS Nguyễn Hoàng Đức - Trưởng khoa Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM nói, với bệnh tình của bà M., việc đầu tiên là các bác sĩ phải điều trị hết nhiễm trùng đường tiểu rồi làm phẫu thuật nội soi ổ bụng để khâu treo khối sa sinh dục. Sau phẫu thuật, khối sa sinh dục đã được kéo về vị trí cũ, không còn xuất hiện ở âm hộ gây khó chịu cho bệnh nhân. Đáng mừng là sau mổ 1 ngày, bà M. đã có thể đi lại được thoải mái, không còn bị "giam giữ" như 10 năm qua.

BS Đức cho biết bệnh sa sinh dục không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, lao động, đặc biệt là rắc rối trong quan hệ vợ chồng.

Khoa Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y Dược thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh. Trung bình mỗi tháng phòng tiếp nhận từ 50 - 60 ca sa sinh dục có chỉ định phẫu thuật.

Đối tượng dễ bị

Theo kết quả do Bộ Y tế công bố khoảng 10% phụ nữ Việt Nam mắc bệnh sa sinh dục sau sinh và phần lớn nằm trong độ tuổi từ 40 - 60. Những phụ nữ đẻ nhiều, đẻ quá sớm, không được đỡ đẻ an toàn và đúng kỹ thuật đều dễ mắc bệnh này. Đặc biệt những người có tiền sử chuyển dạ kéo dài, đẻ khó càng dễ bị sa sinh dục. Những người đi làm quá sớm sau khi sinh cũng có nguy cơ bị sa sinh dục cao.

Những phụ nữ phải lao động nặng nhọc, vất vả cũng rất dễ bị sa sinh dục, nhất là những nữ công nhân, nông dân, lao động tay chân suốt ngày phải làm việc ở tư thế đứng, gánh gồng, đội, vác nặng vì áp lực ổ bụng lên đáy chậu luôn cao. Cá biệt, một số ít phụ nữ 25 - 30 tuổi cũng mắc bệnh sa sinh dục do bẩm sinh cơ yếu.

BS Đức cho biết nguyên nhân của sa sinh dục là do hệ thống cơ và dây chằng vùng đáy chậu bị lão hóa, "nhão ra" nên không còn khả năng giữ các cơ quan vùng chậu ở đúng vị trí giải phẫu của các cơ quan đó.

Giai đoạn sớm, người bệnh thấy có khối phồng ở vùng âm hộ, khối phồng xuất hiện không thường xuyên, chỉ thấy khi ngồi xổm hoặc khi ho rặn đi cầu. Càng ngày, khối phồng vùng âm hộ càng sa ra ngoài nhiều hơn và thường xuyên hơn. Đến khi tình trạng thật nặng thì khối sa thường trực nằm ở ngoài âm hộ không đẩy vào trong âm đạo được nữa.

Nhận biết không khó

Tùy theo từng người, tùy mức độ sa nhiều hay sa ít, mới sa hay sa từ lâu, sa đơn thuần hay còn có thương tổn phối hợp mà xuất hiện những dấu hiệu như: khó chịu, cảm giác tức nặng vùng cửa mình, ở bụng dưới, nhất là khi đứng, nhưng khi nằm thì hết cảm giác trên. Đôi khi có cảm giác muốn rặn đẻ vì các tĩnh mạch ở vùng đáy chậu bị sa sung huyết, đồng thời do áp lực trong thành bụng dồn xuống vùng đáy chậu đã bị suy yếu; hay bị đau vùng sau thắt lưng.

Nếu kèm theo sa bàng quang thì có dấu hiệu: đi đái khó, đái dắt, són đái khi cười to, khi ho mạnh hay khi bị rùng mình, thường đái không hết nước tiểu nên bàng quang dễ bị viêm gây ra đái buốt. Trường hợp sa bàng quang nhiều thì lúc đầu đi tiểu rất khó khăn, phải dùng ngón tay đẩy bàng quang lên trên và vào trong mới đi tiểu được. Đôi khi bệnh nhân đến viện vì bí đái cấp.

Nếu kèm theo sa trực tràng thì đại tiện có cảm giác vẫn còn chưa hết phân ở trực tràng, có thể bị táo bón. Nhiều người sa sinh dục nhưng kinh nguyệt vẫn bình thường và vẫn có khả năng có thai. Những phụ nữ này dễ bị sẩy thai và đẻ non. Chảy máu, khí hư ra nhiều do cổ tử cung viêm nhiễm, cọ xát làm người bệnh đi lại khó khăn.

Phòng ngừa cách nào?

BS Đức cho biết để phòng ngừa sớm bệnh sa sinh dục, phụ nữ cần hạn chế táo bón, hạn chế các bài tập thể dục làm tăng áp lực trong ổ bụng, giảm cân, tránh béo phì. Khi mới bị sa sinh dục phải đi khám với bác sĩ chuyên khoa ngay để có biện pháp điều trị thích hợp, tránh khối sa diễn tiến nặng hơn đến mức độ phải phẫu thuật.

Ở giai đoạn sớm khi các cơ quan vùng chậu mới sa ít, phương pháp điều trị chủ yếu là bảo tồn bằng các bài tập vật lý trị liệu vùng chậu. Ở giai đoạn muộn, điều trị lý tưởng nhất là phẫu thuật để củng cố và tăng sức kéo của hệ thống dây chằng vùng chậu. Phẫu thuật có thể tiến hành qua ngả âm đạo hoặc qua ngả nội soi ổ bụng. Phẫu thuật viên sẽ dùng các mảnh vật liệu sinh học để thay thế các dây chằng đã bị lão hóa.

Theo Thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn cương dương, chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu, huyết áp cao, béo phì và căng thẳng. Để tránh rắc rối trong “chuyện ấy“, nam giới cần duy trì một lối sống lành mạnh bên cạnh chế độ ăn uống khoa học.
Ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy, theo dõi phôi tự động Timelapse điều trị vô sinh

Ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy, theo dõi phôi tự động Timelapse điều trị vô sinh

Bệnh viện (BV) Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết đã ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy, theo dõi phôi tự động Timelapse trong điều trị vô sinh, giúp tăng cơ hội chuyển phôi thành công và sinh con khỏe mạnh. Chuyên viên phôi học thao tác trên hệ thống nuôi cấy và theo dõi phôi tự động Timelapse
Cà rốt tốt cho sức khỏe nam giới

Cà rốt tốt cho sức khỏe nam giới

Cà rốt có thể giúp cải thiện khả năng sinh sản của phái mạnh. Đó là nhờ cà rốt chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu như carotenoid, chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống ô xy hóa.