"Đạo đức sinh thái"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quan hệ con người-thiên nhiên là quan hệ mật thiết, tương hỗ bền chặt. Mỗi một hành vi của con người trong quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất đều tác động trực tiếp đến môi trường. Nếu là hành vi có ý thức thì đó là sự xoa dịu, ngược lại sẽ gây tổn thương. Bối cảnh hiện nay, “đạo đức sinh thái” trở thành khái niệm được quan tâm hơn bao giờ hết.
Đó chính là lý do mà Liên hợp quốc phát động chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” trên toàn cầu từ năm 1993, tập trung vào tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm và thu hút hơn 180 nước trên thế giới tham gia. Hưởng ứng chiến dịch từ rất sớm (năm 1994), Việt Nam cũng đã phát động, tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện tốt chính sách BVMT trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội.
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức lễ phát động quốc gia hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2022, diễn ra từ ngày 19 đến 25-9. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai có công văn gửi các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố nhằm hướng dẫn tổ chức những hoạt động hưởng ứng như: ra quân làm vệ sinh môi trường; trồng cây; cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận. Cùng với đó, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các quy định của Luật BVMT năm 2020; lồng ghép nội dung về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, cơ quan; kiểm soát ô nhiễm. 
Một nội dung quan trọng không kém là nâng cao nhận thức về thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu theo hướng sản xuất các sản phẩm tiết kiệm nguyên liệu, giảm sử dụng các loại nguyên liệu độc hại, khó tái chế; khuyến khích các siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người dân giảm thiểu, hạn chế tối đa sử dụng túi ni lông khó phân hủy cũng như các sản phẩm nhựa dùng một lần; vận động thay thế, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường…
Đoàn viên, thanh niên Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh dọn vệ sinh tại khu vực đồi thông xã Ia Dêr, huyện Ia Grai. Ảnh: Đức Thụy
Đoàn viên, thanh niên Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh dọn vệ sinh tại khu vực đồi thông xã Ia Dêr, huyện Ia Grai. Ảnh: Đức Thụy
“Mưa dầm thấm lâu”, từ truyền thông sâu rộng, ý thức BVMT của cộng đồng sẽ ngày càng được nâng cao. Các sở, ngành, hội, tổ chức, đoàn thể, nhóm thiện nguyện trên địa bàn tỉnh đã phát động và thu hút người dân hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào thiết thực như: Đổi sách lấy cây, Người Việt Nam không xả rác, Mỗi phụ nữ trồng một cây xanh, Ngày chủ nhật xanh, Triệu cây xanh-Vì một Việt Nam xanh, Thử thách để thay đổi… Bằng cách này, mỗi người đều có thể BVMT từ những việc làm đơn giản nhất, qua đó xây dựng lối sống hài hòa với môi trường và thiên nhiên.
Đáng mừng là ngay chính trong cộng đồng bản địa đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, từ tháng 8-2022, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia O (huyện Ia Grai) tặng 30 chiếc gùi đi chợ để chị em phụ nữ dần thay đổi thói quen hàng ngày, hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần để góp phần BVMT. Một công đôi việc, chiếc gùi ra chợ còn góp phần lưu giữ hình ảnh, bản sắc văn hóa dân tộc. Hay tại xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ), nhiều chị em dân tộc thiểu số đã rất sáng tạo khi ra mắt những chiếc giỏ xách, gùi làm từ vật liệu tái chế, trang trí bằng chốt bật nắp lon bia. Không những mang lại một “đời sống” khác cho rác thải, họ còn có thêm thu nhập đáng kể. 
Chủ đề của chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2022 là “Cùng hành động để thay đổi thế giới”. Muốn thay đổi thế giới thì việc cần làm trước tiên là thay đổi thói quen sinh hoạt từ mỗi người, mỗi gia đình. Bỏ rác đúng nơi quy định; hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần; phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; sử dụng điện, nước tiết kiệm; chăm sóc cây xanh… là những điều phụ huynh có thể hướng dẫn con em mình.
Các nhà trường cũng nên chú trọng xây dựng “đạo đức sinh thái” cho học sinh để trang bị cho các em những kiến thức cơ bản, hành vi ứng xử văn minh với môi trường. Thêm vào đó, như hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành, địa phương cần phát hiện, biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân, doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, có nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu quả trong công tác BVMT. Cần ý thức rằng, BVMT là việc cấp thiết hôm nay, sau đó mới nói đến tương lai.
LAM NGUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Hết thời 'đếm bài thưởng tiền'?

Hết thời 'đếm bài thưởng tiền'?

Mới đây, một lãnh đạo Bộ KH-CN cho biết định hướng đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong thời gian tới của bộ này sẽ tập trung phát triển các nhóm nghiên cứu xuất sắc, không ưu tiên đầu tư nghiên cứu chỉ để có bài báo quốc tế.
Câu chuyện cấp thiết

Câu chuyện cấp thiết

Bình Thuận đang tích cực chuẩn bị cho việc đoàn thanh tra của EC đến thanh tra lần thứ 5 về các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); nhằm nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản.
Phát huy hiệu quả các gói ưu đãi, hỗ trợ

Phát huy hiệu quả các gói ưu đãi, hỗ trợ

(GLO)- Những công điện, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ gần đây về triển khai nhiệm vụ điều hành, thúc đẩy chính sách tiền tệ năm 2024 đều nhấn mạnh tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
'Cuộc kiện vĩ đại' vẫn tiếp tục

'Cuộc kiện vĩ đại' vẫn tiếp tục

Hơn 3 năm trước, ngày 26.1.2021, tôi đã viết bài Một cuộc kiện vĩ đại để hưởng ứng cuộc kiện của bà Trần Tố Nga, một nạn nhân của chất độc da cam, khởi kiện các công ty hóa chất lớn đã cung cấp "thuốc diệt cỏ" và thả xuống miền Nam VN cùng hai nước Lào và Campuchia ngày trước.