Hiểm họa từ ô tô tập lái 'chui': Xe 'chui', thầy cũng 'chui'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nắm bắt nhu cầu học, thi lấy bằng lái ô tô tăng cao, đã xuất hiện những “trung tâm” dạy lái xe “chui” với thầy và phương tiện đều không đảm bảo nhưng vẫn công khai nhận học viên, thu tiền và... dạy lái, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.
Sau cái chết thương tâm của cháu bé 5 tuổi ở Nam Định do “ô tô tập lái” gây ra, nhiều bạn đọc phản ánh tình trạng “ô tô tập lái” ở TP.HCM cũng rất bát nháo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. PV Thanh Niên vào cuộc điều tra, phát hiện nguyên nhân của thực trạng này đều xuất phát từ tình trạng dạy lái xe “chui”.
 
“Thầy” Tuấn Anh đang dạy lái cho học viên trên đường. Ảnh: T.D.K
“Thầy” Tuấn Anh đang dạy lái cho học viên trên đường. Ảnh: T.D.K
Biến khu dân cư thành bãi tập xe
Cuối tháng 8.2022, qua tương tác nhóm cư dân một chung cư trên mạng xã hội, PV Thanh Niên liên hệ “thầy” Phan Thanh Sang “chuyên nhận và dạy lái ô tô ở TP.Thủ Đức” để xin học thi bằng lái B2 (ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, ô tô tải, máy kéo rơ moóc có trọng tải dưới 3.500 kg và xe hạng B1). “Thầy” Sang tự xưng là giáo viên dạy lái ô tô tại Trung tâm (TT) giáo dục nghề nghiệp kỹ thuật nghiệp vụ Quý Đức (sau đây gọi tắt là TT Quý Đức) ở H.Bình Chánh. Tuy nhiên, khi PV xin học, “thầy” lại giới thiệu qua TT dạy nghề lái xe Thiên Tâm (đường Lê Văn Việt, P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức, sau đây gọi tắt là TT Thiên Tâm) “là đơn vị liên kết với TT Quý Đức” để nộp hồ sơ.
 
“Thầy” Win xuống xe hút thuốc, để cho nữ học viên tự lái ô tô trên đường Trương Văn Bang (TP.Thủ Đức). Ảnh: Trần Duy Khánh
“Thầy” Win xuống xe hút thuốc, để cho nữ học viên tự lái ô tô trên đường Trương Văn Bang (TP.Thủ Đức). Ảnh: Trần Duy Khánh
Ngày 5.9, PV đến TT Thiên Tâm, nữ nhân viên tại đây tư vấn đang có gói học bằng lái B2 giá 11,6 triệu đồng… “Lý thuyết sẽ dạy online miễn phí. Số tiền trên đóng cho chương trình thực hành 30 giờ, phí xăng xe, bến bãi, giáo viên hướng dẫn…”, nữ nhân viên nói.
Ngày 7.9, TT Thiên Tâm gọi điện báo PV đến đường Vũ Tông Phan (P.An Phú, TP.Thủ Đức) để “thầy” Tuấn Anh đón đi xem tập lái. 13 giờ cùng ngày, “thầy” Tuấn Anh điều khiển ô tô 4 chỗ, BS 51F-734.xx (không gắn biển tập lái) đến đón PV, trên xe lúc này có hai nữ học viên. “Thầy” Tuấn Anh giới thiệu là “giáo viên tự do”, không thuộc TT đào tạo nào, cứ có “kèo” từ các TT liên hệ và đặt lịch là nhận dạy thực hành. Còn hai nữ học viên cho biết đăng ký học từ hội nhóm trên mạng xã hội, đóng tiền cho “thầy” học, chứ chưa từng đến TT đăng ký, không được phát thẻ học viên, cũng chẳng biết lý thuyết, sa hình…
Khu tái định cư Nam Rạch Chiếc (TP.Thủ Đức) biến thành bãi tập lái ô tô khiến người dân bức xúc. Ảnh: Trần Duy Khánh
Khu tái định cư Nam Rạch Chiếc (TP.Thủ Đức) biến thành bãi tập lái ô tô khiến người dân bức xúc. Ảnh: Trần Duy Khánh
Xe chạy đến “sân tập” là khu tái định cư Nam Rạch Chiếc (P.An Phú, TP.Thủ Đức). Do mới học lái vài ngày, nữ học viên lúc thì để ô tô tắt máy giữa đường, lúc lại lùi quá nhanh khiến “thầy” Tuấn Anh giật mình quát to, rồi đạp thắng khẩn cấp khiến mọi người trên xe hú vía. Nữ học viên còn lại ngồi ở băng ghế sau hốt hoảng: “Bà lái ghê vậy, ruột gan tôi trào lên hết rồi nè, coi chừng tông người ta”... Dù vậy, hướng dẫn học viên một lúc thì “thầy” Tuấn Anh xuống xe, giao xe cho 2 nữ học viên tự lái khắp các con đường mặc cho xe máy, ô tô, người dân khu vực qua lại.
Tại khu tái định cư này, PV ghi nhận trong buổi chiều 7.9 có 5 ô tô (gắn hoặc không gắn biển tập lái) có học viên đang tập lái trên các tuyến đường. Người dân ở đây phản ánh mỗi ngày có hàng chục lượt ô tô tập lái ra vào, chạy nhiều giờ liền trong khu dân cư. Các con đường bị vẽ sơn, đánh dấu, biến khu này thành bãi tập xe bất đắc dĩ, trông nhếch nhác. “Ô tô tập lái như vậy thì cực kỳ nguy hiểm cho người dân và cả bản thân người tập lái, gây mất an toàn khu vực. Có trường hợp ô tô gắn biển tập lái lùi xe quá trớn tông vào cây xanh bên đường, may lúc đó vắng người”, một người dân bức xúc.
 
