Trợ sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã dành nhiều thời gian thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Nhìn thẳng vào thực tế để thấy rằng cần thực hiện một cách quyết liệt sự chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm khơi thông nguồn lực, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch ngân sách những tháng đầu năm 2024, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn các tác động tới tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh và khó khăn của doanh nghiệp. Nhất là khi trong 4 tháng đầu năm có tới 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81.300 doanh nghiệp).

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã dành nhiều thời gian thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: TTXVN

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã dành nhiều thời gian thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: TTXVN

Nguyên nhân là doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, giờ lại phải tiếp tục đối diện với khó khăn, thách thức do bất ổn kinh tế, địa chính trị thế giới tác động.

Điều đáng nói là không chỉ những khó khăn từ bên ngoài tác động vào mà ngay nội tại nền kinh tế vẫn còn những yếu tố mang tính chủ quan từ cơ chế, chính sách của Nhà nước, từ sự tắc trách của cơ quan công quyền cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố mới đây cho thấy, có tới 73% doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh vì gặp khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục đất đai.

Điều chắc chắn là khi doanh nghiệp hoạt động giảm sút, phải rời bỏ thị trường thì tăng trưởng kinh tế, đời sống xã hội sẽ bị tác động xấu. Cùng với đó, do tác động dây chuyền, số doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng cao sẽ làm giảm động lực khởi nghiệp, ảnh hưởng tới số doanh nghiệp mới được thành lập và đi vào hoạt động.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6% đến 6,5%, các chỉ đạo của Chính phủ đều nhấn mạnh việc ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Sau Nghị quyết số 01/NQ-CP với yêu cầu “tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính…góp phần tiết giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân”, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 16 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy, Chính phủ đã thấy những khó khăn của thị trường và nhu cầu được trợ lực để phục hồi và phát triển của doanh nghiệp.

Chỉ thị số 16 nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện, kịp thời chấn chỉnh để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, trọng tâm là “phải khẩn trương rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai”.

Ngay tại kỳ họp này, Chính phủ đã nhất trí cao đề nghị Quốc hội đưa Luật Đất đai mới có hiệu lực thi hành sớm hơn nửa năm so với trình tự thông thường (dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 8-2024). Điều đó cho thấy, sự cấp thiết có một văn bản luật chất lượng đi vào cuộc sống sớm hơn để hiện thực hóa mục tiêu “cải cách, cắt giảm thủ tục ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”.

Nguồn lực để doanh nghiệp phục hồi và phát triển đâu chỉ có đất đai! Vốn, lao động, công nghệ, các chính sách miễn giảm thuế… cũng cần được khơi thông nhanh hơn. Chỉ cần nhìn gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, sau 1 năm triển khai, giải ngân chưa tới 1% là có thể hiểu doanh nghiệp vẫn còn không ít khó khăn.

Vì vậy, cần giải quyết tận gốc tình trạng quy định, thủ tục hành chính chồng chéo, mâu thuẫn và cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh ngay trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giảm tầng nấc trung gian, chấm dứt nhũng nhiễu, tiêu cực và nhất quán trong chỉ đạo, điều hành; cơ quan công quyền phải thực thi công vụ một cách vô tư… xem đó như một cách trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển!

Có thể bạn quan tâm

Bán thuốc qua mạng: Nhiều hệ lụy

Bán thuốc qua mạng: Nhiều hệ lụy

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược năm 2016 lần đầu tiên được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV với nhiều điểm mới, trong đó có đề cập việc kinh doanh thuốc trên sàn thương mại điện tử.
Là 'mua' hay 'thưởng'?

Là 'mua' hay 'thưởng'?

Đề xuất mức chi mua tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với kinh phí tối đa 50 triệu đồng/tin được dư luận đánh giá là ý tưởng hay, có thể có tác dụng động viên, khuyến khích tố giác tham nhũng một cách bài bản, minh bạch.
Yêu cầu cao nhất là phục vụ nhân dân

Yêu cầu cao nhất là phục vụ nhân dân

Thảo luận tại tổ về dự luật Công chứng (sửa đổi) ngày 17.6, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị xem xét tổng thể hoạt động công chứng, phục vụ cái gì, làm gì trong quản lý hành chính và hệ thống tư pháp. Theo Chủ tịch nước, yêu cầu cao nhất của hoạt động này là phải phục vụ nhân dân.
Rủi ro mua vàng

Rủi ro mua vàng

Trong cơn sốt vàng miếng, nhiều người tìm đủ mọi cách để có vàng bằng được, từ trả công nhờ người xếp hàng hộ, mua qua cò hoặc trao đổi sang tay… Tuy nhiên, nếu không phải là người trực tiếp mua vàng thì luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Giải quyết nghịch lý giá vàng

Giải quyết nghịch lý giá vàng

Luật Giá 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-7) đã quy định rất cụ thể về danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá. Đó là hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí: thiết yếu, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.