Khi mưa bão đi qua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Sau mỗi lần mưa bão, đứng trước cảnh tượng đổ nát hoang tàn, lòng tôi chỉ thấy dâng ngập những nỗi xót xa.

Bão số 3(Yagi) vừa đi qua. Hàng ngày, các phương tiện truyền thông đăng tải thông tin về tình hình thiệt hại do bão lũ gây ra. Trên các hội nhóm riêng tư, bạn bè tôi cũng liên tục cập nhật hình ảnh tại các địa phương nơi họ sinh sống.

Đoàn từ thiện của tỉnh Gia Lai trên đường ra hỗ trợ người dân vùng lũ phía Bắc. Ảnh: Xuân Sáng

Đoàn từ thiện của tỉnh Gia Lai trên đường ra hỗ trợ người dân vùng lũ phía Bắc. Ảnh: Xuân Sáng

Giữa đêm, bạn tôi trực cơ quan, nhắn vào nhóm: “Cụ bàng đẹp nhất con phố vừa bị bật gốc mất rồi!”. Kèm theo tin nhắn là hình ảnh cây bàng rất lớn nằm chỏng chơ giữa lối ra vào. Tin nhắn giữa đêm mưa bão giăng trắng trời khiến tất cả chúng tôi đều như cảm nhận được nỗi buồn của bạn. Tôi hiểu nỗi buồn ấy. Chỉ là cái cây thôi, nhưng đôi khi, với một ai đó, một nơi nào đó, nó ắp đầy kỷ niệm.

Thế rồi, khi cơn bão vừa qua đi, mọi người bắt tay ngay vào việc dọn dẹp tàn dư mà nó để lại. Từ những việc lớn như xây dựng lại nhà cửa, bắc cầu tạm, sửa chữa đường sá, đến những việc nhỏ hơn của các gia đình. Ai cũng muốn đưa một bàn tay ra để chung sức chung lòng với nhau, vượt qua khó khăn trước mắt.

Người Việt vẫn thường động viên nhau và tự động viên mình vô cùng tích cực: “Đừng than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Khi những cơn mưa hoàn lưu sau bão vẫn đang ào ạt trút xuống, mọi người đã khoác áo mưa, cùng nhau cắt dọn những thân cây bị gãy đổ nằm ngổn ngang trên đường phố. Mưa vừa ngớt, nước vừa rút, người nông dân đã lại tất tả ra đồng, vuốt lớp bùn đè lấp trên thân lúa, mong cứu được phần nào đám ruộng cho mùa tới.

Với người nông dân, ruộng đồng chính là tài sản, là sự sống. Những gương mặt thất thần sau bão nhìn theo hoa màu đầm bãi bị nhấn chìm, tàn phá tan hoang, chính là những gương mặt để lại những ám ảnh đậm sâu nhất trong tôi, một đứa con sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng sát cửa biển.

Chắc chắn phải mất rất nhiều thời gian để ổn định, sắp đặt lại cuộc sống như trước ngày mưa bão. Nắng rồi sẽ lên, cây lá sẽ lại vươn qua lớp bùn đất mà đâm chồi nảy lộc, hoa sẽ lại nở, cỏ sẽ lại xanh thắm những lối đi, lòng người rồi sẽ lắng lại những âu lo mà tiếp tục cuộc hành trình tiến dài về phía trước.

Tôi lại chợt nhớ cây gạo cổ thụ ở cổng làng mình. Một cơn bão lớn đã khiến nó đổ nghiêng. Khi ấy, thấy nó chưa bật hẳn rễ lên khỏi mặt đất mà chỉ mới đổ một phần, người làng tôi đã không phá bỏ nó. Họ xây một cái bệ đỡ phần thân cây nằm ngang để nó khỏi bị đổ hẳn xuống. Thế là, phần ngọn cây tiếp tục vươn lên thành dáng rồng bay vô cùng đẹp mắt.

Mấy chục năm sau trận bão ấy, cây gạo ngày càng già, dáng cây ngày càng đẹp. Nó vẫn nằm ở cái thế một phần thân cây song song với mặt đất, trên cái bệ đỡ, còn phần ngọn vươn thẳng lên giữa trời mây.

Mỗi lần trở về làng, nhìn thấy cây gạo, lòng tôi bộn bề bao cảm xúc. Nghe đâu đây như còn vẳng lời mẹ tôi vừa dọn dẹp bùn đất, vừa lôi đám lúa đã mọc mầm vì ngâm dưới nước lên, vừa lẩm bẩm: “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.

Trải qua một biến cố lớn, bạn tôi đã sống những tháng ngày suy sụp về tinh thần. Tôi động viên bạn dọn dẹp lòng mình để tiếp tục cuộc sống mới. Bạn bảo “cơn bão” này lớn quá, nhưng đúng là mình vẫn phải tiếp tục sống.

Đời người, ai chẳng phải đôi ba lần trải qua bão giông. Dẫu là những cơn bão do thiên nhiên gây ra hay những cơn bão mắt thường không nhìn thấy thì chúng ta vẫn phải dọn dẹp tàn dư, để bước tiếp về phía ngày mai. Khi giông bão đi qua, chúng ta sẽ thấy mình thêm vững vàng, cứng cáp. Khi giông bão đi qua, sẽ có những bàn tay chân thật, ấm áp đưa cho nhau, giúp nhau nhận ra những điều mà có thể trước nay còn mơ hồ chưa hiểu rõ.

Rồi lòng tôi bình thản dần, khi thấy bạn bè đã sắp xếp lại mọi thứ gọn gàng. Bạn tôi bảo, nắng đã lại bắt đầu nhen lên, cây lá trong vườn đã bắt đầu mở ra mầm chồi xanh biếc.

Có thể bạn quan tâm

Ia Khươl quan tâm giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

Ia Khươl quan tâm giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Xã Ia Khươl (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) có 1.943 hộ với 7.989 khẩu, trong đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 80%. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, hệ thống chính trị xã tập trung triển khai nhiệm vụ hỗ trợ sản xuất gắn với công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.

Ông Đinh Thai-người uy tín của huyện Kbang

Kbang: Chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Việc thường xuyên cung cấp thông tin cần thiết về tình hình thời sự, vấn đề kinh tế-xã hội và tạo điều kiện tham quan, học tập kinh nghiệm từ thực tiễn đã giúp cho đội ngũ già làng, người có uy tín trên địa bàn huyện Kbang phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của mình tại cơ sở.
Rmah H’Byên: Nữ công nhân cao su tận tụy với nghề

Rmah H’Byên: Nữ công nhân cao su tận tụy với nghề

(GLO)-

Tròn 15 năm gắn bó với cây cao su, Rmah H’Byên không chỉ là công nhân có bàn tay vàng của Công ty TNHH một thành viên 74 (Công ty 74) mà chị còn tận tâm giúp đỡ hàng chục công nhân người đồng bào dân tộc thiểu số biết cách cạo và cạo mủ cao su giỏi.

Huy động nguồn lực giúp hộ nghèo an cư

Huy động nguồn lực giúp hộ nghèo an cư

(GLO)- Những năm gần đây, các ngành, địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Nhờ đó, hàng ngàn hộ nghèo được an cư và có động lực để phấn đấu vươn lên.
Tham vấn trị liệu sau thiên tai

Tham vấn trị liệu sau thiên tai

Những ngày qua, chúng ta xót xa trước hậu quả thảm khốc của bão số 3. Cả đất nước đang chung tay, chung lòng chia sẻ mọi thứ có thể với mong muốn đồng bào nơi bão đã đi qua sẽ vơi chút gì đau thương và đứng lên tái thiết cuộc sống của chính mình.