Nghĩa tình mùa dịch: Chiếc xe kéo đặc biệt ở điểm nóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiếc xe kéo tự chế tiến vào khu phong tỏa Lệ Sơn Nam, xã Hòa Tiến, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng không chỉ đầy ắp thực phẩm mà còn “chở” cả tình người, tình làng nghĩa xóm giữa lúc hoạn nạn.

Ông Thuận chở thực phẩm đến từng nhà dân ở khu phong tỏa HUY ĐẠT
Ông Thuận chở thực phẩm đến từng nhà dân ở khu phong tỏa HUY ĐẠT
Tình nghĩa xóm làng
Dưới nắng nóng như thiêu đốt của miền Trung, đẫm mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ dày cộm, ông Tưởng Văn Thuận (58 tuổi, cán bộ xã Hòa Tiến) sử dụng chiếc xe kéo cà tàng do chính ông tự chế vội trong những ngày thôn xóm bị phong tỏa để kéo những chuyến hàng đầy ắp thực phẩm, ì ạch tiến vào đường bê tông sâu hun hút, tiếp viện cho những người hàng xóm.
Ông Thuận chia sẻ sợ bà con quê mình thiếu thốn, ngoài việc trực ở chốt chặn, ông đã xung phong “đầu quân” vào công việc vận chuyển. Là hội viên hội cựu chiến binh xã, thôn đội trưởng, tổ trưởng tổ dân phố... nay ông Thuận lại kiêm nhiệm thành viên tổ vận chuyển, tổ chốt chặn phòng chống dịch Covid-19 của địa phương. “Kéo thực phẩm các nơi hỗ trợ cho khu phong tỏa để cấp phát lại từng nhà, nhiều người lo lắng cho sức khỏe của tôi. Nhưng chống dịch như chống giặc, tinh thần người lính thôi thúc tôi nhận nhiệm vụ. Hơn nữa, ở đó còn có hàng xóm của tôi, tôi không yên lòng khi ở nhà”, ông Thuận chia sẻ. Người dân khu phong tỏa bây giờ đã quá quen thuộc với tiếng máy xe của ông Thuận và tuân thủ giữ khoảng cách, nhận thực phẩm tiếp tế.
Chị Trần Thị Hà (48 tuổi, trú tổ 1, thôn Lệ Sơn Nam) xúc động: “Chúng tôi rất biết ơn, vui mừng khi được tiếp tế kịp thời. Những ngày qua mọi người tại đây ai ở nhà nấy, không ra khỏi nhà để cùng xã hội chống dịch”.
Cha con thay phiên đi chống dịch
Gia đình ông Thuận mưu sinh bằng nghề nuôi dê. Những ngày này khi tham gia công việc xã hội, ông Thuận đã “cắt” bớt thời gian nghỉ ngơi để vẹn việc nhà, việc nước. Lúc mặt trời chưa ló dạng, ông Thuận đã ra đồng cắt cỏ dự trữ sẵn để người vợ ở nhà cho đàn dê ăn cả ngày, sau đó dành hết thời gian “kề vai sát cánh” với bà con ở khu phong tỏa.
“May mắn vợ tôi động viên, chia sẻ công việc chăn nuôi dù có lo lắng về sức khỏe. Bà ấy hiểu tính cách tôi nhiều hơn, lúc này... không thể không xung phong”, ông Thuận cười. Không những ông Thuận, mà con trai cả của ông tham gia dân quân tự vệ, khi dịch Covid-19 ập đến, thôn xóm bị phong tỏa, cả hai cha con ông đều xung phong xuống đường chống dịch không kể ngày đêm. Dẫu ở chung một nhà, tuy nhiên ông Thuận và con trai hiếm khi chạm mặt nhau. Bởi lẽ, người con trai đi trực chốt chặn kiểm soát dịch trắng đêm, còn ông Thuận thì tham gia vận chuyển, chốt trực vào ban ngày. “Tôi với người con cả cùng chí hướng. Bữa nay chỉ có vợ tôi là chạm mặt được 2 người, còn cha con tôi khó gặp nhau”, ông Thuận dí dỏm.
Trực chiến tại “điểm nóng” thôn Lệ Sơn Nam, ông Trần Đình Nhơn, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tiến, chốc chốc lại động viên anh em tại đội hậu cần, nhắc nhở anh em bảo hộ đúng cách khi làm nhiệm vụ. Bởi lẽ, những người vào khu vực phong tỏa để sát cánh cùng người dân lúc này sẽ đối mặt với nhiều nguy hiểm. “Đối với đội hậu cần tại thôn Lệ Sơn Nam, họ luôn tận tâm, nhiệt tình, có mặt hỗ trợ người dân. Riêng ông Thuận là một tấm gương sáng, đáng động viên và khen ngợi bởi ông là nhân tố vì xã hội”, ông Nhơn nói.
Theo Huy Đạt (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn.