Quỹ nhà đất công lớn đang bị bỏ hoang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là thông tin đưa ra tại hội nghị chuyên đề về thực hiện Chỉ thị số 24 và công tác quản lý, sử dụng đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM, do Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 23.2.

Không khai thác được, còn mất hàng trăm tỉ để bảo trì

Theo báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, tổng số cơ sở nhà đất do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) đang quản lý, sử dụng là 9.295 địa chỉ. Trong đó, khối cơ quan nhà nước, hành chính sự nghiệp là 7.297 địa chỉ (đã phê duyệt 206 địa chỉ); khối DN 1.998 địa chỉ.

Đại diện Công ty quản lý kinh doanh nhà TP.HCM cho biết hiện nay công ty quản lý các căn nhà xây dựng trước năm 1975 nên cũ, xuống cấp. Trong khi việc điều chỉnh giá thuê theo giá thị trường chưa có quy định nên rất khó khăn trong việc cho thuê. Đáng nói, hiện có 115 địa chỉ để trống không cho thuê nhưng phát sinh chi phí bảo trì và nộp tiền sử dụng đất 40 tỉ đồng mỗi năm nên lãng phí.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng (Sở Xây dựng), thông tin đến nay Trung tâm được UBND TP giao quản lý vận hành 8.125 căn hộ cũ, 10.328 căn hộ tái định cư và 2.269 nền đất phục vụ tái định cư. Ngoài ra, Trung tâm còn quản lý 44 địa chỉ nhà thuộc đối tượng theo Nghị định số 167. Theo kế hoạch, UBND TP dự kiến giao Trung tâm tiếp nhận và quản lý vận hành 26.660 căn hộ và nền đất, hơn 1.000 địa chỉ nhà theo Nghị định số 167.

Khu tái định cư Thủ Thiêm đang được đưa ra bán đấu giá

Khu tái định cư Thủ Thiêm đang được đưa ra bán đấu giá

"Thế nhưng nhà ở cũ hiện nay phát sinh nhiều khó khăn. Cụ thể, trên 2.000 căn chưa ký hợp đồng thuê; nhà tái định cư khoảng 20.000 căn nhưng TP mới giao 13.000 căn trên giấy tờ, thực chất chưa tiếp nhận do bị lấn chiếm ranh mốc, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ. Một số chung cư khi giao căn hộ nhưng diện tích sử dụng chung như hệ thống PCCC, thang máy thì không giao; thang máy không hoạt động được nên cũng không thể sử dụng. Nhà theo Nghị định 167, đến nay mới giao về 44 địa chỉ nhưng sang nhượng giấy tay rất nhiều, qua nhiều người, luật chưa rõ ràng về bảo trì, sửa chữa, cho thuê...", ông Hải nói và cho biết thêm TP đã bán trên 100.000 căn nhà, thu về nhiều ngàn tỉ đồng. Luật quy định tiền này để đầu tư dự án mới, nhưng hiện nay TP cũng chưa đầu tư được căn nào.

"Nên chăng lấy tiền đầu tư đó làm nhà ở xã hội để khai thác hiệu quả quỹ đất vì hiện nay quỹ đất bỏ hoang rất nhiều. Nhiều khu đất nằm ngay mặt tiền đường lớn, như hơn 8.000 m2 có hai mặt tiền đường ở TP.Thủ Đức là nhà chung cư cũ với 104 căn, mỗi năm cho thuê được 2,2 tỉ đồng nhưng chi phí sửa chữa bảo trì mất mấy trăm triệu đồng. Nếu đập đi xây lại, đầu tư dự án mới, làm nhà ở xã hội có thể thu về rất nhiều tiền, rất hiệu quả", ông Hải đề xuất.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cũng thừa nhận Sở đang quản lý quỹ nhà đất rất lớn nhưng cơ sở pháp lý không chặt và không đủ nên khó cho thuê. Bên cạnh đó, TP có khoảng 4.800 căn hộ bán đấu giá nhưng quy trình bán đấu giá là không có nên bỏ hoang, trong khi mỗi năm vẫn phải bỏ ra 77 tỉ đồng để bảo trì quỹ nhà này. Đây là điều quá lãng phí, nên cần có quy trình, thủ tục đấu giá rõ ràng, chặt chẽ để bán quỹ nhà này.

