Rừng"chảy máu"ở Đăk Lăk-Kỳ 2:Gỗ lậu "tàng hình"đi qua trụ sở UBND xã Ea Hiao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong quá trình vào cuộc điều tra những cánh rừng tại huyện Ea H'leo (tỉnh Đăk Lăk) bị “lâm tặc" triệt hạ, điều mà chúng tôi cảm thấy bất ngờ đó là việc gỗ lậu ngang nhiên đi qua trụ sở UBND xã Ea Hiao giữa ban ngày nhưng cũng không có một cơ quan chức năng nào biết.
Gỗ lậu hiên ngang “vượt mặt" trụ sở UBND xã
Trong phóng sự điều tra của chúng tôi ở kỳ trước cho thấy, tình trạng rừng bị “lâm tặc" xẻ thịt diễn ra rầm rộ, quy mô và trong một thời gian dài. Để thuận lợi cho việc tuồn gỗ lậu ra khỏi rừng, cánh “lâm tặc" đã cho mở một con đường mòn lớn, đủ để một chiếc ô tô độ chế có thể dễ dàng di chuyển.
Tại hiện trường, một diện tích lớn rừng bị khai thác ngổn ngang. Hàng trăm gốc cây có đường kính 20cm trở lên bị cánh “lâm tặc” ra tay hạ sát. Nhiều gốc cây có đường kính hơn một người ôm cũng bị chặt hạ la liệt nhưng không hề có dấu kiểm tra, xử lý của cơ quan chuyên trách.
 
Xe chở gỗ lậu hiên ngang đi qua trụ sở UBND xã Ea Hiao. Ảnh: Hàn Hưng.
Trong khoảng thời gian 1 tháng tác nghiệp tại thôn 7, xã Ea Hiao (huyện Ea H'leo), chúng tôi liên tục ghi nhận tình trạng “lâm tặc" sau khi khai thác gỗ trái phép đã cho tập kết bên ngoài cửa rừng và hầu hết gỗ khai thác đều được xẻ thành hình trụ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, gỗ xẻ hình trụ này được các đối tượng “lâm tặc" đưa về để gia công thành những cặp lục bình. Mỗi cặp lục bình hoàn chỉnh được bán với giá khoảng 20 triệu đồng.
Bên ngoài cửa rừng thuộc thôn 7, xã Ea Hiao chúng tôi phát hiện 2 cặp lục bình vừa mới được “lâm tặc" vận chuyển từ rừng ra, chờ thời cơ thuận lợi sẽ vận chuyển về các điểm gia công.
 
Gỗ lậu được khai thác và tập kết bên ngoài cửa rừng thuộc thôn 7. Ảnh: Hàn Hưng.
Sau khi có bằng chứng về tình trạng khai thác, cất giữ gỗ lậu, phóng viên Thương hiệu và Pháp luật đi ra trụ sở UBND xã Ea Hiao để đặt lịch làm việc thì tình cờ phát hiện 1 chiếc ô tô cày độ chế chở rất nhiều hộp gỗ được xẻ theo quy cách và được phủ tấm bạt màu xanh, nhưng phần phía sau xe vẫn để lộ những hộp gỗ lớn.
Chiếc xe này bắt đầu di chuyển đi qua trụ sở UBND xã Ea Hiao giữa ban ngày và trong giờ hành chính, nhưng không hề có một cơ quan chức năng nào của địa phương phát hiện và xử lý. Phải chăng lực lượng chức năng địa phương đang cố tình “làm ngơ" cho xe gỗ lậu đi qua trụ sở UBND xã Ea Hiao?
Ai đã “làm ngơ" cho gỗ lậu?
Để có thông tin khách quan nhất, chúng tôi đã tìm đến trụ sở UBND xã Ea Hiao. Trao đổi với phóng viên Thương hiệu và Pháp luật, ông Nguyễn Xuân Trọng- Chủ tịch UBND xã Ea Hiao, cho biết: “Ở địa bàn xã Ea Hiao có 1 đồng chí kiểm lâm địa bàn là ông Ma Thế Nam, đồng chí Nam về nhận công tác từ tháng 8/2018. Nhiệm vụ chính của kiểm lâm địa bàn là về giúp đỡ cho cơ sở trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt là công tác vận chuyển, khai thác lâm sản trái phép".
 
Ai đã " làm ngơ" cho gỗ lậu lộng hành. Ảnh: Hàn Hưng.
“Đặc thù ở bên kiểm lâm công tác tại 1 địa bàn khoảng 2-3 năm là phải luân chuyển địa bàn khác. Đấy là một phương án hay. Ngược lại, theo quan điểm của tôi thì tôi thấy rất dở. Bởi vì, anh em vận hành trong một thời gian nhất định, đến hết niên hạn lại phải chuyển đi địa bàn khác, cho nên địa bàn cũ nó “tranh thủ". Tôi cứ nói là “tranh thủ", còn “tranh thủ" cái gì thì tôi không nói. Vì thế nó không có trách nhiệm", vị Chủ tịch xã giải thích.
“Tôi nói đơn giản như phá rừng để trồng cây trên đất lâm nghiệp, hầu như các ông có một ý thức như kiểu “thờ ơ", nhiều lúc giao cho các ông ấy đi, cũng có thể đi một mình, nhưng nhiều lúc anh không tin tưởng chúng nó. Bởi vì nó về nó báo cáo không trung thực", ông Trọng cho hay.
Trong quá trình làm việc với chúng tôi, vị Chủ tịch xã hết sức cương trực và khách quan. Ông Trọng, khẳng định: “Nếu gỗ mà vòng qua đây, kể cả trong rừng tôi đều chụp, không thương tiếc gì hết. Kể cả bọn lâm tặc đang lảng vảng xung quanh địa bàn này, tôi không tha một trường hợp nào hết".
Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi: “Vì sao xe chở gỗ đi qua trụ sở xã nhưng xã lại không biết" thì ông Trọng, phân trần: “Xe chở gỗ đi qua trụ sở xã, thực sự xã không hề biết. Bởi vì nó lợi dụng những lúc mình đang họp hoặc những lúc mình có việc gì. Tôi nói là nó theo dõi mình chứ mình thì không thể theo dõi nó được".
 
Gỗ lậu vừa được " lâm tặc" khai thác. Ảnh: Hàn Hưng.
Ông Trọng cũng không né tránh trách nhiệm và thẳng thắn, thừa nhận: “Gỗ đi qua địa bàn, thực tế là trách nhiệm của anh, kiểm lâm địa bàn hay ông nào đó nữa thì nó vẫn đổ cho ông Chủ tịch thôi. Đấy là anh nói rất trung thực. Ông để lọt hay không để lọt là do ông Chủ tịch hết. Còn công an, xã đội, kiểm lâm rồi mọi thành phần nằm trong khối ủy ban nằm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng chẳng qua là thuộc về trách nhiệm thôi. Trách nhiệm chính là thuộc về ông Chủ tịch hết".
Còn ông Trương Văn Hồng- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ea H'leo, khẳng định: “Qua thông tin của Thương hiệu và Pháp luật phản ánh, mình cũng thấy được là trách nhiệm của ai và mình cũng chưa sâu sát được, mình cũng không nghĩ là có chuyện xe gỗ chở ban ngày đi qua trụ sở UBND xã Ea Hiao. Đến khi báo chí cung cấp thì mới biết, một phần vẫn là trách nhiệm của kiểm lâm, vẫn nhận thức được trách nhiệm, cũng không né tránh gì đâu".
Hàn Hưng- Hải Nguyễn (THPL)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.