Cùng đưa ra lộ trình cụ thể để bàn giao cột mốc cho 4 địa phương ở Quảng Ngãi có dự án cao tốc Bắc – Nam đi qua; qua khảo sát, dự kiến số hộ sẽ được bố trí tái định cư (TĐC) để GPMB phục vụ thi công dự án, đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi ước gần 1.300 hộ.
Sáng 26/3, xác nhận với PV Etime, đại diện chính quyền Quảng Ngãi cho biết, sau một thời gian nỗ lực triển khai, cơ quan chức năng tỉnh và T.Ư đã tiến hành bàn giao mốc giới dự án cao tốc Bắc – Nam (đoạn đi qua địa bàn Quảng Ngãi) cho huyện đầu tiên của tỉnh này là Tư Nghĩa, với diện tích khoảng 10ha.
|
Kiểm tra thực địa hiện trường dự án. Ảnh: Thảo Nguyên |
Đại diện Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT), cao tốc Bắc – Nam cho biết, hiện đã lên kế hoạch cụ thể về lộ trình bàn giao cột mốc cho các địa phương khác của Quảng Ngãi là Nghĩa Hành, Mộ Đức và TX.Đức Phổ.
Theo đó chậm nhất đến 22/4, toàn bộ cột mốc còn lại của các địa địa phương trên sẽ được Ban và cơ quan chức năng của tỉnh bàn giao, riêng các nút giao thông, chậm nhất 30/6/2022 sẽ bàn giao.
Liên quan đến dự án trên vào chiều hôm qua (ngày 25/3), Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương và BQL dự án 2, triển khai công tác bồi thường, GPMB của công trình (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa bàn tỉnh này).
Một trong số những nội dung đáng chú ý tại cuộc họp đó là tổ chức khảo sát, dự kiến số hộ, vị trí, quy mô các khu tái định cư (TĐC) để di dân, GPMB phục vụ thi công dự án. Theo tính toán của các thành viên tham gia, dự kiến tổng số hộ TĐC của 4 địa phương (có dự án đi qua), ước gần 1.300 hộ. Cụ thể huyện Nghĩa Hành khoảng 300 hộ; Tư Nghĩa khoảng 420 hộ; Mộ Đức khoảng 70 hộ và TX.Đức Phổ hơn 500 hộ.
Đại diện chính quyền 4 huyện, thị cho biết, hiện các địa phương đã tổ chức họp dân, công khai dự án và triển khai các bước cần thiết để giữ nguyên hiện trạng, kịp thời ngăn chặn tình trạng tách thửa để trục lợi từ dự án.
|
Vị trí của khu vực có dự án đi qua. Ảnh: Thảo Nguyên |
Tại cuộc họp các cấp, ngành đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ cho phép vận dụng cơ chế đặc thù để thực hiện công tác bồi thường GPMB; sớm bàn giao cột mốc để làm cơ sở thực hiện các thủ tục tiếp theo (về bồi thường, thu hồi đất…), nhằm đảm bảo hoàn thành bàn giao mặt bằng thi công dự án theo các mốc thời gian đề ra.
Sau khi nghe báo cáo, ý kiến từ các đơn vị trực thuộc và liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh thống nhất phối hợp với BQL dự án 2, trình Chính phủ cho phép tỉnh làm chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường, GPMB, TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án.
Người đứng đầu chính quyền Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương, sở, ngành phải quyết tâm thực hiện tốt các phần việc của mình, đưa Quảng Ngãi trở thành địa phương điển hình (thực hiện tốt) trong số 12 tỉnh, thành phố có dự án này đi qua.
|
Đo đạc để cắm mốc. Ảnh: Thảo Nguyên |
Được biết dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua Quảng Ngãi có tổng chiều dài khoảng 60km. Theo mốc thời gian đề ra đến tháng 11/2022, phải bàn giao mặt bằng đạt ít nhất 70%; quý II năm 2023, sẽ bàn giao 100% mặt bằng để phục vụ thi công dự án.
Tại các cuộc họp trước đó, người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Ngãi nhiều lần nhấn mạnh, đây là một công trình trọng điểm quốc gia, do vậy cần tập trung tối đa nhân lực, nguồn lực để đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra theo chỉ đạo trước đó từ cấp thẩm quyền T.Ư.
Qua kiểm tra tực tế hiện trường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh nhìn nhận, công tác bồi thường GPMB, tái định cư được xác định là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của quá trình thực hiện dự án.
|
Một mốc cắm lộ giới. Ảnh: Thảo Nguyên |
Để đảm bảo tiến độ đối với công tác GPMB và tái định cư, tỉnh Quảng Ngãi giao Sở GTVT là đầu mối tổ chức thực hiện công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án.
Về chính quyền các huyện Tư nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành và TX. Đức Phổ, cấp thẩm quyền tỉnh thống nhất về nguyên tắc, giao làm chủ đầu tư bồi thường GPMB đoạn đi qua địa phương của mình.
|
Quảng Ngãi đặt mục tiêu quyết tâm thực hiện tốt các phần việc của mình, đưa địa phương trở thành tỉnh điển hình (thực hiện tốt) trong số 12 tỉnh, thành phố có dự án này đi qua. Ảnh: Thảo Nguyên |
Cụ thể UBND huyện Tư Nghĩa đảm nhận 100% công tác GPMB; huyện Mộ Đức thực hiện công tác GPMB thông qua ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh; TX.Đức Phổ trên cơ sở cân đối khả năng đảm nhận 2/3 khối lượng công việc, phần còn lại ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện….
Theo Thảo Nguyên (Dân Việt)