"Nắm" lại và số hóa tài sản công

Theo ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, thời gian qua HĐND TP lựa chọn giám sát các vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, đặc biệt là những nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước. HĐND TP đã tiến hành 5 buổi giám sát đối với UBND TP, các sở, ngành và UBND 24 quận, huyện; và 10 buổi khảo sát thực địa tại các địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn quận, huyện. Dù hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của UBND TP về vấn đề này đã được ban hành kịp thời, cơ bản đầy đủ, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, áp dụng vào một số nội dung, trường hợp cụ thể vẫn còn vướng mắc cần tiếp tục được bộ, ngành T.Ư hướng dẫn, trả lời và các sở, ngành của TP có liên quan cần tập trung giải quyết kịp thời.

Ông Hiếu thừa nhận công tác ban hành các văn bản thay thế, hướng dẫn thực hiện còn chậm. Đơn cử như ban hành biểu giá cho thuê nhà, đất sử dụng vào mục đích làm việc, sản xuất, kinh doanh và xây dựng quy chế quản lý khai thác quỹ nhà, đất giao cho các đơn vị tạm quản lý, giữ hộ. Ngoài ra vẫn còn tình trạng một số khu đất đang được các tổ chức, DN sử dụng nhưng chưa có quyết định cho thuê đất; các khu đất đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Công tác tiếp nhận quỹ nhà ở và nền tái định cư còn chậm, chưa hoàn thành theo tiến độ. Công tác thu hồi các địa chỉ nhà, đất còn khó khăn. Việc ban hành quyết định đấu giá còn chậm, gây ảnh hưởng đến công tác triển khai các thủ tục đấu giá. Còn tồn tại trường hợp địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước giao đất nhưng không thông qua đấu giá, chưa phù hợp với quy định của luật Đất đai; địa chỉ nhà đất đang để trống hoặc sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích gây thất thu ngân sách.

Phát biểu chỉ đạo, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết tài sản công của TP.HCM rất lớn, nếu quản lý, khai thác tốt thì đây sẽ là nguồn lực để giúp TP.HCM phát triển. Tuy nhiên, giai đoạn trước khá phức tạp, khó quản lý, dẫn đến thất thoát tài sản và dẫn đến những sai phạm của tổ chức, cá nhân. Vì thế, Chỉ thị 24 ra đời với yêu cầu phải nắm được, quản lý xây dựng có hiệu quả. Đến nay TP đã rà soát, thống kê, nắm được tài sản công nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu khi chưa số hóa, chưa xử lý những bất cập, chồng chéo, chỉ nắm được giấy tờ nhưng không nắm được tình hình thực tế. "TP phải rà soát lại Chỉ thị 24 xem đã làm được gì, xem phần nào chưa làm được để triển khai trong thời gian sắp tới. Đề nghị trong năm nay và năm sau thực hiện đạt kết quả trọn vẹn theo tinh thần của chỉ thị. Đặc biệt củng cố lại tổ công tác Chỉ thị 24. Tập trung rà soát nắm được tài sản công, gắn với câu chuyện số hóa, giải quyết dứt điểm các bất cập, có trên giấy tờ nhưng thực tế lại khác", Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Chúng ta phải khẩn trương hoàn thiện các hướng dẫn, quy trình, quy định tiếp nhận tài sản, chuyển giao tài sản, đấu giá, đầu tư phát triển mới. Những việc này chủ yếu là của TP. Tăng cường kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh sớm đưa công việc này vào nề nếp, bài bản, kết quả, tránh được những sai sót, tiêu cực.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Có thể bạn quan tâm

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

(GLO)- Với phương châm “Bạn uống, tôi lái”, dịch vụ lái xe hộ chuyên nghiệp là giải pháp được nhiều khách hàng lựa chọn sau khi đã sử dụng rượu bia hoặc có nhu cầu đi công tác, du lịch xa để bảo đảm cả người và phương tiện đều an toàn.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất