Bok Wừu không khuất phục trước kẻ thu - Kỳ 1: Bị địch bắt lần thứ nhất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Năm 2019, tỉnh ta tiến hành xây dựng Nhà lưu niệm Anh hùng Wừu tại xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa để tưởng nhớ công trạng của người anh hùng bất khuất, người đã để lại cho hậu thế một tấm gương yêu nước nồng nàn, khiến kẻ thù khiếp sợ. Nhân dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Anh hùng Wừu (1905-2020) và chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp, tỉnh sẽ tổ chức khánh thành công trình Nhà lưu niệm Anh hùng Wừu. Dịp này, Báo Gia Lai xin giới thiệu loạt bài của nhóm tác giả Bùi Quang Vinh-Quốc Ninh về người anh hùng này.
Vào một đêm tháng 12-1950, sau khi bok Wừu nhận nhiệm vụ Chủ tịch kiêm Xã đội trưởng Nam Đak Đoa được vài tháng, bọn địch đánh hơi được nên phục bắt người cầm đầu Việt Minh ở làng Đê Doa.
Biết địch rình mò, theo dõi mình nên bok Wừu về làng không theo quy luật nào, khi thì ban ngày, lúc thì ban đêm và thay đổi chỗ ngủ liên tục. Lúc này, bok ít ngủ trong nhà cùng vợ con mà chỉ đi về ăn uống qua loa rồi ra các chòi lúa bên bìa làng chọn một nơi kín đáo ngủ để tránh tai mắt bọn tề, điệp. Bấy giờ, vũ khí trang bị cho đội du kích xã cũng hết sức thô sơ, chủ yếu là dao, ná, mác. Khi ra khỏi nhà, bok Wừu thường vác theo một cái rựa to bản, cán ngắn luôn được mài sắc bén, không bao giờ cho ai mượn để chặt cây cối hay sử dụng vào việc khác. Khi ngủ, bok cũng luôn để cái rựa bên cạnh như vật bất ly thân. Đồng thời, bok cũng có một con dao sắc bọc trong cái vỏ bằng gỗ được trau chuốt cẩn thận, luôn giắt vào lưng khố để phòng thân. Thỉnh thoảng khi đi vào rừng hay đi xa, bok Wừu mới mang theo ná (nỏ) với chục mũi tên tre tự làm được đựng trong ống. Cái nỏ của bok cũng được xem như bảo bối. Khi về nhà, bok treo trang trọng ở góc bên phải, nơi có chiếc sừng nai cong vút, bên dưới sàn nhà có để bộ chiêng và chiếc ghè quý.
Từ thời còn thanh niên, bok đã học lũ làng để làm cái nỏ khiến bọn trai tráng phải trầm trồ, lũ con gái phải ghé mắt nhìn theo. Wừu bỏ công vào rừng tìm nhánh cây dổi già về phơi khô để làm má nỏ; nó vừa cứng cáp vừa có mùi thơm dễ chịu và theo kinh nghiệm của người xưa thì cầm nỏ bằng gỗ dổi đi săn, thú rừng khó phát hiện ra người thợ săn. Cái nỏ được giũa bằng xương sọ của con bò rừng vừa đẹp vừa bền. Cánh cung nỏ được làm bằng loại gỗ dẻo, dùng lâu ngày không bị gãy. Dây nỏ làm bằng vỏ cây gai tước ra bện thành sợi to bằng chiếc đũa, có sức đàn hồi tốt. Nỏ của bok, một thanh niên mạnh mẽ mới có thể giương nổi dây cung. Khi bok bị địch bắt lần sau cùng, thằng đội Wit thấy chiếc nỏ đẹp đã tịch thu làm “chiến lợi phẩm”. Dân làng tuy chưa nghe thấy bok dùng chiếc nỏ này để bắn bọn địch bao giờ, nhưng tài thiện xạ khi đi săn chim thú trong rừng thì ai cũng nể.
Nhà lưu niệm Anh hùng Wừu tại xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) chuẩn bị hoàn thiện. Ảnh: B.Q.V
Nhà lưu niệm Anh hùng Wừu tại xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) chuẩn bị hoàn thiện. Ảnh: B.Q.V
Đêm ấy, bok đi về hơi muộn, làng Đê Doa yên ắng lạ thường, đôi nhà trong làng bếp lửa còn đỏ, có lẽ người già vẫn còn sưởi ấm vì trời mùa này khá lạnh. Bok bước lên cầu thang, đẩy cái liếp cửa bước vào trong nhà. Mấy đứa nhỏ đang nằm, nghe tiếng bước chân là biết cha đã về. Bok lại bếp lửa định ăn miếng cơm các con để phần trong nồi, rồi ra nhà kho ngủ. Nhưng chưa kịp làm gì thì 3, 4 thằng lính đồn bất thần đạp cửa ập đến chĩa súng vào người. Thằng chỉ huy hô to: “Wừu, mày đã bị bắt!” rồi ra lệnh cho bọn lính trói bok lại dẫn đi trước sự ngơ ngác của mọi người trong gia đình vì không biết có chuyện gì xảy ra. Bọn chúng dẫn bok về đồn Đak Đoa thay nhau đánh đập, tra khảo để tìm dấu vết Việt Minh trong các buôn làng. Nhưng rốt cuộc, chúng cũng đành bất lực trước ý chí sắt đá của người con Bahnar trung kiên.
