Quà tặng đặc sản đậm chất núi rừng Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến với Đắk Lắk, du khách không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, hít thở bầu không khí trong lành, trải nghiệm nếp sống văn hóa truyền thống của các dân tộc địa phương mà còn được thưởng thức nhiều món ăn ngon nức tiếng và chọn được không ít đặc sản để mua về làm quà.
Vốn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho rất nhiều sản vật quý, khi đến với Đắk Lắk, du khách sẽ được thỏa sức mua sắm các loại đặc sản độc đáo làm quà để mang về tặng người thân, bạn bè của mình.
Trong vô vàn sản vật, có lẽ nổi tiếng nhất phải kể đến là cà phê. Buôn Ma Thuột từ lâu đã được mệnh danh là "thủ phủ của cà phê". Bởi thế khi đến Buôn Ma Thuột, bên cạnh việc thưởng thức ly cà phê Ban Mê đúng vị thì không ít du khách cũng sẽ chọn cà phê để làm quà tặng người thân, bạn bè.
Cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng không chỉ bởi hương vị có được nhờ điều kiện khí hậu đặc trưng của vùng đất này mà điều làm cho cà phê Buôn Ma Thuột càng trở nên đặc biệt hơn là ở cách chế biến.
Ông Võ Trọng Nghĩa, chủ thương hiệu DakLac coffee, sau nhiều năm học tập, nghiên cứu nhằm tạo ra những sản phẩm cà phê sạch, nguyên chất, thơm ngon và tốt cho sức khỏe người dùng đã chia sẻ, để tạo ra hương vị tự nhiên của cà phê, người làm cà phê ở Đắk Lắk nói chung, Buôn Ma Thuột nói riêng phải chăm chút từ khâu trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch.
Người trồng cà phê thường rất cẩn thận, lựa chọn đúng thời điểm thu hoạch mới có thể tạo ra nhiều loại cà phê có hương vị khác nhau. Hiện nay, Abrica và Robusta là những dòng cà phê được nhiều khách hàng sử dụng.
 
Những quả cà phê chín đỏ làm nên thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.
Những quả cà phê chín đỏ làm nên thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.
Đi cùng với cà phê là mật ong hoa cà phê. Đây chính là đặc sản có một không hai từ những vườn cà phê Tây Nguyên đầy nắng gió, rất riêng biệt không nơi nào có được.
Khi hoa cà phê bắt đầu hé nở cũng chính là thời điểm thích hợp để người nuôi ong cho những đàn ong đi hút mật hoa cà phê. Những vườn cà phê hoa nở trắng xóa, thơm lừng sẽ mời gọi các chú ong chăm chỉ đến hút mật. Mật ong hoa cà phê có màu cánh gián, hương thơm dễ chịu, mật ngọt nhưng không quá gắt sẽ là món quà hết sức độc đáo để du khách lựa chọn.
Một sản vật khác cũng nổi tiếng không kém đó là ca cao. Từ những trái ca cao tươi ngon trồng trên vùng cao nguyên đầy nắng gió, được người dân chăm sóc ở chế độ đặc biệt đã được chế biến thành nhiều sản phẩm độc đáo.
Ông Nguyễn Bá Dũng (thôn 1, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, hạt ca cao đã được nhiều nông dân áp dụng quy trình lên men của Nhật Bản, tách bơ và rang riêng biệt đã cho ra sản phẩm bột, bơ ca cao thuần khiết.
Điểm cộng khiến bột ca cao của Đắk Lắk được người tiêu dùng đánh giá cao là bên cạnh hương vị đặc trưng còn do sản phẩm không pha trộn thêm bất cứ nguyên liệu nào, không pha thêm đường, chất tạo ngọt, phụ gia hay chất bảo quản nên rất có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, nước ép ca cao còn được chế biến thành rượu ca cao thơm ngon, bổ dưỡng và cũng rất độc đáo.
 
Sản phẩm rượu ca cao do ông Nguyễn Bá Dũng (thôn 1, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) chế biến.
Sản phẩm rượu ca cao do ông Nguyễn Bá Dũng (thôn 1, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) chế biến.
Nói đến hoa quả thì Đắk Lắk nổi danh với quả bơ. Ở Việt Nam không loại bơ nào ngon hơn bơ Đắk Lắk. Nếu du khách đến với Đắk Lắk vào đúng mùa bơ thì sẽ thỏa thích lựa chọn loại quả bổ dưỡng này về làm quà biếu. Bởi vùng đất này luôn giúp cho quả bơ to, đẹp, chất bơ dẻo quánh thơm ngon đặc biệt mà không vùng đất nào có được.
Ngoài những sản vật trên, Đắk Lắk còn có những sản phẩm nổi tiếng khác như: măng khô, rượu cần, chuối hột rừng, nghệ rừng, tiêu, rượu Amakông… cũng nổi danh không kém.
Thanh Nga (baodaklak.vn)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.