Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, hiện chưa có quy định, hướng dẫn nào về chế độ nghỉ đối với người lao động bị cách ly vì nghi nhiễm virus nCoV. Tính đến nay, Việt Nam đã có 12 ca nhiễm nCoV. Điều này đang khiến cho cả người sử dụng lao động và người lao động lúng túng, không biết nên giải quyết như thế nào.
Rất khó nói người lao động bị cách ly hiện nay được xếp vào trường hợp nghỉ việc vì lý do gì: không phải việc chung, không phải việc riêng, ốm đau bệnh tật cũng không hẳn; trong khi pháp luật về lao động chưa có hướng dẫn cụ thể nào về vấn đề này. Đó là chưa kể, học sinh, nhất là các cháu nhỏ, đang được nghỉ học dài ngày, cần được phụ huynh trông coi, nên có một bộ phận người lao động bắt buộc phải nghỉ việc tạm thời hàng tuần liền. Về phía chủ doanh nghiệp, theo lý mà nói, họ có quyền đánh giá kỷ luật, trừ lương hay thậm chí sa thải người lao động vì nghỉ làm không có lý do. Thế nhưng về tình, phải chăng có thể coi đây tương tự như trường hợp người lao động bị ốm đau? Nghĩa là trong thời gian người lao động nghỉ việc, chủ doanh nghiệp chi trả một phần lương theo thỏa thuận giữa hai bên.
“Ngay cả trong Bộ luật Lao động mới nhất, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 tuy đã có nhiều nội dung, quy định về chế độ đối với người lao động khi có dịch bệnh hoặc trường hợp bất khả kháng, nhưng vẫn còn lỗ hổng, ví dụ như việc nghỉ làm nói trên”, ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh và đề xuất Thủ tướng hoặc cơ quan có thẩm quyền ra văn bản hướng dẫn cụ thể về trường hợp dịch bệnh như hiện nay. Tuy nhiên, cần phân biệt 2 trường hợp: cách ly bắt buộc và cách ly tự nguyện. Đối với trường hợp cách ly bắt buộc, thì ai phải chịu chi phí ăn ở cho người lao động, giờ giấc làm việc (nếu có), tiền lương, kể cả bảo hiểm? Đối với cách ly tự nguyện, đây là việc rất có lợi và cần thiết cho xã hội, vì vậy chủ doanh nghiệp nên coi đây là trường hợp nghỉ có lý do chính đáng chứ không phải là nghỉ việc vô tổ chức.
Bên cạnh câu chuyện chế độ lao động, tình trạng tăng giá quá đáng đối với một số mặt hàng như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn cũng đang được nhìn nhận dưới những góc độ khác nhau. Hành động “rủ nhau” không bán khẩu trang vừa trái đạo đức, vừa vi phạm pháp luật (có thể bị xử lý 10% tổng doanh thu năm 2019 hoặc xử lý hình sự). Song, muốn để cho người bị xử phạt vì bán khẩu trang giá cao đột biến thực sự “tâm phục khẩu phục”, các quy định cần rõ ràng hơn.
Theo luật gia Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), hành vi “tăng giá hàng hóa bất hợp lý” đang được điều chỉnh trong pháp luật hiện hành cần được cụ thể hơn: “bất hợp lý” so với giá hàng ngày hay bất hợp lý so với giá nhập và tăng đến mức nào thì đến ngưỡng “bất hợp lý”. Tương tự, cùng với dịch nCoV, đã có hàng trăm trường hợp tung tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận, bị nhắc nhở, cảnh cáo. Việc xử phạt các loại tung tin, đồn đại, bịa đặt thất thiệt về dịch rất cần được cụ thể hóa và phổ biến rộng rãi để ngăn chặn ngay từ đầu những ý đồ xấu.
Quả thực, có rất nhiều vấn đề pháp lý nảy sinh liên quan đến tình trạng dịch bệnh. Về lâu dài, một đạo luật về tình trạng khẩn cấp là cần thiết để pháp điển hóa các quy định liên quan trong nhiều lĩnh vực, thuận tiện cho việc xử lý mạch lạc, công bằng và có tính răn đe đối với các hành vi “mượn gió bẻ măng”.
Theo ANH THƯ (SGGPO)