Kỳ 2: "Cơm bưng, nước rót, ngủ có người gác"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 21 ngày ở Trung tâm cách ly tập trung của tỉnh tại Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên thuộc Binh đoàn 15 (huyện Đức Cơ) đã để lại trong tôi nhiều cung bậc cảm xúc. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một bài báo, tôi chỉ xin kể vài kỷ niệm đáng nhớ.
Ngày đầu tiên ở khu cách ly là ngày tôi “bận rộn” nhất. Một mình làm bạn với 8 chiếc giường tầng, tôi vừa dọn vệ sinh phòng ở, vừa trả lời điện thoại của mọi người. Nghe tin tôi phải đi cách ly tập trung, người thân ngoài quê lần lượt gọi điện qua Zalo đòi tận “mục sở thị” nơi ở của tôi. Những câu hỏi: Sức khỏe thế nào? Điều kiện sinh hoạt ra sao? Thức ăn có hợp khẩu vị không?… cứ lặp đi lặp lại. Mấy bạn ở thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) còn bảo: “Chị sướng nhé, được cơm bưng, nước rót, ngủ có người gác. Chị hỏi xem họ có cho vào không để bọn em lên thăm”. Tôi phá lên cười: “Trời ạ! Đã cách ly còn đòi đến thăm”. Cô cháu gái làm ở Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ gửi trái cây, sâm ngâm mật ong nhờ đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ ở khu cách ly đem vào, kèm theo lời dặn: “Cô ráng ăn nhiều trái cây, mỗi ngày ăn 4-5 lát sâm và 1 muỗng mật ong để tăng sức đề kháng. Cần gì cứ nhắn cho con”. Tôi nhờ bác sĩ Trần Văn Nam (Trạm Y tế xã Ia Pnôn) và Thiếu úy Phạm Văn Nam đem trái cây cho mọi người cùng ăn, nhưng 2 người chỉ cầm lấy lệ. Nhìn thấy cậu bé khoảng 2 tuổi đi qua, tôi cầm chùm nhãn ra cho, nhưng mẹ cháu giữ không cho cháu đến gần, chỉ giơ tay nhận với thái độ rất dè dặt. Tôi thoáng chút ngỡ ngàng nhưng cũng nhanh chóng hiểu ra. Ở trong này phải ưu tiên thực hiện 5K. Buổi tối, ông xã gọi điện thông báo, anh phải nghỉ việc để cách ly tại nhà 14 ngày vì đã chở vợ từ sân bay về và lên Trạm Y tế xã.
Cảm nhận được sự e ngại, né tránh của mọi người, gặp ai, tôi cũng cười, gật đầu chào trước. Ba hôm sau, chị Trần Thị Lài (trú tại huyện Chư Prông) chủ động sang phòng tôi chơi. Chúng tôi giữ đúng khoảng cách theo quy định. Nghe tôi nói không ở tâm dịch, cũng chẳng tiếp xúc với F nào, chị Lài cởi mở kể: “Vợ chồng em có 4 đứa con. Cuộc sống khó khăn, làm cà phê, hồ tiêu vất vả, lúc được, lúc mất. Năm 2019, em xin vào làm việc cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở bên Campuchia. Ý định chỉ làm vài tháng kiếm tiền cho cậu con trai lớn đi học đại học rồi về, nhưng xảy ra dịch bệnh nên không về được. Đến nay, em xin về phép. Chắc lần này em ở nhà buôn bán thôi, cũng dành dụm được chút vốn liếng rồi. Bỏ ổng và 3 đứa nhỏ ở nhà cũng tội chị ạ”. Tối hôm đó, Thiếu úy Nam thông báo có 3 người mới vào nên chuyển tôi lên tầng 2, ở phòng số 10 cùng 2 mẹ con chị Phan Thị Linh (xã Cửu An, thị xã An Khê).
