Quản lý, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã xây dựng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở nông thôn giúp người dân có nguồn nước sạch để sử dụng. Tuy nhiên, việc quản lý, vận hành các công trình cấp nước này bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập.
Hiện nay, toàn tỉnh có 285 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, làng. Ảnh: N.D

Hiện nay, toàn tỉnh có 285 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, làng. Ảnh: N.D

Công trình cấp nước tập trung thôn Tung Neng (xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) được đầu tư xây dựng năm 2011. Đến năm 2012, công trình được đưa vào khai thác, cung cấp nước sạch cho 224 hộ dân. Ngay khi tiếp nhận công trình, UBND xã Ia Dreng đã thành lập Ban Quản lý để giám sát, vận hành và sửa chữa khi có sự cố.

Hàng tháng, Ban Quản lý thu tiền nước với giá 5.000 đồng/m3 để đóng tiền điện và chi phí quản lý, vận hành. Tuy vậy, một số hộ dùng nước nhưng không đóng tiền sử dụng nước.

Đến năm 2019, công trình tạm ngừng hoạt động do đường ống và hệ thống bơm bị hỏng. Ban Nhân dân thôn đề nghị tạm dừng cấp nước vì không có kinh phí chi trả tiền điện và duy tu, sửa chữa đường ống.

Tại cuộc họp giữa người dân thôn Tung Neng và các đơn vị của huyện mới đây, một số ý kiến cho rằng nhu cầu sử dụng nước từ công trình không nhiều. Hiện tại, hầu hết người dân sử dụng nguồn nước từ giếng đào. Nhiều hộ khác thì không chịu đóng tiền sử dụng nước. Vì vậy, người dân đề nghị huyện tạm thời không sửa chữa những hư hỏng của công trình.

Theo ông Phan Văn Hậu-Trưởng ban Quản lý công trình đô thị và vệ sinh môi trường, phụ trách Ban Quản lý cung cấp nước sạch huyện Chư Pưh: Hiện nay, tổ quản lý, vận hành được thành lập tại các thôn, làng không có chuyên môn nghiệp vụ để vận hành, bảo dưỡng. Bên cạnh đó, việc thu tiền sử dụng nước không đủ trả tiền công lao động cho người quản lý, vận hành.

Đặc biệt, các công trình cấp nước không có kinh phí bảo dưỡng do thu không đủ chi. Bên cạnh đó, hệ thống đường ống ngầm bị hư hỏng, rò rỉ nước gây thất thoát, lãng phí. Một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số quen sử dụng nước giọt nên công trình đưa vào vận hành hiệu quả không cao.

“Để công trình cấp nước sinh hoạt thôn Tung Neng phát huy hiệu quả, tránh lãng phí, chúng tôi sẽ đề xuất UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch. Vì sử dụng nguồn nước này mới đảm bảo hợp vệ sinh và an toàn cho sức khỏe”-ông Hậu thông tin.

Công trình cấp nước tập trung xã Nghĩa Hưng. Ảnh: N.D

Công trình cấp nước tập trung xã Nghĩa Hưng. Ảnh: N.D

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có 285 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, làng, trong đó có 161 công trình cấp nước tự chảy và 124 công trình bơm dẫn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Trong số này, 153 công trình thu phí dịch vụ đủ bù đắp chi phí vận hành, bảo dưỡng, còn lại thu không đủ chi.

Ngoài ra, 207 công trình đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt thường xuyên cho người dân sử dụng; 78 công trình không có khả năng cung cấp đủ nước; 250 công trình có cán bộ quản lý, vận hành; 35 công trình không có cán bộ quản lý, vận hành.

Hiện tại, 53 công trình hoạt động bền vững, 106 công trình hoạt động tương đối bền vững, 54 công trình kém bền vững và 72 công trình không hoạt động. Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam đạt 52,95%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,94%.

Công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy làng Mrông Ngó 4 (xã Ia Ka) phát huy hiệu quả tốt (ảnh ĐVCC)

Công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy làng Mrông Ngó 4 (xã Ia Ka) phát huy hiệu quả tốt (ảnh ĐVCC)

Theo nhìn nhận của cơ quan chuyên môn, khi giao các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn cho UBND các xã quản lý, đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành chủ yếu làm kiêm nhiệm. Một số công trình sau hơn 20 năm đưa vào sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp.

Bên cạnh đó, nguồn thu tiền sử dụng nước khó đảm bảo cho việc duy tu, bảo dưỡng, vận hành và trả cho nhân công quản lý, vận hành. Không những vậy, người dân sử dụng nước rất ít nên chưa phát huy hết công suất hoạt động của công trình.

Đối với các công trình cấp nước tự chảy không có đồng hồ đo đếm, khi hư hỏng thì không có tiền duy tu, sửa chữa. Đây là một trong những bài toán nan giải trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung ở nông thôn theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Tết ấm cho người nghèo

Tết ấm cho người nghèo

(GLO)- Tết Ất Tỵ 2025 đang đến gần. Bằng những việc làm thiết thực, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ nhà ở, tặng quà giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh có điều kiện đón một cái Tết ấm áp.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Điều chỉnh Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Kông Chro

Điều chỉnh Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Kông Chro

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa phê duyệt điều chỉnh Quyết định số 692/QĐ-UBND ngày 12-11-2022 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Kông Chro thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.