Dập dịch để an dân và phục hồi kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu như vậy tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 được tổ chức vào sáng 6-9.

Chưa bao giờ chúng ta phải chấp nhận thực hiện việc giãn cách xã hội trên diện rộng như hiện nay, khi dịch Covid-19 đã tấn công hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam, miền Trung-Tây Nguyên, Hà Nội. Chỉ thị số 16, rồi 16 +, những biện pháp phòng-chống dịch cao nhất đã được áp dụng. Cả nước vì miền Nam, hàng chục ngàn nhân lực là y-bác sĩ, Quân đội, Công an từ miền Trung, miền Bắc đã lên đường vào giúp các tỉnh phía Nam chống dịch. Nguồn lực trong nước, quốc tế đã được huy động tối đa, hoạt động ngoại giao vắc xin được đẩy mạnh với hàng chục triệu liều vắc xin được cam kết bàn giao từ nay đến cuối năm. Hiện cả nước có hơn 22 triệu liều vắc xin đã được tiêm, cho phép chúng ta hy vọng có thể tăng nhanh tỷ lệ tiêm chủng nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Quang cảnh phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 năm 2021 . (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Quang cảnh phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 năm 2021. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)


Nhìn lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng-chống dịch thời gian gần đây, có thể thấy đã tập trung, thống nhất và chuyên sâu hơn khi Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng-chống dịch Covid-19. Việc tổ chức thực hiện cũng được phân cấp rõ ràng, lấy xã, phường làm hạt nhân với phương châm xem người dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc chống dịch. Xác định đúng trọng tâm, trọng điểm; phân bổ nguồn lực đúng mức, đúng nơi; lấy an dân làm mục tiêu phấn đấu, những sai sót, chệch choạc trong chống dịch nhanh chóng được khắc phục, tốc độ lây lan dịch bệnh đã chững lại. 8/23 tỉnh thành phía Nam được Bộ Y tế đánh giá là đã quản lý tốt dịch bệnh. Việc Quận 7 và huyện Củ Chi xây dựng được vùng xanh ngay giữa tâm dịch TP. Hồ Chí Minh cho thấy những tín hiệu lạc quan để thành phố này từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Việc bước đầu kiểm soát và kiềm chế tốc độ lây lan của dịch bệnh tại một số địa phương và đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội 8 tháng qua là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục ưu tiên nguồn lực, tập trung nâng cao hiệu quả công tác phòng-chống dịch trên phạm vi cả nước, nhân rộng mô hình chống dịch tốt, mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ, đồng thời “nhanh chóng kiểm soát tình hình để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng kế hoạch kịch bản để phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới”.

Qua mấy tháng giãn cách xã hội, chúng ta đã tìm tòi nhiều phương cách thích ứng. Doanh nghiệp thì “sản xuất 3 tại chỗ”, người dân thì đi chợ theo ngày. Nơi nguy cơ cao thì đóng cửa, nhờ người đi chợ hộ… nên dù cố gắng đến mấy, sự tác động tiêu cực của dịch bệnh đến sản xuất và đời sống của người dân là không tránh khỏi. Chuyện không làm đứt gãy chuỗi lưu thông hàng hóa, không làm đứt gãy nền kinh tế chỉ là sự kỳ vọng mang tính chủ quan.

Không thể dập tắt hoàn toàn dịch bệnh mà chỉ có thể sống chung với dịch bệnh, tìm cách thích ứng để phát triển. Đó là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại một cuộc họp về công tác chống dịch cuối tháng 8 vừa rồi. Giờ thì phải chuẩn bị kịch bản phục hồi nền kinh tế trong tình hình mới. “Vì không thể giãn cách xã hội mãi”-Thủ tướng đã nói như vậy. Từ TP. Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng nói một câu tương tự khi đề nghị nhân rộng mô hình vùng xanh ở Quận 7 và huyện Củ Chi. Thành phố này cũng đã thành lập một đơn vị chuẩn bị lên kế hoạch phục hồi kinh tế sau khi dịch Covid-19 đi qua.

Chúng ta từng sống chung với lũ là phải biết cách để không bị lũ nhấn chìm. Giờ sống chung với dịch bệnh, chúng ta càng phải biết cách để không bị dịch quật ngã. Muốn vậy, phải tiếp tục chống dịch trên phạm vi cả nước với tinh thần quyết tâm cao nhất. Kinh nghiệm từ các nước đã và đang sống chung với Covid-19 như Anh, Mỹ, Singapore là nhanh chóng nâng cao tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng, giảm số ca nhiễm và số người tử vong.

Bởi dẫu có mở cửa mà mỗi ngày có hàng ngàn ca bệnh, hàng trăm người chết thì cũng chẳng ai dám ra đường. Khi mục tiêu an dân chưa đạt được thì còn mong gì đến tổ chức sản xuất. Như vậy, chuyện phục hồi và phát triển kinh tế, âu cũng chỉ là sự kỳ vọng mà thôi!

 

 ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Hết thời 'đếm bài thưởng tiền'?

Hết thời 'đếm bài thưởng tiền'?

Mới đây, một lãnh đạo Bộ KH-CN cho biết định hướng đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong thời gian tới của bộ này sẽ tập trung phát triển các nhóm nghiên cứu xuất sắc, không ưu tiên đầu tư nghiên cứu chỉ để có bài báo quốc tế.
Câu chuyện cấp thiết

Câu chuyện cấp thiết

Bình Thuận đang tích cực chuẩn bị cho việc đoàn thanh tra của EC đến thanh tra lần thứ 5 về các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); nhằm nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản.
'Cuộc kiện vĩ đại' vẫn tiếp tục

'Cuộc kiện vĩ đại' vẫn tiếp tục

Hơn 3 năm trước, ngày 26.1.2021, tôi đã viết bài Một cuộc kiện vĩ đại để hưởng ứng cuộc kiện của bà Trần Tố Nga, một nạn nhân của chất độc da cam, khởi kiện các công ty hóa chất lớn đã cung cấp "thuốc diệt cỏ" và thả xuống miền Nam VN cùng hai nước Lào và Campuchia ngày trước.