Các “thầy” dùng vạch sơn, gạch, nhánh cây để biến tấu thành bãi tập lái. Ảnh: Trần Duy Khánh
Các “thầy” dùng vạch sơn, gạch, nhánh cây để biến tấu thành bãi tập lái. Ảnh: Trần Duy Khánh
Cũng tại bãi tập lái này, khoảng 14 giờ ngày 7.9, chiếc ô tô BS 51G-415.xx do một học viên nữ lái bất ngờ tăng ga, rồi thắng gấp để lại trên mặt đường một vết hằn bánh xe kéo dài. Xe dừng lại, thầy dạy lái xe lớn tiếng: “Đạp gì mạnh dữ vậy, nhầm châm ga rồi, nhả côn từ từ thôi”...
“Thầy” mải điện thoại, giao xe cho học viên tự lái
Chiều 8.9, TT Thiên Tâm thông báo cho một PV khác tiếp tục đến đường Vũ Tông Phan (P.An Phú, TP.Thủ Đức) để “thầy” Win đón đi học “kinh nghiệm” tập lái của học viên. “Thầy” Win lái ô tô 4 chỗ, BS 51K-294.xx đi cùng nam học viên (khoảng 25 tuổi) đến đón PV. Nam học viên được “thầy” Win cho điều khiển ô tô chạy ra đường Lương Định Của. Trên đường đi, ô tô liên tục chết máy. Đến một ngã ba, nam học viên đánh lái sang đường gấp khiến các phương tiện đi phía sau phải thắng khẩn cấp để tránh tai nạn...
Đến 15 giờ cùng ngày, nam học viên kết thúc buổi tập. “Thầy” Win tiếp tục đón nữ học viên tên L.T.A (24 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) đi tập lái. Nữ học viên này cho hay đây là buổi tập thứ hai và bản thân chưa từng học qua lý thuyết, chạy trong sa hình… Khi chiếc xe tập lái chạy qua cầu Cá Trê Lớn (đường Mai Chí Thọ, TP.Thủ Đức), A. lúng túng đạp thắng gấp khiến xe dừng đột ngột, tắt máy giữa đường, mọi người trong xe lao nhào về phía trước, còn các xe chạy phía sau phải thắng lết bánh để tránh tai nạn. Sau sự cố này, “thầy” Win giành quyền điều khiển, đưa xe về đường Trương Văn Bang (P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức). Tại đây, sau một lát cho A. lái xe, “thầy” Win bỏ xuống xe hút thuốc và nói chuyện điện thoại hơn 20 phút, giao ô tô cho học viên tự lái trên đường…
Tương tự, tại bãi tập lái Nam Rạch Chiếc, cuối tháng 8.2022, học viên tên V. (ngụ TP.Thủ Đức, đăng ký học lái ô tô qua nhóm Facebook do “thầy” Sang dạy lái) chia sẻ với PV, cứ mỗi lần tập “thầy” Sang lại đổi xe, và xe đều không có thắng phụ. “Lần đầu tiên, tôi đi học lái xe nhưng thấy xe và cách dạy của “thầy” Sang không an toàn cho mình và những người đi đường”, chị V. lo lắng. (còn tiếp)

Sai quy định dạy và học lái ô tô

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý, sát hạch và cấp giấy phép lái xe - Sở GTVT TP.HCM, xác nhận TT Thiên Tâm (số 77 Lê Văn Việt, P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức) không có trong hệ thống quản lý của sở. Qua đó cho thấy TT Thiên Tâm hoạt động chui, các “thầy” và xe liên kết với TT này đều không đúng quy định.

Cũng theo ông Quang, Phòng chỉ cấp giấy phép tập lái cho ô tô của TT dạy lái được cấp phép hoạt động dạy lái ô tô. Xe tập lái phải đáp ứng đủ yêu cầu như có thắng phụ, gắn biển tập lái. Người dạy lái phải có chứng chỉ dạy lái ô tô được TT cấp thẻ giáo viên. Học viên phải học qua lý thuyết, đảm bảo 20 giờ tập thực hành trên sa hình thì mới được tập lái ngoài đường. Khi tập lái ngoài đường, xe tập lái phải có biển tập lái trước và sau, học viên và giáo viên phải mang thẻ do TT dạy lái xe cấp. “Chúng tôi chỉ cấp giấy phép cho xe tập lái trên trục đường chính, lớn, chứ không cấp cho xe tập lái chạy vào khu dân cư đông người. Xe gắn biển tập lái cho học viên thực hành trong khu dân cư là rất nguy hiểm và sai quy định”, ông Quang nói.

Về thông tin “TT Thiên Tâm có hợp đồng liên kết với TT Quý Đức”, bà Chu Thị Minh Nguyệt, Giám đốc TT Quý Đức, khẳng định hai bên không có liên kết; đồng thời cho rằng người tự xưng là “thầy” Phan Thanh Sang cùng TT Thiên Tâm đang mạo danh uy tín của TT Quý Đức để làm sai các quy định trong việc đào tạo lái ô tô.

Theo Mã Phong-Trần Duy Khánh (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Cứ mỗi độ vào mùa, người dân lại đổ xô vào rừng săn lùng quả ươi. Để xí phần, nhóm người săn ươi đánh dấu bằng cách dùng dao, rựa chặt vạt tạo vết trên thân cây hoặc xịt sơn làm ký hiệu; và hầu hết cây ươi bị đánh dấu này đều chung số phận bị chặt hạ, tỉa cành để khai thác ươi.
'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.