Mạng xã hội cũng là một mặt trận chống dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thói quen dùng mạng xã hội của kha khá người đã ít nhiều thay đổi trong những ngày đóng cửa mà mở lòng, sống chậm vì cái chung to lớn, vì an toàn và lợi ích của cộng đồng.

Trong những ngày căng thẳng hiện nay, khi các ca bệnh trong cộng đồng tăng cao, nhiều địa phương phải áp dụng giãn cách xã hội thì mạng xã hội đã phát huy vai trò cầu nối để con người càng gắn kết với nhau và góp phần giúp cho nhiều thông tin hữu ích trong phòng chống dịch được lan truyền rộng rãi.

Trào lưu đáng trân trọng

Lướt qua Zalo, dễ dàng thấy rất nhiều avatar (ảnh đại diện) đặt trong khung nền xanh kèm lời kêu gọi từ Bộ Y tế: "Đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch Covid-19". Dạo một vòng Facebook, những chiếc ảnh đại diện chứa đầy tinh thần phòng chống dịch xuất hiện ngày càng nhiều: khung avatar đính kèm lời nhắc nhở 5K, thông điệp tri ân tuyến đầu chống dịch, lời kêu gọi cùng nhau cố gắng... Đây là cách mỗi cá nhân thể hiện cam kết và trách nhiệm; cũng là một trong những hình thức gần gũi để tuyên truyền và vận động cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Chưa bao giờ trào lưu "khoe khoang" trên mạng xã hội lại mang đến niềm vui, ý nghĩa tích cực và cảm giác dễ chịu như lúc này. Bởi thứ mà người ta khoe nhau là những biên lai chuyển tiền ủng hộ cho Quỹ mua vắc-xin, những đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện vì người yếu thế, chung tay vì tuyến đầu chống dịch…

Anh Quý Phan (quận 7, TP HCM) là người ít sử dụng mạng xã hội nhưng hiện nay rất chịu khó cập nhật. Mới đây, bài đăng giản dị của anh gồm hình ảnh tin nhắn giao dịch chuyển tiền thành công và dòng thông tin số tài khoản của Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 được nhiều bạn bè tương tác nhiệt tình, không ít người bình luận hào hứng "khoe" mình cũng vừa đóng góp xong. Tương tự, anh Nguyễn Vũ Hoàng (quận Gò Vấp, TP HCM) chia sẻ trên Facebook nội dung tương tự kèm biểu tượng gương mặt cười hạnh phúc và nhận nhiều khen ngợi, khích lệ…

Còn nhiều tài khoản mạng xã hội liên tục đăng tải nội dung "khoe khoang" như vậy. Không quan trọng giá trị vật chất là bao nhiêu mà điều đáng trân trọng là cách mọi người bày tỏ sự đồng lòng, tin tưởng vào Chính phủ, vào các tổ chức đoàn thể để gửi gắm tấm lòng mình vào việc lớn "chống dịch như chống giặc". Đặc biệt, việc mọi người tự giác chia sẻ thông tin về các đơn vị tiếp nhận uy tín cũng góp phần hạn chế những đối tượng xấu, lợi dụng thời cơ quyên góp sai mục đích hoặc trục lợi.

 

Giao diện trang Nhật Ký Chống Dịch. (Ảnh từ Facebook)
Giao diện trang Nhật Ký Chống Dịch. (Ảnh từ Facebook)


Những món ăn tinh thần ấm áp, ngọt lành

Mở newfeeds mạng xã hội Facebook những ngày này, tràn ngập bao điều dễ thương nho nhỏ. Những câu chuyện giật gân nhảm nhí câu view, câu like dường như thưa vắng, nhường chỗ cho bao bài đăng tiếp thêm năng lượng tốt lành - lựa chọn tìm xem đầu ngày của nhiều người.

Trang Thăng Fly Comics của họa sĩ Bùi Đình Thăng thường xuyên đăng những bức tranh đáng yêu, lấy cảm hứng từ người thật việc thật, phản ánh tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết của đội ngũ y - bác sĩ, nhân viên y tế tình nguyện viên đang căng mình trong tâm dịch và tấm lòng thơm thảo nơi hậu phương vững chắc cùng san sẻ và cổ vũ hết lòng cho tuyến đầu. Trang Nhật Ký Chống Dịch mới được tạo ngày 31-5, số lượng bài đăng chưa nhiều nhưng qua nét vẽ ngộ nghĩnh dí dỏm, Fanpage này ghi lại những nhân vật, tình huống đáng chú ý trong mùa dịch vừa mang đến tiếng cười thư giãn nhẹ nhàng vừa chuyển tải thông điệp phòng chống dịch hiệu quả.

Tĩnh lặng dành ít phút quan sát, không khó để nhận ra cộng đồng mạng đang tăng cường trao đổi nội dung hữu ích, giúp nhau nâng cao hiểu biết và ý thức chống dịch. Những điểm sáng tươi vui được chia sẻ nhanh chóng, mạnh mẽ như góp phần xua tan u ám ngày dịch bệnh. Nào là chuyện cô sinh viên y khoa đi lấy mẫu xét nghiệm đã "tranh thủ" viết lên áo bảo hộ là mình chưa có người yêu; chuyện công an huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang giúp bà con thu hoạch vải; chuyện người dân vùng phong tỏa nấu những bữa cơm ấm nóng tặng lực lượng trực chốt kiểm soát; chuyện anh tài xế xe công nghệ kiên quyết không nhận tiền công chở một bác sĩ vào điểm nóng… Những ghi chép đong đầy sắc thái của sự thông cảm, yêu thương và đoàn kết xuất hiện rộng khắp.

Ngay lúc này, mạng xã hội cũng là một trong những mặt trận hiệu quả và thiết thực mà chúng ta không thể bỏ qua trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19 đầy cam go này.

 


Làm thơ động viên vượt qua Covid-19

Trên trang Facebook cá nhân của anh Huỳnh Hồ Đại Nghĩa (quận Bình Thạnh, TP HCM), bài thơ viết trong những ngày giãn cách xã hội nhận được đồng cảm của nhiều người:

"Những ngày còn lang thang chân chưa mỏi/ Thì tin mười lăm, mười sáu (PV: Chỉ thị 15, Chỉ thị 16) đã đến rồi/ Xin hãy bình tĩnh, thu dọn về nhà ngồi/ Đảm bảo an toàn theo nội dung chỉ thị/ Giãn cách bước chân, nhưng tay ta không nghỉ/ Làm việc tại nhà là việc nên được ưu tiên/ Nếu là khó, xin tăng mức độ siêng/ Nếu là gian nan, xin các bên cùng hiểu/ Học online vẫn đều đều phát biểu/ Họp online vẫn chiến lược rõ ràng/ Không vì Covid mà chúng ta chịu đầu hàng/ Người Việt Nam luôn biết cách qua giông bão/ Không về quê nữa chẳng phải không hiếu thảo/ Không gặp nhau nữa cũng chẳng phải là sẽ hết yêu/ Thành phố sẽ bình an rất nhiều/ Nếu chúng ta 5K và lý trí!".


Theo Hồ Xuân Huy (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thành quả lịch sử

Thành quả lịch sử

Trước năm 1975 đúng 200 năm, vào năm 1775, sử gia Ngô Thì Sĩ (1726-1780) hoàn thành tác phẩm Việt Sử Tiêu Án, viết về lịch sử nước nhà từ thời thượng cổ Hồng Bàng đến giai đoạn Lê Lợi chiến thắng quân Minh.
Giữ hòa bình trường tồn

Giữ hòa bình trường tồn

Ngày chị Đặng Thùy Trâm còn dốc lòng cứu chữa thương binh, bệnh binh, người dân Phổ Cường (Đức Phổ, Quảng Ngãi) bị đau ốm, chị đã âm thầm viết hai quyển nhật ký. 35 năm sau khi chị Trâm hy sinh, hai quyển sổ ghi nhật ký của chị từ đất Mỹ đã trở về với đất Việt và người Việt.
Nhân lên niềm vui chiến thắng

Nhân lên niềm vui chiến thắng

(GLO)- Sau 49 năm giải phóng, Gia Lai đã vươn lên trở thành trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực của Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Tinh thần Chiến thắng 30-4 đã được kế thừa, phát huy và nhân lên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Nâng chất lao động ngành du lịch

Nâng chất lao động ngành du lịch

Người lao động làm trong ngành du lịch đến từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore có mặt ở các khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam đang khá nhiều. Điều này cho thấy, lao động ngành du lịch đang bị cạnh tranh việc làm ngay trên sân nhà.
Sao mãi để trẻ bị bạo hành?

Sao mãi để trẻ bị bạo hành?

Lại một vụ trẻ mầm non bị bạo hành, lại từ một lớp mầm non tư thục nhỏ lẻ; lại các cơ quan, ban ngành vào cuộc yêu cầu đình chỉ, xử lý nghiêm… Thế nhưng cái gốc để không tái diễn tình trạng này thì nói bao nhiêu năm vẫn vậy.
Làm sạch, đẹp không gian du lịch

Làm sạch, đẹp không gian du lịch

Tình trạng ô nhiễm rác thải do thiếu ý thức sẽ tái diễn, không gian du lịch bị vấy bẩn bởi rác trên đường và "rác trong ý thức", làm ảnh hưởng ngành du lịch Việt Nam, đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam
Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.