Quản lý trật tự đô thị Pleiku: "Ném đá ao bèo"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mấy hôm nay, trên các phương tiện truyền thông địa phương lại đề cập vấn đề chỉnh trang đô thị Pleiku để chuẩn bị kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập (3-12), đón nhận quyết định công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp thành phố và công nhận Pleiku thành đô thị loại I thuộc tỉnh. Câu chuyện chỉnh trang đô thị (nội thành) không còn mới nữa, đặc biệt là mỗi khi có những sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh nói chung và TP. Pleiku nói riêng. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, hết sự kiện, hết phong trào thì đâu lại vào đó, chẳng khác nào “ném đá ao bèo”!
Công bằng mà nói, về mảng đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông, cấp-thoát nước, điện chiếu sáng những năm trở lại đây, tỉnh và thành phố đã có những bước cải thiện đáng kể. Những trục đường chính như: Hai Bà Trưng, Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Ngũ Lão, Phan Đăng Lưu, Trần Phú, Mạc Đĩnh Chi, Lê Đình Chinh, Nguyễn Hữu Thọ... là một minh chứng. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Quế cho biết: Trong 2 năm (2018-2019), thành phố đã đầu tư 34 công trình giao thông trên địa bàn với tổng vốn gần 240 tỷ đồng. Đối với những con đường nhỏ, các con hẻm.., chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã được người dân hưởng ứng, tham gia đóng góp công của đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới với kết cấu bằng bê tông nhựa ở 19 đường và đoạn đường, làm cho bộ mặt giao thông vùng nội ô thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, trật tự đô thị, vệ sinh đường phố và các khu dân cư vẫn là vấn đề rất đáng quan tâm.
 Căn nhà số 40 đường Cách Mạng Tháng Tám hiện vẫn chưa thể giải tỏa để đơn vị thi công thực hiện việc mở rộng đường. Ảnh: Hải Lê
Căn nhà số 40 đường Cách Mạng Tháng Tám hiện vẫn chưa thể giải tỏa để đơn vị thi công thực hiện việc mở rộng đường. Ảnh: Hải Lê
Nói về trật tự giao thông trong nội đô TP. Pleiku, các ngành chức năng đã có sự quy hoạch và quy định nhiều con đường, đoạn đường được và không được đậu đỗ ô tô theo ngày chẵn lẻ. Quy định là một việc, việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm lại là việc khác. Đôi khi người viết bài này tự hỏi: Chẳng biết Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Trật tự của TP. Pleiku làm gì khi thấy sự vi phạm của nhiều chủ phương tiện trên những đường có quy định đậu đỗ theo ngày chẵn lẻ, mà thậm chí vi phạm hàng giờ, nhiều giờ, làm tắc nghẽn lưu thông?
Một việc nữa là vẫn “bài” xưa-biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Nói mãi mà không hề chuyển biến, sửa chữa thì nói tiếp. Đó là chuyện lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán, làm “kho” cất giữ hàng hóa. Nhiều con đường và khu phố của TP. Pleiku được quy hoạch từ những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, quy hoạch ấy sau nhiều lần bổ sung, sửa đổi, nhưng nhiều nơi, nhiều điểm vẫn lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị theo hướng văn minh, từng bước hiện đại. Đã vậy, việc không ít hộ dân có nhà mặt tiền lấn chiếm lòng lề đường để làm “của riêng” không được chính quyền và ngành chức năng quan tâm xử lý theo quy định của pháp luật. Không năm nào không có “chiến dịch” làm cho đường thông, hè thoáng, nhưng những “chiến dịch” ấy vẫn như là... “nước đổ đầu vịt”, “đầu voi đuôi chuột”, “đánh trống bỏ dùi”.
Lại hỏi, ngành chức năng của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước các cấp đang ở đâu? Giáo dục, giác ngộ là việc của đoàn thể quần chúng, công tác quản lý và xử phạt là của chính quyền; điều này luật pháp đã quy định, không thiếu một hành vi nào không được điều chỉnh, nhưng lại không ai, không cấp nào... “điều chỉnh” cho triệt để, thường xuyên, liên tục. Quản lý nhà nước, thiển nghĩ không phải chỉ trong giờ hành chính, trên bàn giấy hay trong phòng lạnh! Mấy ngày nay, người viết thấy xuất hiện phía trước tòa chung cư Hoàng Anh Gia Lai một cái ki ốt đẹp mắt. Người bán hàng ăn vặt tại ki ốt này cho biết là học theo cách làm của một số người bán hàng trên các đường phố ở TP. Hồ Chí Minh. Không lạ, chúng tôi đã thấy những cái ki ốt kiểu này ở một số đường phố tại Seoul, Jeju (Hàn Quốc) từ rất lâu rồi. Đây phải chăng là một trong những biện pháp giải quyết “câu chuyện” lấn chiếm lòng lề đường, vừa giúp người nghèo có việc làm, có thu nhập, lại vừa… làm đẹp đường, văn minh phố!
Và, việc cuối cùng của bài viết này là rác. Nhức nhối về chuyện rác, rác thải nhựa, rác hữu cơ, rác quảng cáo, “rác” trong người tháo ra... tràn lan ra ở không ít con phố, trên vỉa hè, dưới lòng đường, cả trong các cống thoát nước. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 quy định đầy đủ, chi tiết xử phạt hành chính về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Thế nhưng sự vi phạm tràn lan, ở nhiều lĩnh vực thuộc môi trường, ở nhiều đối tượng, sờ sờ ra đó, diễn ra trước thanh thiên bạch nhật đó, nhưng có ai, có cơ quan nào trên địa bàn TP. Pleiku đứng ra xử lý?
Mặt khác, cũng cần nói thêm: Chi bộ, tổ dân phố, các đoàn thể ở cơ sở cần có sự vận động, giáo dục, thuyết phục người dân chấp hành luật pháp về lĩnh vực môi trường; đi đôi với đó là nghiên cứu thiết kế những dụng cụ đựng, chứa rác thải để ở những nơi công cộng và cung cấp cho từng hộ, quy định giờ thu gom rác của doanh nghiệp chức năng để người dân biết và chấp hành. Thiết nghĩ, chỉnh trang đô thị là công việc thường niên, đi đôi với nó là việc làm cho đô thị trở nên xanh-sạch-sáng-đẹp, thế mới xứng tầm đô thị loại I thuộc tỉnh vậy!  
ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

(GLO)- Với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực khu vực phía Đông tỉnh và hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025, thị xã Ayun Pa đã huy động các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp.

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Một bán đảo nằm ngay trung tâm thành phố lớn nhất cả nước, được ví như 'ngọc trong ngọc' nhưng treo 30 năm, lãng phí nếu quy ra tiền là bao nhiêu? Không ai có thể tính đúng tính đủ, nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.