Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 56/CĐ-TTg ngày 6-6-2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Những năm qua, thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số cũng đã phát triển tích cực, trở thành kênh phân phối quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần phát triển các dịch vụ tài chính, dịch vụ thanh toán điện tử. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác quản lý thu thuế… Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý thương mại điện tử.

Khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/20222/NĐ-CP ngày 31-1-2022) trước ngày 15-6-2024 nhằm tăng cường chế tài xử lý hành vi vi phạm về lưu trữ và cung cấp thông tin đối với các chủ thể hoạt động thương mại điện tử; tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở đó nghiên cứu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt Kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong việc phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân không kê khai, nộp thuế theo quy định.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng; tăng cường công tác cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng qua thương mại điện tử; kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử.

Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các địa phương tổ chức, triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng

Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện kê khai, nộp thuế; tối ưu hóa quy trình thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử; đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả thực hiện nghĩa vụ thuế, tăng cường triển khai các giải pháp thu thuế, chống thất thu thuế, xử lý nghiêm các vi phạm về thuế, hải quan trong hoạt động thương mại điện tử.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng (ảnh minh họa)

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng (ảnh minh họa)

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo quy định.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với thương mại điện tử, áp dụng các công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý rủi ro đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; từng bước kiểm soát chặt chẽ hóa đơn đầu vào đảm bảo việc kê khai, nộp thuế đúng quy định pháp luật của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân từ khâu sản xuất đến lưu thông, từ khâu nhập khẩu đến bán hàng; tăng cường trao đổi, kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, cơ quan liên quan.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng, trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng...

Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan thúc đẩy tiến độ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện định danh và xác thực điện tử; đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng… phục vụ định danh, xác thực cá nhân, tổ chức phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế tiếp cận, khai thác hiệu quả Hệ thống định danh và xác thực điện tử nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến trong từng lĩnh vực.

Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường triển khai thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh trật tự trong hoạt động giao dịch điện tử và thương mại điện tử; triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các giải pháp công nghệ nhằm tăng cường giám sát, quản lý các giao dịch trên môi trường trực tuyến, chống các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phối hợp với Bộ Công thương trong việc cung cấp thông tin, quản lý người dùng mạng xã hội có hoạt động thương mại điện tử.

Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý thuế đối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ nội dung số xuyên biên giới và để có thể thực hiện tạm dừng, thu hồi giấy phép hoạt động trên môi trường mạng đối với các trường hợp vi phạm pháp luật thuế.

Phát triển các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát giao dịch thanh toán điện tử trong hoạt động ngân hàng; nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử.

Chỉ đạo tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện việc cung cấp thông tin của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ các nền tảng xuyên biên giới theo quy định của pháp luật và theo hướng dẫn của cơ quan thuế. Có trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử; thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Phòng-chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động thương mại điện tử

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, đấu tranh phòng-chống tội phạm công nghệ cao, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan trong công tác phòng-chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động thương mại điện tử.

Yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30-5-2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; Công điện số 889/CĐ-TTg ngày 1-10-2022 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số…; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo vệ sản xuất trong nước, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phòng-chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo việc triển khai, đôn đốc, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện Công điện này.

Có thể bạn quan tâm

Để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, Siêu thị Co.op Mart Pleiku đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: V.T

Chủ động nguồn hàng phục vụ Tết

(GLO)- Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp tại Gia Lai đã chủ động nguồn hàng để phục vụ người tiêu dùng với mức giá bình ổn.

Các chủ thể OCOP đã lên thiết kế mẫu hộp quà tặng Tết. Ảnh: V.T

Sản phẩm OCOP vào mùa phục vụ Tết

(GLO)- Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, trong đó có các sản phẩm OCOP thường tăng rất cao. Thời điểm này, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì phục vụ nhu cầu tiêu dùng và mua làm quà tặng dịp Tết.