Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Đắk Nông, đến nay toàn tỉnh đã có 18 công trình hồ chứa do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý, khai thác bị cạn kiệt nguồn nước. Trong đó, huyện Đắk Mil chiếm nhiều nhất với 14 công trình.

Trong khi đó, nắng nóng kéo dài khiến người dân quay quắt tìm nước tưới cây trồng. Ông Chu Gia Thất, trưởng thôn Đắk Thọ (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil) cho biết, nắng nóng vẫn diễn ra gay gắt dù trước đó trên địa bàn xuất hiện mưa nhưng không đáng kể. Nắng nóng kéo dài khiến hàng trăm hộ dân nơi đây quay quắt tìm nước tưới cây trồng.
Theo ông Thất, nguồn nước tưới trên địa bàn chủ yếu trông chờ hồ nước 40, song đã cạn từ tháng 2. Công ty thuỷ lợi đã trung chuyển nước từ hồ trung tâm huyện Đắk Mil nhưng không đủ. Để có nước tưới cây trồng, người dân tìm đủ mọi cách vét từng giọt nước trong đó bỏ tiền ra mua nước.
Thực tế, Đắk Nông từng là “chảo lửa” của nắng hạn. Vào năm 2016, nắng nóng khiến 18.500 héc-ta cây trồng bị ảnh hưởng. Năm 2020 diện tích cây trồng bị hạn tăng lên 24.950 héc-ta. Năm 2024, hạn hán kéo dài làm thiệt hại gần 8.900 héc-ta cây trồng, thiệt hại ước tính 430 tỷ đồng.
Theo rà soát, hiện tại các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh mới đảm bảo nguồn nước tưới cho diện tích sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 27%.

Trước tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán diễn ra ngày càng khốc liệt, nhất là khu vực phía Bắc tỉnh (huyện Đắk Mil, Cư Jút và Krông Nô), Sở NN&MT Đắk Nông đề nghị Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi báo cáo Bộ NN&MT, Bộ Tài chính xem xét, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư các công trình thủy lợi cho tỉnh giai đoạn đến năm 2030.
Cụ thể đầu tư nâng cấp, sửa chữa 37 công trình để đảm bảo phục vụ cho khoảng 8.200 héc-ta cây trồng các loại với tổng kinh phí dự kiến 169 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng mới các công trình thủy lợi với tổng kinh phí dự kiến 1.968 tỷ đồng, để tăng thêm diện tích tưới khoảng 12.700 héc-ta cây trồng các loại.
Theo Huỳnh Thủy (TPO)