Tác giả đi bầu cử. Ảnh: Nguyễn Dung
Tác giả đi bầu cử. Ảnh: Nguyễn Dung

Mẹ con chị Linh vào khu cách ly trước tôi 3 ngày (do bé Đan đi học ở Đà Nẵng có tiếp xúc với F1). Chị Linh là người hay chuyện nên mới ở cùng nhau 1 ngày, chúng tôi đã trở nên thân thiết. Buổi tối, chúng tôi đang đi bộ dưới sân thì nghe Chỉ huy Trung tâm thông báo phòng số 7 (dãy nhà nam) đang tổ chức nhậu, yêu cầu lực lượng Công an mời các công dân lên làm việc. Những người có mặt ở sân đều tỏ thái độ bất bình trước ý thức quá kém của các công dân này. Trời bỗng nổi giông. Gió rất mạnh. Tiếng sấm càng lúc càng rền và gần, kéo theo những tia chớp sáng lóa cùng những tiếng sét chói tai. Đang ngồi đọc sách, tôi giật bắn người bởi sau tiếng sét, đường dây điện trong phòng bị chập tóe lửa, làm nổ bóng đèn, mảnh rơi xuống sàn nhà. May không ai bị gì. Hôm sau, thợ điện leo lên mái sửa đường dây cho biết sét đánh sạt một mảng trần phía trên. Thật hú vía với dấu ấn của ngày thứ năm trong khu cách ly.

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã tới. Thị trấn Chư Ty đã lập tổ bầu cử trong khu cách ly để các công dân bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh. Khu vực bầu cử được bày trí trang nghiêm. Sáng sớm 23-5, lòng háo hức, tôi rủ mẹ con chị Linh mặc thật đẹp để đi bầu cử. Ăn sáng xong, chúng tôi cầm thẻ cử tri tung tăng xuống sân để được bầu cử sớm. Thấy vậy, Chỉ huy Trung tâm yêu cầu mọi người về phòng, chờ thông báo tới lượt mới xuống bỏ phiếu. Đến 9 giờ, phòng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình.
Buổi chiều ngày thứ 12, đang ngồi đan áo cho cháu nội, tôi nghe tiếng loa vang lên: “Yêu cầu tất cả công dân hạn chế ra khỏi phòng, hạn chế tiếp xúc vì trong khu cách ly có 1 trường hợp dương tính”. Mọi người nháo nhào. Tiếng xôn xao, bàn tán vang lên. Khi xe cứu thương chở bệnh nhân về Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) điều trị hú còi, rời đi, lập tức toàn bộ khuôn viên khu cách ly và các phòng được phun hóa chất khử khuẩn. Những người đứng gần bệnh nhân này trong ngày bầu cử được đưa đi lấy mẫu xét nghiệm và xếp ở riêng để theo dõi. 4 y-bác sĩ làm nhiệm vụ đo thân nhiệt hàng ngày có tiếp xúc với bệnh nhân cũng thực hiện cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ. Một số người mấy hôm trước còn đi dạo trong khuôn viên thì nay đóng kín cửa ở trong phòng, nhìn ra cửa sổ ái ngại. Tối hôm đó, tôi đọc thông tin trên Bluezone thì biết ca dương tính đó là bệnh nhân 6601 (công dân L.H.L. ở huyện Kông Chro).
Những ngày cuối tháng 5, mọi người lần lượt ra về. Trên lầu chỉ còn phòng tôi và vài người ở phòng số 9. Ngày 31-5, khu cách ly tiếp nhận 27 người từ TP. Hồ Chí Minh về, tầng trệt không đủ phòng nên họ được bố trí ở 3 phòng trên lầu. Những người ở phòng số 9 hôm sau được về nên sợ đóng chặt cửa, không dám ra ngoài, không dám tắm. Đi vệ sinh cứ chạy rầm rập. Tôi bật cười trước hành động lo sợ quá mức ấy và chợt thấy buồn về nhận thức chưa đúng của họ.
NGUYỄN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.