Quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người - Bài 1: Những cuộc đời bị đánh cắp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nạn mua bán người gây ra những hậu quả không thể đo đếm được khi tước đoạt tương lai, cuộc sống và để lại nỗi đau tận cùng cho nạn nhân, gia đình họ cùng nhiều người khác. Thấu hiểu nỗi đau đó, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và cả hệ thống chính trị quyết liệt đấu tranh với loại tội phạm này. Luật Phòng, chống mua bán người sau hơn 10 năm được Quốc hội thông qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, có ý nghĩa chính trị cả về đối nội, đối ngoại và thể hiện quyết tâm của Việt Nam trước vấn nạn nhức nhối cần loại bỏ.
Các chiến sĩ Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An tuyên truyền pháp luật cho bà con vùng sâu vùng xa huyện biên giới Kỳ Sơn. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Các chiến sĩ Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An tuyên truyền pháp luật cho bà con vùng sâu vùng xa huyện biên giới Kỳ Sơn. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Chùm bài “Quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong phòng, chống mua người” của phóng viên TTXVN phản ánh bức tranh toàn cảnh, khẳng định Việt Nam thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ quyền con người, nỗ lực loại bỏ vấn nạn nhức nhối này.

Biến cố cay đắng

Lẽ ra phải được ở bên gia đình, người thân, được nuôi dưỡng và thực hiện những khao khát, ước mơ hạnh phúc, song họ - những nạn nhân của tội phạm mua, bán người bị đẩy vào hố đen của sự tuyệt vọng. Có nạn nhân may mắn trốn thoát, có nạn nhân được các lực lượng chức năng giải cứu. Nhưng cũng có những người vĩnh viễn không còn cơ hội quay trở về với quê hương…

Bạc Liêu, tỉnh duyên hải vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Anh G.Q.T (sinh năm 1981, trú tại xã Long Điền, huyện Đông Hải) là một nạn nhân của đường dây buôn người dưới chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, vào giữa tháng 7/2023, anh G.Q.T tìm việc làm và được giới thiệu làm quen với một người phụ nữ Myanmar tên Elly Sung. Người này hứa sẽ lo toàn bộ chi phí xuất cảnh còn anh sẽ nhận mức lương 30 triệu đồng/tháng.

Theo hướng dẫn của Elly Sung, anh G.Q.T đã được đưa ra nước ngoài, sau đó nhập cảnh trái phép vào Myanmar. Tuy nhiên, không như những lời hứa ban đầu, các đối tượng đã giam giữ anh tại một tòa nhà cao tầng chung với hàng chục lao động Việt Nam khác và ép buộc phải thực hiện các công việc trái pháp luật. Anh G.Q.T. không đồng ý, đã bị các đối tượng này nhốt lại và đánh đập tàn nhẫn rồi bỏ đói trong nhiều ngày liền. Sau một thời gian bị giam giữ, anh T. đã bỏ trốn và liên hệ với gia đình để đến Công an tỉnh Bạc Liêu trình báo. Nhận được tin báo, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu nhanh chóng phối hợp với một tổ chức quốc tế tiến hành giải cứu anh T và đưa trở về Việt Nam vào ngày 7/9/2023.

Cách Bạc Liêu hơn 2.200km là Lào Cai, tỉnh biên giới phía Bắc. Chị C.S.T, trú tại huyện vùng cao Mường Khương cũng là một nạn nhân của tội phạm mua bán người. Năm 2011, chị C.S.T địu đứa con 6 tháng tuổi lên rừng kiếm củi. Trên đường đi, chị gặp một người đàn ông đứng tuổi. Đối tượng này chủ động làm quen, hỏi chuyện rồi nhiều lần vẽ ra cho chị một cuộc sống tốt đẹp ở bên kia biên giới với việc nhẹ, lương cao. Cả tin, chị T. đã đi theo người đàn ông này. Đó là khởi đầu của những chuỗi ngày đen tối, ê chề.

Chị C.S.T. cho biết, chị vẫn còn may mắn hơn nhiều người đồng cảnh ngộ bởi một năm sau đó, lợi dụng sơ hở của bọn chúng, chị đã trốn thoát. Trên đường, chị được nhiều người tốt giúp đỡ. Quay về Việt Nam, chị được lực lượng chức năng đưa về nhà.

Cũng mang nỗi đau dai dẳng là chị N.T.N (sinh năm 1998, quê Ninh Bình). Năm 2012, N.T.N quen một bạn trai qua Facebook rồi đồng ý lên chơi ở Lào Cai cùng đối tượng này. Sau đó, N bị bạn trai bán sang Trung Quốc, bị bọn buôn người ép làm gái mại dâm. Không chịu tiếp khách, N.T.N chạy trốn nhưng bị bắt lại và bị đánh đập. Khi được giải cứu, trở về Việt Nam, Nguyễn Thị N rơi vào tình trạng tổn thương tâm lý, tinh thần và sức khỏe, phải điều trị tâm lý trong một thời gian dài…

Chị C.S.T, chị N.T.N, anh G.Q.T chỉ là ba trong nhiều nạn nhân của tội phạm mua bán người. Biến cố lớn cay đắng, hành trình trở về quê hương gian truân, thấm đẫm nước mắt của họ tiếp tục là cảnh báo về những diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng của vấn nạn này. Việc nhiều người trở thành “món hàng” bị mua, bán, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em, đã gây nên những bất ổn trong xã hội.

