Quy hoạch sử dụng đất cần tạo được không gian, tầm nhìn phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Yêu cầu đặt ra là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai vừa phải có tính thực tiễn cao để phục vụ phát triển, vừa phải có tính khoa học, thận trọng để bảo đảm có được không gian, tầm nhìn phát triển.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Ảnh: Minh Đức/TTXHN
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Ảnh: Minh Đức/TTXHN
Ngày 17/9, tại Trụ sở Chính phủ, Hội đồng thẩm định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng.
Quy hoạch sử dụng đất quốc gia có vai trò rất quan trọng, phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và địa phương có liên quan đến sử dụng đất, tạo tính liên kết liên vùng; bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tôn trọng tự nhiên.
Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất nhằm đề ra định hướng đưa đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường, tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Quy hoạch được triển khai theo phương pháp tiếp cận hai chiều (từ trên xuống, từ dưới lên) với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các đối tượng của quy hoạch sử dụng đất được đặt trong mối quan hệ tổng thể đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều yếu tố tác động đến sử dụng đất.
Tại phiên họp, Hội đồng đã nghe, thảo luận về báo cáo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025); báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Hội đồng.
Quy hoạch đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về đất đai
Sau khi lắng nghe các ý kiến thành viên Hội đồng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng, nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất đai vừa là cơ sở, vừa là động lực để phát triển kinh tế-xã hội.
"Nếu không làm kỹ càng, bài bản, khoa học, không có tầm nhìn thì quy hoạch sử dụng đất không tạo được diện mạo, không gian phát triển cho mỗi ngành, mỗi địa phương, cũng như cả nước,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, yêu cầu đặt ra là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai vừa phải có tính thực tiễn cao để phục vụ phát triển, vừa phải có tính khoa học, thận trọng để bảo đảm có được không gian, tầm nhìn phát triển, nhất là bám sát mục tiêu, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước.
Đánh giá công tác lập quy hoạch, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều nỗ lực, hoàn thiện khối lượng công việc lớn trong một thời gian ngắn. Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch một cách bài bản, khoa học, công phu để hoàn thiện dự thảo trình ra Hội đồng. Các ủy viên Hội đồng cũng đã tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong quá trình xây dựng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tổng kết việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010-2020, đánh giá mặt được, chưa được, phân tích nguyên nhân chủ yếu, đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng; đồng thời đúc rút những bài học kinh nghiệm trong lập quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai.
Trong quá trình xây dựng quy hoạch, cơ quan chủ trì bám sát nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong quá trình chuẩn bị, nhiều hội nghị, hội thảo của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan trung ương được tổ chức; đã lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia. Hồ sơ quy hoạch đã được gửi tới các ủy viên Hội đồng thẩm định nghiên cứu, cho ý kiến. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu, hoàn thiện để báo cáo Hội đồng.

Ảnh minh họa: Hùng Võ/Vietnam+
Ảnh minh họa: Hùng Võ/Vietnam+
Phó Thủ tướng cho rằng về cơ bản dự thảo Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất đã đáp ứng 2 mục tiêu lớn là đã xác định được định hướng phân bổ không gian và chỉ tiêu sử dụng các nhóm đất lớn (nông nghiệp, đất rừng, đất phi nông nghiệp, …) từ đó tạo ra được quỹ đất để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; đồng thời bám sát chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về các định hướng chiến lược lớn trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, quy hoạch, kế hoạch đã chú trọng việc bảo đảm quỹ đất cho phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị, cho an ninh, quốc phòng; đồng thời vẫn bảo đảm thực hiện các định hướng lớn, các chỉ tiêu mà Đảng, Quốc hội đưa ra.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ dự thảo đề xuất chỉ tiêu đến năm 2030 cả nước có 15,8 triệu ha đất phục vụ mục đích phát triển rừng, tương đương khoảng 48% tổng diện tính tự nhiên của cả nước. Đây là cơ sở để đạt độ che phủ rừng đến năm 2030 duy trì ở mức 42% như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Về chỉ tiêu quỹ đất chuyên trồng lúa đến năm 2030, theo dự thảo Quy hoạch là khoảng 3,57 triệu ha, cao hơn so với mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm đặt ra (đến năm 2030 có 3,5 triệu ha đất lúa).
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng lưu ý việc quy hoạch đất phục vụ phát triển các vùng, khu vực ven biển. Thực tế thời gian qua, khu vực ven biển đã trở thành động lực phát triển của nhiều địa phương. Trong đó, việc quy hoạch và đầu tư xây dựng các tuyến đường ven biển tạo ra tiềm năng phát triển rất lớn.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tiếp thu các ý kiến, tập trung hoàn thiện quy hoạch để trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.
Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.