“Công trường” giữa rừng
(GLO)- Khoảng 8 giờ ngày 11-9, tại khu vực đèo Mang Yang, từng tốp người đi trên xe máy với cuốc, xà beng đang chuẩn bị tiến vào rừng. Theo tìm hiểu, những tốp người này chủ yếu từ các làng Chơ Rơn 1, Chơ Rơn 2 của xã Đak Ta Ley, làng Ch’Ra, xã Hà Ra (huyện Mang Yang)…; mỗi làng có khoảng 20-30 người.
Một ngày trước đó, tin đồn về một thanh niên tên Tim tìm được một cục gỗ huỳnh đàn lớn được lan truyền nhanh chóng khắp các làng. “Mình nghe người ta nói người ấy đào được cục gỗ to lắm ở khu vực gần đèo Mang Yang, có người mua trả giá trên 500 triệu đồng mà vẫn chưa bán; thế là cả làng rủ nhau cùng đi. Nếu may mắn mà đào được thì kiếm tiền mua xe máy, mua bò…”-anh Yun, người làng Chơ Rơn 2 nói.
Hàng chục người tụm lại quanh nơi đào được khúc gỗ lớn nghi là huỳnh đàn. Ảnh: L.V.N |
Đến 8 giờ 30 phút, từng tốp bắt đầu men theo con đường mòn nhỏ dưới chân đèo, dựng xe ở chân núi rồi vào rừng theo nhiều ngả. Tốp của làng Chơ Rơn 2 băng qua khu vực rừng le đi bộ khoảng 15 phút thì đến khu vực đã nham nhở vết cày xới. Nơi này được những người dân trong làng khẳng định là nơi người thanh niên tên Tim đã trúng huỳnh đàn ngày hôm trước. Rồi không ai bảo ai, mội người hì hục đào đào bới bới từng khoảng đất trống xung quanh. Một khoảnh rừng gần 300 m2 nhốn nháo tiếng người nói, tiếng cuốc, xà beng bập vào đất cát sôi động như một… công trường.
Từng centimet đất của khu rừng bị xới tung. Nhiều người cũng không ngại ngần len lỏi vào những ngóc ngách thâm u để đào bới với hy vọng tìm được huỳnh đàn. Mỗi một nhát cuốc xới đất lên, người tìm huỳnh đàn lại lấy tay bóp vỡ miếng đất để tìm kiếm hy vọng về dấu vết của loại gỗ quý. Hễ gặp được một mẩu gỗ, hay mẩu than đã cháy đen nhỏ bằng đầu ngón tay có dấu hiệu khả nghi, họ lại đưa lên mũi ngửi, lấy bật lửa đốt để xem khói và ngửi mùi hương hoặc mang ra so sánh với mẩu huỳnh đàn thật mang theo để làm dấu.
Anh A Dut-người làng Chơ Rơn 2 cho biết: “Người làng mình chưa đi lấy huỳnh đàn bao giờ, nghe thấy người làng Ch’Ra (xã Hà Ra) đào được nhiều nên làng mình rủ nhau đi. Ít người biết huỳnh đàn nó hình thù thế nào nên phải mang theo mẫu để so sánh”. Nói rồi, A Dut tiếp tục bổ những nhát cuốc chắc nịch vào đất mang theo hy vọng tìm được vận may đổi đời.
Tay trắng rời rừng
Hơn 10 giờ trưa, một tốp khoảng 20 người dân thuộc làng Chơ Rơn 1 dưới chân núi lại tiến vào “công trường” để nhập cùng tốp của làng Chơ Rơn 2. Tất cả chia nhau mỗi nhóm nhỏ 4-5 người một góc giữa rừng rồi âm thầm tiếp tục công việc đào bới, hít ngửi và đốt cháy từng mẩu gỗ…
Mặt trời đã lên cao, ánh nắng chói chang đã chiếu thẳng xuống từ đỉnh đầu, mồ hôi cũng đã thấm ướt đẫm mảnh áo sờn cũ của người tìm huỳnh đàn. Từng nhóm người bắt đầu dọn bữa cơm dã chiến đạm bạc đã đùm theo với những măng, cá khô, mắm cà...Tranh thủ ăn bữa cơm trưa vội vã, uống ngụm nước vội rồi tất cả lại lao vào công việc.
Bỗng, một người nói to lên: “Xem này, hình như đây là huỳnh đàn”. Ngay lập tức, hàng chục người xung quanh tụm lại quanh chiếc hố nhỏ nơi có người vừa nói để “mục sở thị” cái gốc cây nhem nhẻm. Bên miệng hố, hai người đang hì hục dùng cuốc và xà beng để bẩy gốc cây lên, những người khác trầm trồ, bàn tán xôn xao cả góc rừng, gương mặt ai nấy căng ra háo hức, ánh mắt lóe lên tươi vui. Gốc cây được đưa lên, mọi người thay nhau lấy dao cắt thử một mẩu nhỏ để ngửi, rồi để đốt thử.
Khi vẫn chưa xác định được, cả nhóm giao cho một người xuống chân núi để gặp “chuyên gia”-là một người già đã từng nhiều lần thấy huỳnh đàn và đã nhận được cái lắc đầu. Cứ thế, trong suốt buổi chiều có đến vài lần người tìm huỳnh đàn lại dậy lên hy vọng với những cây gỗ vô tri chôn vùi dưới lòng đất rồi sau đó luôn luôn là nỗi thất vọng.
4 giờ chiều, khi những đôi tay đã mỏi còn huỳnh đàn vẫn chưa thấy dấu vết nào, dân làng bắt đầu thu dọn “công trường” để trở về. Anh Chú, làng Chơ Rơn 2-người có kinh nghiệm nhiều năm đi tìm huỳnh đàn chia sẻ: “Tìm huỳnh đàn như mò kim đáy bể, có khi đi cả tuần nhưng vẫn trắng tay. Còn nếu tìm được thì lại sợ bị cướp. Năm kia, nhóm của mình đi tìm được một khúc khoảng 20 kg, nhưng rồi bị một nhóm khác dùng hung khí cướp mất ở khu vực thôn Châu Khê (xã Đak Yă, huyện Mang Yang), mình chỉ có cuốc nên không dám kháng cự. Một số người khác tìm được thì bị chúng ép bán giá rất rẻ nhưng vẫn đành chịu”.
Khó xử lý
Chiều 12-9, chúng tôi đem vấn đề này trao đổi với ông Lê Thanh Hoành- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Pơ thì nhận được sự ngạc nhiên: “Đâu có, làm gì có huỳnh đàn nào, bây giờ làm gì có ai tìm huỳnh đàn nữa”. Câu trả lời của ông Hoành khiến chúng tôi khá ngỡ ngàng, bởi tại sao sự việc gần một trăm người xới tung từng khoảng rừng gây náo động nhưng người đứng đầu Hạt Kiểm lâm huyện lại không hề hay biết?
Còn theo ông Đỗ Hữu Long- phụ trách Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê thì khu vực người dân đào bới tìm huỳnh đàn thuộc tiểu khu 603. “Tình trạng người dân nghe tin đồn thất thiệt rồi vào rừng tìm huỳnh đàn cứ lặp lại từ nhiều năm nay. Chúng tôi đã tiến hành đẩy đuổi nhưng vì dân đi đông quá nên rất khó”- ông Long cho biết.
Lê Văn Ngọc