Để cây sắn bớt... tâm tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vừa qua Hiệp hội Sắn Việt Nam đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Công văn 632/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế.

Nội dung vắn tắt: Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế địa phương xác minh các khách hàng nước ngoài để dừng hoàn và truy thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) của doanh nghiệp xuất khẩu sắn.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp xuất khẩu sắn, pháp luật hiện hành về hoàn thuế GTGT không có quy định hồ sơ hoàn thuế phải có xác nhận của khách hàng nước ngoài mới đủ điều kiện được hoàn và doanh nghiệp xuất khẩu cũng không có nghĩa vụ cũng như năng lực xác minh đối tác nước ngoài khi ký hợp đồng. Ngoài chuyện kể trên, cây sắn hiện còn đối mặt với nhiều khó khăn khác như vấn đề quy hoạch vùng, giống cây trồng để có năng suất cao, quy trình trồng và phòng, chống bệnh...


 

Nông dân huyện Ea Súp thu hoạch sắn. Ảnh: Thanh Nga
Nông dân huyện Ea Súp thu hoạch sắn. Ảnh: Thanh Nga


Ai cũng biết, cây sắn là cây lương thực quan trọng, với đồng bào vùng cao còn được gọi là cây “xoá đói giảm nghèo”. Với bà con nông dân, sắn là cây dễ trồng, dễ chăm, dù giá rẻ nhưng bù lại năng suất cao và tận dụng được hầu hết các loại đất nông nghiệp. Kể ra để thấy, mọi quyết định liên quan đến cây sắn, doanh nghiệp xuất khẩu sắn đều có tác động trực tiếp đến người trồng sắn. Theo GS.TS. Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), hiện diện tích trồng sắn của cả nước vào khoảng 500 - 600 nghìn héc ta (Tây Nguyên chiếm hơn một nửa) tương đương với diện tích cây cà phê, giá trị xuất khẩu hằng năm từ 1 - 1,2 tỷ USD. Cũng theo GS.TS. Lê Huy Hàm, hiện Thái Lan có diện tích sắn khoảng 1 triệu héc ta, gấp đôi diện tích sắn ở Việt Nam và cây sắn ở Thái Lan vẫn tiếp tục phát triển, được xem là cây trồng quan trọng ở “xứ sở chùa vàng”. Dù trong phát triển nông nghiệp, đường đi luôn từ cây có giá trị thấp đến cây có giá trị cao, tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam thì cây sắn vẫn còn là cây trồng chủ lực, chưa thể từ bỏ.

Được biết, vào ngày 8/4/2022, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị “Thực trạng và định hướng phát triển sắn bền vững tại Việt Nam”. Tham dự hội nghị, ngoài sự tham gia của đại diện các bộ, ngành như Bộ Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường..., còn có các tổ chức quốc tế như: Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT), Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp Úc (ACIAR)… Đáng chú ý, Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) là tổ chức đồng hành với cây sắn Việt Nam nhiều năm qua, là cơ quan nghiên cứu tạo ra nhiều giống sắn chất lượng và phù hợp cho châu Phi, châu Mỹ La tinh cũng như Việt Nam. Hy vọng, từ hội nghị này, thực trạng và những khó khăn trong việc phát triển cây sắn (diện tích, giống sắn kháng bệnh, liên kết vùng...), chế biến, xuất khẩu sắn và các mặt hàng liên quan đến sắn sẽ từng bước được tháo gỡ. Để người trồng sắn và cả cây sắn bớt... tâm tư.



https://baodaklak.vn/kinh-te/202204/de-cay-san-bot-tam-tu-9a902e1/

Theo Phạm Xuân Hùng (baodaklak)

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ đúng, hành động đúng

Chia sẻ đúng, hành động đúng

Vào thời điểm này, người dân cả nước đều hướng trái tim về miền Bắc. Mọi người đều mong muốn được chung tay sẻ chia cùng đồng bào đang hoạn nạn, nhưng chúng ta cũng nên hiểu và thực hiện đúng những quy định, nguyên tắc để có thể đảm bảo an toàn.
Trước thảm họa

Trước thảm họa

Làng Nủ-ở nơi rừng sâu, núi thẳm; sau cơn bão trở thành cái tên mang nhiều xót xa với đồng bào cả nước. Thảm họa từ thiên tai luôn là thách thức với nhân loại, nhiều khi nó vượt khỏi tầm dự phòng, quản trị.
Sau bão

Sau bão

Vậy là chiều tối qua, bão số 3 (YAGI) có cường độ mạnh nhất 30 năm trở lại đây đã đổ bộ vào Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh Bắc bộ nước ta.
Ý thức rõ trước thiên tai

Ý thức rõ trước thiên tai

Có thể nói, đến chiều qua, mọi công tác ứng phó với cơn bão số 3 gần như đã hoàn tất. Sự chủ động được phát đi từ trung ương, địa phương và cụ thể từng người dân trong vùng bị ảnh hưởng.