Rừng bị tàn phá, dân 'tố' nhưng kiểm lâm làm ngơ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thấy rừng bị triệt hạ, người dân bức xúc, tố cáo, kiểm lâm cử một đoàn đến hiện trường nhưng sau đó rơi vào... im lặng.
 
Rừng thông tại TK 438a bị triệt hạ. ẢNH: LÂM VIÊN
Ngày 24 và 25.7, PV Thanh Niên đến tiểu khu (TK) 438a thuộc xã Lộc Phú, H.Bảo Lâm (Lâm Đồng), chứng kiến các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ hàng loạt cây thông bị cưa hạ, cắt khúc và đào hố chôn lấp để phi tang.
Dân 2 lần tố cáo
Ông Phan Duy Tâm, Chủ tịch UBND xã Lộc Phú, cho biết khoảnh rừng các cơ quan chức năng đang khám nghiệm thuộc 231 ha rừng được H.Bảo Lâm giao cho cộng đồng dân cư thôn 4, xã Lộc Phú quản lý, bảo vệ và trồng rừng, do ông Nguyễn Đức Dạo làm tổ trưởng. Điều đáng nói, sự việc chỉ được phát hiện sau khi người dân có đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng.
Cụ thể, vụ việc này được người dân phát hiện và trình báo chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm (KL) H.Bảo Lâm từ tháng 4.2019, khi thấy một người đàn ông cưa hạ rừng thông và chôn lấp ngay tại chỗ. Thời điểm này, ông Giáp Văn Tĩnh, Hạt phó Hạt KL H.Bảo Lâm, cùng một số KL có vào hiện trường kiểm tra nhưng vụ việc không được giải quyết dứt điểm. Do đó, đầu tháng 7.2019, người dân tiếp tục gửi đơn tố cáo lên Chi cục KL và UBND tỉnh Lâm Đồng.
 
Cơ quan chức năng kiểm nghiệm rừng thông bị cưa hạ chôn phi tang tại TK 438a
Ngày 16.7, Chi cục KL Lâm Đồng phối hợp với cơ quan chức năng H.Bảo Lâm tới hiện trường “khai quật” số gỗ thông bị chôn lấp tại khoảnh 6 TK 438a. Theo thống kê sơ bộ, có 399 lóng gỗ thông, đường kính từ 17 - 40 cm trong diện tích gần 5.000 m2 được rào chắn bằng lưới B40. Ngay dưới tán rừng bị triệt hạ, có hàng trăm cây bơ và cà phê đã được trồng xanh tốt.
Theo số liệu của UBND xã Lộc Phú, diện tích rừng cộng đồng này trước đây được UBND tỉnh cho Công ty TNHH Mỹ Hồng thuê, nhưng do công ty này để rừng bị chặt hạ và lấn chiếm khoảng 60 ha nên tỉnh thu hồi vào năm 2010 và giao cho cộng đồng dân cư thôn 4 gồm 9 hộ.
Trong số 231 ha diện tích rừng mà H.Bảo Lâm giao cho cộng đồng thôn 4 quản lý bảo vệ có gần 193 ha rừng được giao quản lý bảo vệ, hơn 32 ha rừng keo trồng phải chăm sóc và gần 6 ha đất sản xuất nông lâm kết hợp. Thế nhưng, hiện có trên 100 ha rừng đã bị phá và tác động, hơn 21 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp.
Rừng biến thành trang trại, vườn cà phê…
Ngày 25.7, PV Thanh Niên được một số người dân địa phương dẫn vào các trang trại cà phê, chăn nuôi mới hình thành vài năm gần đây trong khu vực rừng được cộng đồng nhận khoán. Tại lô D, khoảnh 3, TK 438a có 3,4 ha rừng thì nay biến thành vườn cà phê, chanh dây xanh tốt.
Trên đường vào buôn Vườn Hộ, cách trụ sở UBND xã Lộc Phú khoảng 6 km, có khoảnh rừng khoảng 8 ha tự nhiên thuộc rừng cộng đồng nhưng nay bị cưa hạ trắng gần hết. Tại đây có trang trại nuôi dê và vườn cà phê… Ngoài diện tích rừng bị triệt hạ tại khoảnh 6, thì rừng thông tại các khoảnh 2, 3 và 4 (TK 438a) cũng bị triệt hạ, lấn chiếm đất trồng cà phê, bơ, chanh dây, gòn…
Trước đó, ngày 9.5, khi Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Lâm Đồng do ông Đoàn Văn Việt, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, dẫn đầu tiếp xúc cử tri xã Lộc Phú, nhiều cử tri phản ánh việc giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn 4, nhưng đến nay chỉ có 2 hộ được nhận nên tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra rất nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Tài Tú, Hạt trưởng Hạt KL H.Bảo Lâm, thừa nhận qua kiểm tra, hiện nay các thành phần nhận rừng không đúng như ban đầu nên hạt KL đã có báo cáo UBND H.Bảo Lâm và đề xuất thu hồi. Ông Tú cho biết thêm, Thanh tra H.Bảo Lâm đang thanh tra việc quản lý, bảo vệ, sản xuất nông nghiệp trên diện tích rừng cộng đồng.
Theo Chi cục KL tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh có 8 cộng đồng đang quản lý 2.080 ha rừng, đất rừng cộng đồng. Tuy nhiên, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng của cộng đồng chưa cao, nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cộng đồng còn hạn chế; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn xảy ra ở rừng cộng đồng.
Rừng Gia Lai vẫn “chảy máu”
Tại Gia Lai, mới đây Hạt KL H.Kbang phối hợp với Đội KL cơ động và phòng chống cháy rừng số 1 (Chi cục KL Gia Lai) kiểm tra tại tiểu khu 140 do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lơ Ku quản lý, phát hiện 9 cây gỗ bị chặt hạ trái phép với khối lượng thiệt hại hơn 14,2 m3.
Số gỗ này bị lâm tặc đốn hạ đầu năm 2019 nhưng không được công ty kiểm tra, phát hiện. Tại vùng rừng giáp ranh với xã Ia Tul, H.Ia Pa, lâm tặc cũng xâm nhập khai thác gỗ trái phép.
PV Thanh Niên đã vào tận rừng sâu, phát hiện lâm tặc chặt hạ nhiều cây gỗ lớn. Sau khi Báo Thanh Niên liên tục phản ánh, UBND tỉnh Gia Lai có công văn chỉ đạo lực lượng chức năng hai huyện Kon Chro, Ia Pa; Sở NN-PTNT Gia Lai kiểm tra hiện trường, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định. Kết quả kiểm tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định nhiều cây gỗ bị đốn hạ trái phép với tổng khối lượng hơn 16 m3 gỗ tròn.
Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù UBND tỉnh đã có chỉ đạo đưa lực lượng KL về xã để cùng với địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng song rừng vẫn “chảy máu”.

Theo Thanh tra tỉnh Gia Lai, cơ quan này đang thanh tra tại 10 đơn vị quản lý, bảo vệ rừng, gồm 7 ban quản lý rừng và 3 công ty lâm nghiệp, trong thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2013 - 2018. Qua kết quả thanh tra bước đầu, đã có trên dưới 20.000 ha rừng bị mất.

Trần Hiếu

Lâm Viên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm