Hôm nay (17.5), Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết bộ này đang thúc đẩy hủy bỏ gần như toàn bộ các trường hợp được miễn nghĩa vụ quân sự bắt buộc tại nước này với lý do quân đội thiếu người.
![]() |
Binh sĩ Hàn Quốc diễn tập chống khủng bố tại một khách sạn ở Seoul ngày 17.5.2016. Ảnh: AP |
Mỗi năm, khoảng 28.000 công dân Hàn Quốc có cơ thể lành lặn được miễn nhập ngũ vì lý do đang đi học hoặc phục vụ trong lực lượng cảnh sát hay chữa cháy.
"Tính đến dự báo dân số của đất nước, chúng tôi cho rằng vào năm 2023, quân đội sẽ thiếu khoảng 20.000 - 30.000 quân nhân" - Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
Kế hoạch hủy bỏ quyền miễn nghĩa vụ quân sự đang được các bộ liên quan khác thảo luận và sẽ được thực thi theo từng giai đoạn qua 3 năm, bắt đầu từ năm 2020.
Hơn 60 năm sau khi chiến tranh liên Triều kết thúc, mọi công dân nam Hàn Quốc trong độ tuổi từ 18-35 tuổi đều phải phục vụ trong quân đội 2 năm.
Lý do chính của việc nhập ngũ bắt buộc này là mối đe dọa từ nước láng giềng Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, trong bối cảnh hai miền Triều Tiên chấm dứt chiến tranh bằng một lệnh ngừng bắn thay vì một thỏa thuận hòa bình. Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh.
Quân đội Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc và binh sĩ thường được điều làm nhiệm vụ kiểm soát biên giới giáp Triều Tiên.
Nhiều năm qua, chính sách bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự đã gây ra tâm lý bất bình ở nhiều người dân vì nó can thiệp vào việc học hành và công việc mới có của họ nhưng phục vụ cho mục đích không rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh dân số ngày càng già đi nhanh chóng và lực lượng lao động ngày một teo tóp.
Hiện nay, đối tượng được quyền miễn nghĩa vụ quân sự là người có bằng thạc sĩ ngành cơ khí và những người này có thể phục vụ 3 năm tại một viện nghiên cứu thay vì phục vụ trong quân đội.
Ngoài đối tượng trên, tất cả mọi công dân nam trong độ tuổi quy định đều phải nhập ngũ nếu không muốn đi tù và hồ sơ lý lịch tù tội sẽ chặn đứng cơ hội có việc làm của người đó trong cơ quan nhà nước hay tập đoàn lớn trong tương lai.
Tuy nhiên, một số thanh niên Hàn Quốc vẫn tìm cách lách luật bằng nhiều thủ thuật khác nhau, từ kéo dài thời hạn đi học ở nước ngoài cho đến nhịn ăn để không đạt kiểm tra sức khỏe.
Cách đây vài năm, một làn sóng xăm mình rộ lên nhằm trốn nghĩa vụ quân sự tại Hàn Quốc.
Tố Uyên (Theo AFP)