(GLO)- Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản, chỉ thị cấm xe công nông, xe độ chế tham gia lưu hành trong nội thành, nội thị, khu đông dân cư, quốc lộ, tỉnh lộ. Tuy nhiên, hiện nay, 2 loại xe này vẫn đi vào khu vực cấm, thậm chí chở người lưu thông trên mọi nẻo đường.
Những ngày đầu năm 2017, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đoạn đi qua huyện Đak Đoa, Mang Yang, Chư Pah, Chư Prông và TP. Pleiku, không ít xe công nông, xe độ chế chở nông sản và nguy hiểm hơn là chở cả người chạy băng băng trên đường. Tiếng máy nổ đinh tai, khói xe mù mịt, rẽ trái, rẽ phải tự do không xi nhan, nhìn ngó… làm cho mọi người tham gia giao thông lo sợ khi phải gặp những “hung thần” này.
Xe công nông lưu thông trên đường Trường Sơn (TP. Pleiku). Ảnh: Q.H |
Chị Kiều Thị Trang (ở TP. Pleiku) điều khiển xe máy trên quốc lộ 19, đến đoạn qua huyện Đak Đoa bị một xe công nông chở đầy nông sản đang chạy đột ngột rẽ phải, chị phanh gấp nên xe bị ngã. Trong tâm trạng lo lắng, chị Trang cho biết: “Loại xe này đã bị cấm lưu thông trên quốc lộ nhưng vẫn tự do chạy, tự do chở hàng hóa và chở cả người. Có một điều lạ là các cơ quan chức năng vẫn không xử lý. Người dân khi tham gia giao thông sợ nhất vẫn là xe công nông, xe độ chế. Đúng là ra đường sợ nhất công nông…”.
Đến nay, nhiều người vẫn không quên vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn xã Ia Khươl, huyện Chư Pah) làm cả 14 người trên một xe công nông bị hất xuống đường, 5 người tử vong, 9 người còn lại bị thương nặng. Hay vụ xe công nông chở 25 người đi lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để thăm người thân bị bệnh, khi trở về đến đoạn thôn Hà Lòng (xã Kdang, huyện Đak Đoa) thì gặp nạn. Vụ tai nạn làm 25 người bị thương, trong đó có 15 người bị thương nặng...
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 25.000 xe công nông, trong đó có hơn 4.300 xe độ chế, xe máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong số này mới chỉ có gần 4.000 xe máy kéo nhỏ đăng kiểm, số còn lại chưa được đăng ký quản lý.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Phó ban An toàn Giao thông tỉnh, cho biết: “Thời gian gần đây, một số cơ quan chức năng lơ là trong việc tuyên truyền, kiểm tra, xử lý sai phạm xe công nông, xe độ chế, dẫn đến các loại xe này vẫn tham gia lưu thông và hậu quả là năm 2016 đã gây ra 16 vụ tai nạn. Năm 2017, chúng tôi tiếp tục triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ, của UBND tỉnh về quản lý, xử phạt xe máy kéo, xe công nông khi người điều khiển cố tình vi phạm, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông. Cùng với đó, chúng tôi tham mưu UBND tỉnh xem xét xử lý kỷ luật những cán bộ đầu ngành của các địa phương để 2 loại xe này tham gia lưu thông trên những tuyến đường cấm. Yêu cầu các trung tâm đào tạo lái xe, tăng cường tuyển sinh đào tạo lái xe máy kéo nhỏ và cấp bằng hạng A4 cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là bà con địa phương chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông”.
Theo chúng tôi, để giải quyết dứt điểm tình trạng xe công nông, xe độ chế vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân theo học các lớp đào tạo lái xe, phát tờ rơi có in hình các vụ tai nạn giao thông do xe công nông gây ra, tác hại của xe độ chế, đồng thời có biện pháp xử lý kiên quyết và đồng bộ. Có như vậy mới giảm được các vụ tai nạn giao thông do xe công nông, độ chế gây ra.
Lê Quang