Bầu cử Mỹ: 'Cỗ máy' vận động của đảng Dân chủ di chuyển qua các bang chiến địa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kể từ khi thay thế ông Biden trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ sau khi ông tuyên bố rút lui, bà Harris và các cộng sự đã đạt được những bước tiến lớn.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (thứ 2, trái) và Thống đốc bang Minnesota Tim Walz (thứ 2, phải) trong cuộc vận động tranh cử ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (thứ 2, trái) và Thống đốc bang Minnesota Tim Walz (thứ 2, phải) trong cuộc vận động tranh cử ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Ngày 9/8, bà Kamala Harris đã đến vận động tranh cử tại bang chiến địa Arizona, tiếp nối chuỗi hoạt động không ngừng nghỉ kể từ khi chính thức được chọn làm đại diện tranh cử của đảng Dân chủ, thay thế ông Joe Biden sau khi ông tuyên bố rút lui.

Khi ngày bầu cử tổng thống chỉ còn cách 3 tháng nữa, bà Harris và đội ngũ của mình đã tích cực thực hiện các chương trình vận động tranh cử, với 6 điểm đến chỉ riêng trong tuần này.

Trong khi đó, đối thủ của bà là ông Donald Trump, đại diện đảng Cộng hòa, dường như có lịch trình nhẹ nhàng hơn, mật độ là khoảng 4-5 ngày ông và đội ngũ mới thực hiện một cuộc vận động.

Tính từ giữa tháng 7 khi Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa kết thúc đến nay, đội vận động tranh cử của ông Trump mới đến 5 địa điểm.

Sau khi dừng chân ở Pennsylvania, Michigan và Wisconsin, bà Harris và người đồng hành tranh cử, ông Tim Walz, đã phát biểu tại một sân vận động chật kín người ở Arizona.

Đây là một bang đa dạng về chủng tộc dọc biên giới Mỹ và Mexico nên không quá bất ngờ khi bài phát biểu của bà Harris tập trung vào điểm nóng là vấn đề người nhập cư, đồng thời lồng ghép các nội dung phản đối chính sách nhập cư của đối thủ Donald Trump.

Bà cho rằng ông Trump không muốn giải quyết vấn đề này, dù nói nhiều về an ninh biên giới nhưng cựu Tổng thống Mỹ đã không hành động.

Bà Harris cũng đã trích dẫn một đề xuất nhập cư quan trọng gần như đã được Quốc hội thông qua sau nhiều tháng đàm phán lưỡng đảng nhưng cuối cùng rơi vào bế tắc sau khi ông Trump lên tiếng phản đối vào đầu năm nay.

Ứng cử viên của đảng Dân chủ khẳng định sẽ ký dự luật nếu trở thành tổng thống. Bà đề xuất cải cách toàn diện hệ thống nhập cư quốc gia, trong đó có tăng cường an ninh biên giới chặt chẽ và đảm bảo quyền lợi cho người dân Mỹ.

Trước khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua vào ngày 21/7, ông Donald Trump dường như có nhiều cơ hội trở lại Nhà Trắng hơn.

Tuy nhiên, kể từ khi thay thế ông Biden trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ sau khi ông tuyên bố rút lui, bà Harris và các cộng sự đã đạt được những bước tiến lớn. Sự trỗi dậy của bà Harris được cho là khiến đội ngũ của ông Trump bối rối.

Hai ứng cử viên sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình ABC News vào ngày 10/9. Sau bang Arizona, bà Harris cùng các cộng sự sẽ đến bang Nevada lân cận.

Trung tâm nghiên cứu chính trị phi đảng phái Cook Political Report tuần qua đã công bố kết quả khảo sát cho thấy có sự chuyển đổi động lực trong cuộc đua tại 2 bang này, từ "thiên về Cộng hòa" sang "50-50".

Theo Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (bìa phải) và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Bernama

Thủ tướng Malaysia bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan làm cố vấn không chính thức vào năm 2025

(GLO)- Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại TP. Putrajaya (Malaysia), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thông báo đã bổ nhiệm ông Thaksin Shinawatra làm cố vấn không chính thức vào năm 2025 khi Malaysia đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.