Tháng 8 vừa qua, 5 người ở các tỉnh phía Bắc có nhu cầu làm việc ở nước ngoài đã bị bọn buôn người lừa sang Campuchia, gần đoạn biên giới với tỉnh An Giang rồi cướp, nhốt và tra tấn, khiến một người tử vong. Bọn buôn người đã quay video tra tấn, gửi về cho gia đình các nạn nhân, đòi tiền chuộc 300 - 500 triệu đồng/người. Trước đó, vụ 39 người Việt Nam nhập cư chết trong container đông lạnh khi đang bị bọn buôn người tìm cách đưa vào Anh bất hợp pháp vào năm 2019 đã gieo rắc nỗi đau tận cùng cho biết bao gia đình và khiến cả thế giới rúng động.

Cưỡng bức lao động, cưỡng bức mại dâm

Tại hai tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào, hoạt động mua bán người sang các casino, cơ sở game, công ty kinh doanh trực tuyến do người nước ngoài làm chủ nhằm cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục, ép hoạt động lừa đảo trên mạng và mua bán ma túy gia tăng và rất nghiêm trọng.

Trong hàng ngàn người Việt Nam làm việc tại các casino, cơ sở game, công ty kinh doanh trực tuyến ở Campuchia, nhiều trường hợp bị dụ dỗ, lừa gạt đã xuất nhập cảnh trái phép, bị cưỡng bức làm việc, nếu muốn về Việt Nam phải nộp tiền chuộc rất cao, từ 100 - 150 triệu đồng. Tại Lào, tình hình mua bán người từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, có chiều hướng gia tăng tại Đặc khu kinh tế Tam giác Vàng ở tỉnh Bò - Kẹo. Đây là nơi có quy mô rất lớn, giáp khu "Tam giác vàng".

Trên tuyến biển, nhất là các tỉnh phía Nam, các hoạt động mua bán người nhằm mục đích cưỡng bức lao động trên biển cũng gia tăng. Hoạt động mua bán người sang các nước châu Âu... lao động trái phép vẫn diễn ra. Tình trạng mua bán phụ nữ và trẻ em gái ở lứa tuổi vị thành niên nhằm mục đích bóc lột tình dục trong nước diễn biến phức tạp.

Theo thông tin từ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), nếu năm 2022, các lực lượng chức năng phát hiện, điều tra 90 vụ với 247 đối tượng phạm tội mua bán người liên quan đến 222 nạn nhân bị mua bán, thì chỉ trong 8 tháng năm nay, số nạn nhân bị mua bán đã lên đến 254 người.

Với vai trò là Cơ quan Thường trực phòng, chống mua bán người của Bộ Quốc phòng, trong đợt cao điểm đấu tranh với loại tội phạm này, từ ngày 1/7 đến ngày 30/9/2023, các đơn vị Bộ đội Biên phòng trên cả nước đã phát hiện, xử lý 31 vụ với 62 đối tượng có liên quan đến tội phạm mua bán người; giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ, bảo vệ và chuyển tuyến 141 người nghi là nạn nhân mua bán người (tăng 19 vụ, 56 đối tượng với 120 người nghi là nạn nhân so với đợt cao điểm năm 2022).

Nghiên cứu chi tiết các vụ mua bán người đã bị Bộ Công an và các cơ quan chức năng đấu tranh, triệt phá thành công cho thấy, trong giai đoạn trước đây, từ 2012 - 2020, mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài, chiếm trên 85% số vụ, thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước. Riêng năm 2022, số vụ mua bán trong nước chiếm trên 45% tổng số vụ.

Trao đổi với phóng viên TTXVN về những diễn biến phức tạp của nạn mua bán người, bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam bày tỏ lo ngại: Trước đây, chúng ta thường nghĩ rằng, nạn buôn người chỉ liên quan đến việc di chuyển, đi lại hoặc vận chuyển một người qua biên giới tiểu bang hoặc quốc gia. Tuy nhiên, buôn bán người có thể xảy ra trong biên giới của bất kỳ quốc gia nào, kể cả Việt Nam. “Nạn nhân của nạn buôn người có thể được tuyển dụng và buôn bán ở ngay quê hương của họ”, bà Park Mihyung cho biết.

Trước những diễn biến phức tạp của nạn mua bán người, mới đây, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức 3 Đoàn khảo sát về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người tại 9 địa phương, chủ yếu tập trung vào các tỉnh biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và miền Trung.

Qua các báo cáo và kết quả khảo sát thực tế tại các địa phương cho thấy, trong thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người diễn biến ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, mang tính vô nhân đạo, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với nước ngoài, được thực hiện bởi các đối tượng chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người.

Đặc biệt, xuất hiện nhiều đường dây phạm tội mua bán người với các thủ đoạn như “việc nhẹ, lương cao”, tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp trên nước bạn, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn. Hay như lợi dụng thủ tục đơn giản trong việc kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân… để tổ chức cho nạn nhân ra nước ngoài, sau đó thu giữ giấy tờ tùy thân, bán sang tay nhiều chủ để cưỡng bức lao động, cưỡng bức mại dâm, ép thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Lợi dụng quy định về hiến, ghép tạng, các đối tượng tìm gặp những nạn nhân khó khăn về kinh tế có nhu cầu bán nội tạng, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó bán cho người bệnh với giá cao. Đáng lo ngại, nước ta không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn, mà còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba.

Tại phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức diễn ra vào tháng 5/2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã chỉ rõ: Tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi. Đối tượng nạn nhân cũng mở rộng không chỉ còn là phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng. Nhiều đường dây tội phạm mua bán người đã xuất hiện với các thủ đoạn "việc nhẹ, lương cao" tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài và muốn về nước phải trả tiền chuộc.

Bài 2: Tội ác bị nghiêm trị

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.