Loạt công trình cấp nước trăm tỉ "đắp chiếu",chờ bán phế liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng trăm công trình cấp nước được đầu tư gần 800 tỉ đồng tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đang hoạt động kém hiệu quả hoặc ngưng hoạt động hoàn toàn. Đặc biệt, có những công trình bị hư hỏng không thể phục hồi khiến cơ quan chức năng đang tính đến phương án bán phế liệu.
Đắk Lắk: Một xã có 5 công trình nước sạch "đắp chiếu"
 
Công trình cấp nước tập trung tại thôn 1, xã Hòa Xuân (TP Buôn Ma Thuột) đã bỏ hoang nhiều năm nay.
Theo thống kê của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk), trên địa bàn tỉnh này hiện có 168 công trình cấp nước tập trung, giá trị đầu tư khoảng gần 400 tỷ đồng được lấy từ nhiều nguồn vốn khác nhau.
Hiện tại chỉ có 41 công trình hoạt động bền vững (chiếm 24,4%); 56 công trình hoạt động trung bình (chiếm 33,33%); 20 công trình hoạt động kém hiệu quả (chiếm 11,9%); 51 công trình ngừng hoạt động (chiếm 30,36%).
Trong số 51 công trình ngừng hoạt động, có 20 công trình đã bị hư hỏng nặng không có khả năng phục hồi tập trung tại các huyện: Buôn Đôn, Buôn Hồ, Ea H’leo, Ea Súp, Krông Ana, Krông Bông, M’Đrắk và TP Buôn Ma Thuột.
 
Đây là công trình cấp nước tại thôn 4 của xã Hòa Xuân đã bị hư hỏng nặng.
Đơn vị cấp xã có nhiều công trình bị đắp chiếu nhất Đắk Lắk là xã Hòa Xuân (TP Buôn Ma Thuột), xã này hiện có 7 công trình cấp nước tập trung nhưng chỉ có 2 công trình sử dụng được còn 5 công trình để không đã nhiều năm nay.
Theo ông Nguyễn Đức Thuận- Chủ tịch xã Hòa xuân thì, khi các công trình này mới hoạt động, nước sạch đảm bảo cho cộng đồng dân cư. Các thôn, buôn cắt cử người đi học để vận hành, nhưng chỉ được 1 thời gian ngắn, do không có kinh phí. máy móc, đường ống hư hỏng, không có kinh phí trả tiền điện… nên 5 công trình này đã đắp chiếu từ lâu.
Còn tại xã Krông Jing (huyện M’Đrắk) có 2 công trình cấp nước tập trung tại buôn M'Găm và buôn Suốt được đầu tư xây dựng năm 2012 nhưng đến nay vẫn “đắp chiếu”. 
Lý giải cho việc hàng loạt công trình nước sạch được đầu tư hàng chục tỉ đồng bị đắp chiếu nói trên, phía Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đưa ra một số lý do. Theo đó, đa số các công trình hư hỏng và hoạt động kém hiệu quả chủ yếu là các công trình có quy mô nhỏ dưới 100 hộ, được đầu tư xây dựng cách đây hơn 10 năm nhằm giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt cho những điểm dân có điều kiện kinh tế khó khăn.
Lý do nữa là sau khi đầu tư xây dựng không có đơn vị quản lý, vận hành, cũng không có cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhiệm, trong khi đó giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn nông thôn nói chung thấp, dẫn đến việc nguồn thu không đủ chi phí nhân công… nên công tác duy tu bảo dưỡng không có kinh phí thực hiện khiến công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng.
Quan trọng là một số công trình triển khai đầu tư không có sự tham gia của người dân vùng hưởng lợi nên hiệu quả rất hạn chế. 
Đắk Nông: Công trình tiền tỉ được đề nghị bán... phế liệu
 
Công trình cấp nước tập trung tại xã Kiến Thành có tổng kinh phí xây dựng gần 4,6 tỷ đồng nhưng hiện đã bị hư hỏng, không sử dụng được.
Không chỉ riêng Đắk Lắk mà tại Đắk Nông hơn 200 công trình nước sạch được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng hiện nay nhiều công trình đã ngừng hoạt động vì hư hỏng nặng.
Theo thống kê từ năm 2004 đến tháng 6/2018, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có tổng cộng 258 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư. Trong đó, mức đầu tư của 245 công trình là hơn 374 tỷ đồng, còn 13 công trình không xác định được tổng mức đầu tư. Và trong tổng số 258 công trình nói trên, có 102 công trình đang hoạt động (chiếm 39,53%) và 155 công trình hư hỏng (chiếm 60,8%).
 
Nhiều công trình nước sạch xã Thuận Hà, huyện Đắk Song cũng được đầu tư gần 10 tỷ đồng nhưng hiện đã bị hư hỏng nặng.
Đơn cử tại huyện Đắk Song, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các thôn Thuận Hòa, Thuận Tân, Thuận Thành (xã Thuận Hạnh) có tổng mức đầu tư là hơn 9,9 tỷ đồng do UBND huyện Đắk Song làm chủ đầu tư nhưng hiện đều hư hỏng và không sử dụng được.
Cụ thể, ngày 14/11/2011, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Đắk Nông có Quyết định số 08/QĐ-SKH về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án, nguồn vốn ngân sách nhà nước 90%, nhân dân đóng góp 10%.
Cho đến ngày 14/10/2015, công trình này được đưa vào sử dụng trong khi chưa đấu nối đường ống chính với đường ống từng hộ dân sử dụng (đến tháng 7/2016 đấu nối được 79/284 hộ)...
Ngoài ra trong quá trình triển khai, chưa có cam kết sử dụng nước của các hộ dân, không thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, không tổ chức họp dân để huy động nhân dân đóng góp nguồn vốn dẫn đến dự án kéo dài.
Đến tháng 9/2018, đường ống chính của công trình này bị hư hỏng, ngoài ra việc lắp đặt hệ thống đài nước không đảm bảo yếu tố kỹ thuật, hệ thống thanh giằng bị biến dạng nên buộc phải giảm trữ lượng bồn nước từ 30m3 xuống còn 20m3.
Ngoài ra còn rất nhiều công trình khác được đầu tư tiền tỉ nhưng không sử dụng được rải đều trên toàn tỉnh Đắk Nông. 
Ông Hoàng Trung Thơ - Phó Giám đốc Sở (NN&PTNT) tỉnh Đắk Nông cho biết, “hiện nay Sở vẫn đang tiến hành rà soát, kiểm tra thực tế để đánh giá lại hiện trạng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên toàn tỉnh, trong số hơn 100 công trình ngưng hoạt động, có 66 công trình bị hư hỏng nặng không có nhu cầu sử dụng thì sẽ đề nghị thanh lý, bán phế liệu, còn những công trình đang có nhu cầu sử dụng thì vẫn đề nghị nâng cấp sửa chữa”.
Hải Dương (Infonet)

Có thể bạn quan tâm

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Giữa lòng hồ Sê San mênh mông nơi biên viễn Ia H’Drai có một làng chài mang đậm dấu ấn của miền Tây Nam Bộ. Nơi đó có câu chuyện về hành trình của những cư dân miền Tây tha phương mang theo mơ ước về một cuộc sống đủ đầy.