(GLO)- Đó là chủ đề cuộc thi do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trường THCS Hà Tây (xã Hà Tây, huyện Chư Pah) tổ chức mới đây. Bên cạnh đó, với nhiều hoạt động hấp dẫn khác, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã giúp các em học sinh nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, khơi dậy tình yêu đối với thiên nhiên và môi trường sống.
Nâng cao ý thức bảo vệ rừng
Với cách tiếp cận gần gũi, trong buổi trò chuyện ngoại khóa, đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã đưa ra những câu hỏi giản đơn dành cho các em học sinh như: Các em có thường vào rừng không? Rừng có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống chúng ta? Cây xanh có tác dụng gì?… Dễ hiểu vì sao từng cánh tay giơ cao, các em ai cũng giành phần trả lời. Là bởi rừng gần gũi, gắn bó với buôn làng, với các em từ nhỏ. Khu vực này có gần 3.700 ha rừng được UBND xã Hà Tây hợp đồng giao khoán cho các cộng đồng làng và các nhóm hộ tham gia quản lý, bảo vệ. Đặc biệt hơn, thời gian gần đây, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp cho nhiều hộ người dân tộc thiểu số, hộ nghèo sống gần rừng tăng thu nhập. Một phần thu nhập này là nguồn tài chính giúp các bậc cha mẹ chăm lo cho các em đến trường…
Chính vì vậy, những kiến thức liên quan đến rừng, các em đã thuộc nằm lòng. Trả lời câu hỏi: “Chúng ta phải làm gì trước nguy cơ rừng bị xâm hại, nhất là tình trạng phá rừng làm nương rẫy khiến diện tích rừng ngày càng suy giảm?”, em Khanh (lớp 7B) cho rằng: “Để những cánh rừng mãi xanh, chúng ta phải biết bảo vệ, không chặt phá cây rừng. Em sẽ chọn cho mình công việc vừa sức là tuyên truyền, vận động cộng đồng và người thân trong gia đình hiểu rõ những lợi ích của rừng; không được phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy mà cần chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của mình”.
Em Quinh (lớp 9B, Trường THCS Hà Tây) thuyết trình với Ban giám khảo về ý nghĩa bức tranh của mình. Ảnh: M.N |
Theo cô Phạm Thị Nhanh-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hà Tây, nội dung tuyên truyền về bảo vệ và phát triển rừng được nhà trường thường xuyên lồng ghép phổ biến qua nhiều buổi ngoại khóa, các tiết dạy môn Sinh học, Giáo dục công dân. Tuy nhiên, đối với các em học sinh sống gần rừng thì buổi ngoại khóa bằng cách trao đổi trực tiếp như thế này càng có ý nghĩa hơn, không những trang bị, bổ sung thêm kiến thức mà còn giúp các em tiếp thu tốt hơn so với việc nghe các thầy cô tuyên truyền theo kiểu một chiều qua sách vở. “Qua buổi ngoại khóa này, từng em học sinh sẽ trở thành những tuyên truyền viên giúp nhà trường gửi thông điệp đến cộng đồng về ý thức chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, vận động dân làng, người thân trong gia đình hạn chế chặt phá rừng làm rẫy, chung sức bảo vệ, giúp cho những cánh rừng trên địa bàn xã Hà Tây ngày một xanh hơn”-cô Nhanh chia sẻ.
Ước mơ cánh rừng mãi xanh
Ngoài các hoạt động tuyên truyền, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh còn hỗ trợ Trường THCS Hà Tây gần 3.400 quyển vở, 51 suất quà (500.000 đồng/suất) cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh giỏi của trường với tổng giá trị hơn 50 triệu đồng. |
Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng, phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các em học sinh, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng còn phối hợp với trường tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Rừng xanh trong mắt em”. Đây là nơi các em được thỏa sức sáng tạo theo cảm xúc, suy nghĩ của mình.
Thuyết trình ý tưởng cho bức tranh “Ký ức hòa chung với rừng” đạt giải nhất, em Quinh (lớp 9B) cho biết: Rừng gắn liền với tuổi thơ của em những ngày theo mẹ đi nhặt củi, hái nấm, những lần cùng bạn bè ra tắm suối bắt con ốc, con cá. Nhưng giờ tất cả chỉ còn trong ký ức, hình ảnh cánh rừng xanh mát đã không còn, rừng dần lụi tàn, biến mất bởi bàn tay con người, cây cối bị đốn làm nhà, những con suối trơ đáy... “Qua bức tranh này, em mong muốn rừng được hồi sinh trở lại, trở về với vẻ ban đầu của nó. Đó là hình ảnh những ngôi nhà sàn giữa bốn bề rừng cây xanh mát, tiếng suối reo vui dưới bóng cây cổ thụ của rừng già; con người và muông thú sinh sống hài hòa”-em Quinh mơ ước.
Tác phẩm “Mong ước rừng xanh” của em Duêt (lớp 9B) cũng thể hiện mơ ước về cánh rừng bạt ngàn, vô tận với những cây cổ thụ oai nghiêm bên cạnh dòng suối, thác nước kỳ vĩ; những loài hoa rừng khoe hương tỏa sắc, từng đàn chim ríu rít, bầy khỉ nhanh nhảu chuyền cành. Ở đó, em là một du khách lạc vào bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, háo hức khám phá và kinh ngạc trước vẻ đẹp của rừng… “Để cánh rừng mơ ước đó trở thành hiện thực thì mỗi chúng ta phải có ý thức bảo vệ và trồng rừng, bởi bảo vệ rừng đồng nghĩa với bảo vệ môi trường sống của chúng ta”-em Duêt mong mỏi.
Theo ông Lương Đình Trọng-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, chương trình ngoại khóa này nhằm giúp các em học sinh có thêm những hiểu biết về vai trò, tác dụng của rừng và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong cuộc sống. Từ đó, các em nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của mình và có những hành động cụ thể, thiết thực trong việc bảo vệ rừng, gìn giữ môi trường sinh thái. “Mong rằng trong thời gian tới, thầy-cô giáo và các em học sinh tiếp tục đồng hành với đơn vị, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng; giáo dục, rèn luyện ý thức của các em học sinh trong việc giữ gìn, bảo vệ rừng cũng như thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày một tốt hơn”-ông Trọng nhấn mạnh.
MINH NGUYỄN