Quy hoạch Đà Lạt: đừng để tham vọng kinh tế nhất thời chi phối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tới Đà Lạt, chỉ cần thấy ngọn tháp hình khối chữ nhật trên ngôi chợ cũ khiêm cung, viễn khách đã cảm nhận được sự thảnh thơi và bình yên. Cần dừng lại những ý đồ quy hoạch có dấu hiệu bị chi phối bởi tham vọng kinh tế nhất thời.

Tìm một diện mạo mới cho khu trung tâm để cải thiện hình ảnh Đà Lạt, đồng thời khai thác tốt hơn nguồn tài nguyên nhân văn, di sản là việc làm cần thiết và cần đến những giải pháp bài bản, khoa học, hiểu biết.

 Khu dinh tỉnh trưởng bị những căn nhà không chung ngôn ngữ thiết kế cụ thể áp sát, thu hẹp mảng xanh xung quanh - Ảnh: M.VINH
Khu dinh tỉnh trưởng bị những căn nhà không chung ngôn ngữ thiết kế cụ thể áp sát, thu hẹp mảng xanh xung quanh - Ảnh: M.VINH



Đà Lạt vừa công bố phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình. Bản quy hoạch đang gây tranh cãi vì sự xuất hiện của những khối nhà cao tầng trên ngọn đồi cao nhất khu trung tâm, cùng với những khối kiến trúc nặng nề ở quảng trường Hòa Bình, dường như rất xa lạ với thiên nhiên và lịch sử của thành phố thơ mộng này.

Hình ảnh trung tâm Đà Lạt xưa trong ký ức những người Đà Lạt cựu trào là ngôi chợ cũ Đà Lạt (nay là rạp Hòa Bình). Công trình khiêm cung nằm trên ngọn đồi nhìn xuống hồ, như cái gạch nối giữa "khu An Nam" nằm phía bắc thành phố với vành đai biệt thự, dinh thự của người Âu.

Mặc dù bản quy hoạch Đà Lạt đầu tiên năm 1923 của Ernest Hébrard được cho là "phân biệt đối xử với người Việt" đã đặt khu Hòa Bình vào vị trí gần như "giới tuyến" giữa hai khu vực dân cư Pháp - Việt, nhưng từ nội tại, khu vực này như một trung tâm tích lũy và truyền trao nguồn năng lượng hiền hòa của xứ sở, đã hóa giải dần các mâu thuẫn, xóa nhòa những ranh giới quyền lực để trở thành một nơi giao tiếp, sinh hoạt kinh tế và văn hóa đầy thân thiện giữa các nhóm dân khác nhau (Việt, Hoa, Ấn, Pháp và cả người dân tộc bản địa).

Không gian lịch sử khu Hòa Bình, từ đó, phóng chiếu những nét chính trong tâm tính Đà Lạt: bặt thiệp, nhỏ nhẹ, coi trọng sự hài hòa. Đi vào thành phố, chỉ cần thấy từ xa ngọn tháp hình khối chữ nhật trên ngôi chợ cũ khiêm cung, trong lòng viễn khách đã cảm nhận được sự thảnh thơi và bình yên.

Nhưng áp lực dân số, làn sóng dịch vụ du lịch bình dân và quan trọng là sự quản lý quy hoạch xây dựng nhiều bất cập từ thời đổi mới và nặng nề nhất là khoảng 20 năm trở lại đây đã biến hình ảnh một khu Hòa Bình thanh lịch, bình yên, duyên dáng hôm qua thành khu trung tâm nhếch nhác, xô bồ.

Màu xanh của thông dần biến mất, nhà ống bêtông lô nhô, nhà phố cao tầng kiến trúc lộn xộn. Các công trình cũ có giá trị lịch sử bị xâm phạm, trong đó có rạp Hòa Bình, cụm công trình cửa hàng vòng xoay trước cà phê Tùng và xa hơn là dinh tỉnh trưởng.

Tìm một diện mạo mới cho khu trung tâm để cải thiện hình ảnh Đà Lạt, đồng thời khai thác tốt hơn nguồn tài nguyên nhân văn, di sản là việc làm cần thiết và cần đến những giải pháp bài bản, khoa học, hiểu biết.

Khu Hòa Bình hiện đại cần trật tự, hài hòa và thân thiện hơn nhưng cũng cần tôn trọng yếu tố nhận diện công trình kiến trúc lịch sử, biểu tượng đặc thù văn hóa và nhất là cần trả lại không gian xanh là đặc trưng môi trường Đà Lạt.

Không nên tiếp tục tạo ra những đứt gãy văn hóa bằng các đồ án quy hoạch nhân danh "xu thế hiện đại" nhưng thực chất là "phẳng hóa", thiếu hài hòa, tàn phá không gian bản sắc. Sự thiếu trách nhiệm trong quản lý quy hoạch xây dựng ngày hôm qua cần được khắc phục, nhưng không phải bằng cách đập bỏ, dọn sạch, tiếp tục cắm vào trung tâm Đà Lạt những công trình thô kệch, cao tầng với chất liệu và hình khối xa lạ, đi ngược với tinh thần kiến trúc bền vững.

Cần thiết phải dừng lại những ý đồ quy hoạch có dấu hiệu bị chi phối bởi tham vọng kinh tế nhất thời, phục vụ những lợi ích trước mắt mà để lại những hệ lụy khó cứu vãn cho văn hóa và kinh tế Đà Lạt tương lai

 

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN (TTO)

 

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất