Ngành Y tế Gia Lai vượt khó khăn, nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 2-3-1950, Ty Dân y Gia Lai được thành lập. Từ đây, hệ thống y tế của tỉnh được hình thành. Vượt qua bao khó khăn, thách thức, ngành Y tế tỉnh nỗ lực nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh nhà.

1logo.jpg

Trưởng thành từ gian khó

Sau khi thành lập, ngành Y tế đã củng cố, kiện toàn tổ chức và đi vào hoạt động với 1 bệnh viện cấp tỉnh, 2 bệnh xá ở 4 huyện và 1 phòng phát thuốc tại khu căn cứ tỉnh.

Ông Lý Minh Thái-Giám đốc Sở Y tế-cho biết: Trong thời kỳ chiến tranh gian khổ, ngành Y tế Gia Lai đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của quân và dân ta. Ngày 23-3-1975, các cơ quan của tỉnh đã tiếp quản các cơ sở y tế do địch để lại.

Tuy được tiếp quản kịp thời, nhưng các cơ sở y tế như quân y viện, bệnh viện phong, kho thuốc và một số bệnh xá hầu hết không còn thuốc, thiết bị, dụng cụ y tế không đáng kể. Kho thuốc chỉ còn ít bông băng và một số thuốc kháng sinh, phần lớn đã hết hạn sử dụng. Quân y viện thiết bị rất ít, không đồng bộ, nhiều y cụ hư hỏng, không sử dụng được; hệ thống điện, nước bị hư hỏng hoàn toàn; bệnh viện xây dựng đã lâu, hư hỏng, đổ nát; bệnh nhân nằm tập thể 40-50 người/phòng (trước giải phóng gọi là trại bệnh).

thay-thuoc-uu-tu-nguyen-huu-nam-va-vo-anh-ngoc-minh.jpg
Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hữu Nam và vợ. Ảnh: Ngọc Minh

Với những người gắn bó với ngành Y tế tỉnh ngay từ những ngày đầu thành lập, đây là quãng thời gian không thể nào quên. Trong ngôi nhà nhỏ tại tổ 1 (phường An Bình, thị xã An Khê), Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hữu Nam-nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng gian khổ nhưng rất đỗi tự hào ở chiến trường khu 4 (nay là huyện Ia Grai).

Là học sinh miền Nam ra Bắc học tập, năm 1966, ông Nam trở về công tác tại chiến trường khu 4. Thời kỳ chống Mỹ, khu 4 và khu 9 (TP. Pleiku hiện nay) là một trong những chiến trường ác liệt nhất.

“Quân và Nhân dân thương vong rất nhiều, trong khi đó, bệnh xá nơi tôi công tác thiếu thốn từ đội ngũ y-bác sĩ đến trang-thiết bị, thuốc men. Khi ấy, cả huyện chỉ có tôi-Trưởng bệnh xá khu 4 và Trưởng ban Dân y huyện là y sĩ và duy chỉ 1 bộ dụng cụ trung phẫu mà phẫu thuật cho thương binh, người dân trên địa bàn. Đôi lúc, bệnh xá tiếp nhận, điều trị thương binh của khu 9”-ông Nam nhắc nhớ.

Vượt lên những khó khăn, thiếu thốn, ông Nguyễn Hữu Nam cùng các đồng nghiệp luôn tận tụy, hết lòng chăm sóc thương binh, người dân; đồng thời không ngừng rèn luyện, trau dồi chuyên môn. Sự nỗ lực của những chiến sĩ áo trắng đã góp phần đảm bảo công tác cứu nạn, cứu đau và ổn định đời sống của người dân.

can-bo-y-te-gia-lai-thuc-hien-cong-tac-kham-sang-loc-truoc-khi-tiem-phong-vac-xin-phong-chong-dich-soi-nam-2024-anh-nhu-nguyen.jpg
Nhân viên y tế khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ. Ảnh: N.N

Giám đốc Sở Y tế Lý Minh Thái: Thời gian tới, ngành Y tế tỉnh phấn đấu xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại, đảm bảo mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe liên tục và toàn diện, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; tập trung nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân.

Giai đoạn 1976-1980, hệ thống điều trị của tỉnh được đầu tư xây dựng từ bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và trạm y tế xã; đội ngũ y-bác sĩ, nhân viên y tế tăng 1,3 lần; công tác điều trị nội trú có nhiều tiến bộ.

Giai đoạn 1985-1995, ngành Y tế tỉnh cũng đã có bước khởi sắc. Trên cơ sở định hướng chỉ đạo chung của tỉnh, ngành Y tế đã xây dựng chương trình hành động giai đoạn 1985-1995, tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm là chăm sóc sức khỏe ban đầu và nâng cao chất lượng mọi mặt công tác y tế.

Giai đoạn 1995-2000, ngành Y tế đạt được những thành tựu đáng khích lệ với hệ thống chăm sóc y tế được củng cố và phát triển rộng khắp, hoạt động có hiệu quả và từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Đặc biệt, tỉnh đã xóa xã “trắng” về y tế vào năm 1997.

Nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh

Từ năm 2000 đến nay, sự nghiệp y tế tỉnh phát triển theo hướng phổ cập, hiện đại, phục vụ tốt hơn yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Giám đốc Sở Y tế Lý Minh Thái thông tin: Ngành Y tế tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Hệ thống tổ chức thuộc sự quản lý của Sở Y tế bao gồm: tuyến tỉnh có 6 bệnh viện, 2 chi cục, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Pháp y. Tuyến huyện có 17 trung tâm y tế và 220 trạm y tế.

Tổng số giường bệnh kế hoạch là 4.190 giường. Tổng số cán bộ y tế là 4.649 người, trong đó có 969 bác sĩ. Nếu như năm 2015 chỉ có 7,18 bác sĩ/vạn dân thì đến nay, tỷ lệ này đạt 8,7; số giường bệnh/vạn dân đạt 27,6; tỷ lệ xã/phường có bác sĩ làm việc là 94%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế là 94%. Toàn tỉnh hiện có 4 bệnh viện tư nhân với tổng cộng 528 giường bệnh.

“Tình hình dịch bệnh được kiểm soát, công tác khám-chữa bệnh có bước chuyển biến tích cực. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được thực hiện, chất lượng chuyên môn y tế các tuyến từng bước được nâng lên. Người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế dễ dàng hơn, đặc biệt là các chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi và các đối tượng chính sách”-ông Thái đánh giá.

Các cơ sở điều trị từ tỉnh đến huyện, xã ngày càng nâng cao chất lượng hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Bác sĩ Vũ Trung Hiếu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kbang-thông tin: “Được sự quan tâm của Sở Y tế và chính quyền địa phương, Trung tâm Y tế huyện từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn; được trang bị nhiều máy móc, thuốc điều trị, tiếp nhận nhiều kỹ thuật mới nên công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn. Hiện Trung tâm có quy mô 110 giường bệnh; tiếp nhận hơn 30.000 lượt người khám ngoại trú và hơn 6.000 lượt người đến điều trị nội trú mỗi năm”.

bac-si-trung-tam-y-te-huyen-kbang-tham-kham-cho-ba-dinh-thi-ram-lang-bo-chu-pau-xa-kong-long-khong-huyen-kbang-anh-nhu-nguyen.jpg
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Kbang thăm khám cho bà Đinh Thị Răm (làng Bờ-Chư Pâu, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: Như Nguyện

Sự phát triển của ngành Y tế tỉnh góp phần hiệu quả vào công tác phòng-chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh và các khu vực lân cận. Nhiều dịch vụ, kỹ thuật mới được triển khai giúp người dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được thuận lợi điều trị hiệu quả ngay tại tuyến tỉnh.

Sau 2 tuần điều trị đau thần kinh tọa tại Trung tâm Y tế huyện Kbang, bà Đinh Thị Răm (làng Bờ-Chư Pâu, xã Kông Lơng Khơng) đã xuất viện. Do tuổi cao nên bà thường bị đau lưng, đau cổ và nhức mỏi vai gáy. “Lúc nhập viện, mình bị đau dữ dội, đi không được. Được các y-bác sĩ tận tình chăm sóc, hướng dẫn uống thuốc, mình đã bớt đau nhức, đi lại được. Mình rất hài lòng, tin tưởng khi đến Trung tâm Y tế huyện khám-chữa bệnh”-bà Răm chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Bảo-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh-thông tin: Bệnh viện tập trung phát triển chuyên môn kỹ thuật cao, thực hiện được nhiều kỹ thuật tuyến trung ương như: can thiệp động mạch vành, siêu âm tim, siêu âm tim gắng sức, đặt máy tạo nhịp, đo xơ vữa mạch máu, dùng tiêu sợi huyết trong nhồi máu não, hóa trị trong ung thư, nội soi can thiệp, phẫu thuật nội soi cắt tử cung, phẫu thuật nội soi tuyến giáp, phẫu thuật nội soi cắt dây thần kinh giao cảm ngực…

“Trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, nhiều bác sĩ làm chủ được các kỹ thuật như thay khớp gối, khớp háng, đứt dây chằng chéo, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Các kỹ thuật nội khoa khác như kỹ thuật lọc máu liên tục cấp cứu các trường hợp ngộ độc; các kỹ thuật cận lâm sàng như kỹ thuật chiết tách tiểu cầu bằng máy tách tiểu cầu tự động trong điều trị cấp cứu rối loạn đông máu trong sản khoa, sốt xuất huyết, kỹ thuật chụp động mạch vành, động mạch não...

Bệnh viện thực hiện thường xuyên các phẫu thuật, thủ thuật ít xâm lấn như: phẫu thuật nội soi trong các lĩnh vực tiêu hóa, gan, mật, lồng ngực, tuyến giáp, sản phụ khoa.

Theo định hướng phát triển hệ thống y tế tỉnh đến năm 2030, Bệnh viện phấn đấu trở thành bệnh viện hạng I với quy mô 1.000 giường vào năm 2025 và đạt 1.200 giường vào năm 2030, nguồn nhân lực chất lượng cao, trang-thiết bị hiện đại xứng tầm là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh”-bác sĩ Bảo nhấn mạnh.

2logo-7722-2933-9071-1045-4546.jpg

Có thể bạn quan tâm

Thanh âm báu vật nghìn năm

Thanh âm báu vật nghìn năm

Già làng cầm viên đá nhỏ bằng nắm tay gõ vào các thanh đá bỗng phát ra âm thanh trong trẻo như tiếng suối chảy, trầm hùng của núi rừng. Bà con người dân tộc M’nông vẫn thường dừng chân bên suối và kể cho con cháu nghe về huyền thoại của dòng suối cũng như sự xuất hiện của những bộ đàn đá cổ.

Khi người già đi học công nghệ

Khi người già đi học công nghệ

Đều đặn mỗi tháng một lần, nhiều cụ ông, cụ bà từ 60 đến 90 tuổi lại mang tập bút đến lớp học về sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội nhằm bắt kịp được với thời đại 4.0 cũng như biết cách phòng tránh lừa đảo qua mạng.

Bừng thức gốm cổ M'nông

Bừng thức gốm cổ M'nông

Có thời điểm nghề làm gốm cổ của người M’nông R’lăm ở Đắk Lắk đứng trước nguy cơ lụi tàn, nhưng nơi ấy vẫn còn một vài nghệ nhân cố sức giữ nghề để giữ lấy nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

Nhà máy chuyên sản xuất súng bộ binh

Nhà máy chuyên sản xuất súng bộ binh

Để tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất súng tại nhà máy quốc phòng Z111 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) PV Thanh Niên phải được sự cho phép của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và tác nghiệp với sự hướng dẫn sát sao của các trợ lý an ninh tuyên huấn chính trị kỹ thuật...

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.