Hôm sau, bọn lính đồn giải bok Wừu về Kon Tum để giao cho bọn chỉ huy lính Pháp tiếp tục tra khảo. Biết chuyến đi lần này lành ít dữ nhiều, bok dự định trong đầu phải tìm cách trốn thoát ngay trên chặng đường đi khi có cơ hội. Chiếc ô tô nhà binh chở bok Wừu và 3 tên lính áp giải đang thẳng tiến trên đường 19 bis. Con đường sau mùa mưa nên khá gập ghềnh, nhiều ổ gà, hai bên rừng xanh ngắt một màu, cành lá vươn ra chắn cả đường đi, xe không thể nào chạy nhanh được. Ô tô chạy gần đến ngã ba Plei Towơn gặp phải con dốc nên tài xế trả về số mạnh và từ từ bò lên. Trong tiếng động cơ nổ ì ạch, nhìn hai bên đường có nhiều le nứa và bụi rậm, bên trong là rừng già, ngó lại phía sau thấy mấy tên lính một tay bám vào thành xe, một tay chống súng xuống sàn để giữ thăng bằng, bok Wừu liền nhảy phốc xuống đất, trong tích tắc lẫn vào bụi rậm. Dù 2 tay bị trói nhưng đôi chân còn khỏe nên bok chạy thoát vào rừng nhanh như một con sóc. Bọn lính trên xe la í ới, tay không nhích súng lên được, tài xế đang đạp chân ga cho xe lên hết dốc nên không thể dừng đột ngột vì sợ tuột xuống hố. Khi ô tô dừng lại thì bok Wừu đã chạy đi rất xa trong rừng rậm; bọn lính nhảy xuống đuổi theo bắn mấy phát súng đì đoàng để thị uy rồi thất vọng quay về đồn.
Bok Wừu thoát khoải bàn tay tàn bạo của địch, trở về với buôn làng và tiếp tục hoạt động kháng chiến khiến ai nấy đều vui mừng. Từ đây, bok sống bán hợp pháp, thi thoảng mới ghé về thăm nhà, còn lại dựa hẳn vào các đội công tác, nhất là đội vũ trang xây dựng; thường xuyên di chuyển chỗ ở để tránh tai mắt của kẻ địch. Từ khi để sổng bok Wừu, tên đội Wit tức tối cho lính đến các làng khủng bố, đánh đập, khảo tra dân làng và người thân của bok. Chúng còn ban lệnh cấm đồng bào lên rẫy, ra rừng; ban đêm dân không được đi lại, tụ tập, ai ở nhà nấy…
Vượt qua sự bố ráp của địch, bok Wừu dựa vào đội công tác để bám dân, bám địa bàn hướng dẫn đồng bào mình không ngừng đấu tranh chống lại kẻ thù, giữ vững tinh thần của nhân dân, động viên họ giúp đỡ cách mạng, liên lạc, tiếp tế cho các đội công tác. Bok luôn quan tâm xây dựng, phát triển đội du kích của xã vững mạnh; thương yêu và đùm bọc anh em, nhắc nhở họ cần cảnh giác với mọi âm mưu của kẻ thù, giúp đỡ và gắn bó với dân làng, tựa vào dân để chiến đấu. Bok thường làm gương cho anh em cán bộ địa phương, mỗi khi đi công tác đến với buôn làng khi gặp lễ hội, cúng lúa mới, pơ thi… được đồng bào mời uống rượu, bok chỉ nhấp xã giao, không bao giờ uống quá chén.
Nhìn bok Wừu bấy giờ, không ai nghĩ đó là Chủ tịch Ủy ban Hành chính kiêm Xã đội trưởng du kích xã Nam Đak Đoa. Bok luôn luôn giữ phong cách của một người Bahnar truyền thống. Tuy chưa qua tuổi trung niên, bok cũng để râu nhưng không dài, nhiều sợi đã lún phún bạc, tóc cũng điểm sương, đôi mắt sáng và hiền từ, dân các làng ai cũng mến. Bok chỉ đóng khố, không mặc áo, trừ những lúc trời lạnh. Trên người, ngoài con dao, cái rựa, cái ná, sau lưng bok đeo krôh (loại gùi nhỏ có nắp đậy) tự đan khá đẹp, trong đựng 1 cái chăn, cái khố và cái áo, tất cả do vợ dệt cùng một số vật dụng phục vụ cho việc ăn uống: 1 cái nồi đồng nhỏ nấu đủ 2 người ăn, 1 ống tre đựng muối hột, ớt và chén, thìa ăn cơm. Bản thân bok không nề hà gian khổ, luôn quan tâm, lo lắng đến anh em, đồng đội và người trong gia đình bị kẻ địch khống chế, thiếu ăn thiếu mặc. Thường những cán bộ mới về hoạt động cơ sở, nhất là những anh em người Kinh ở đồng bằng mới lên thiếu kinh nghiệm đi rừng, bok Wừu căn dặn kỹ càng, khi đi công tác từ làng này sang làng khác phải vác theo một cây le chắc hay cây gỗ cứng vót nhọn một đầu, cao quá đầu người để phòng thú dữ, nhất là cọp. Loại thú này thường chụp mồi ở tư thế vồ từ trên xuống nên hễ thấy vác cây nhọn quá đầu chúng sẽ sợ. Đã có trường hợp đáng tiếc xảy ra với cán bộ ta ở vùng này khi đi công tác bị cọp vồ chết.
BÙI QUANG VINH-QUỐC NINH

Có thể bạn quan tâm

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn.