Bộ Xây dựng đề xuất thống nhất cách đánh số nhà trên toàn quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thông tư của Bộ Xây dựng đề xuất cách đánh số nhà thống nhất trên toàn quốc, được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng 'nhà loạn số, phố loạn tên' bấy lâu nay.

Bộ Xây dựng đang chủ trì soạn thảo thông tư quy định về đánh số và gắn biển số nhà, nhằm thay thế cho Quyết định số 05/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và quy định của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về cùng nội dung.

Thông tư này cũng mang lại kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng "ma trận" nhà trùng số, phố trùng tên; hoặc nhà loạn số, phố loạn tên… từng được phản ánh suốt nhiều năm qua.

Bộ Xây dựng đề xuất thống nhất cách đánh số nhà trên toàn quốc (ảnh minh họa)

Bộ Xây dựng đề xuất thống nhất cách đánh số nhà trên toàn quốc (ảnh minh họa)

Thống nhất quy cách biển số nhà

Theo dự thảo của Bộ Xây dựng, mỗi khuôn viên nhà ở, công trình xây dựng có nhà tại mặt tiền của các tuyến giao thông được mang một biển số nhà theo quy cách thống nhất.

Số nhà trên các tuyến giao thông được đánh bằng dãy số tự nhiên bắt đầu từ nhà đầu tuyến đến cuối tuyến không phân biệt ranh giới hành chính (phường, xã, thị trấn; quận, huyện, thị xã). Đứng đầu tuyến trái nhìn về phía cuối tuyến, nhà bên trái đánh số lẻ (1, 3, 5, 7 và các số lẻ tiếp theo), nhà bên phải đánh số chẵn (2, 4, 6, 8 và các số chẵn tiếp theo).

Trường hợp một nhà có cửa mở ra hai tuyến giao thông khác nhau thì nhà đó được đánh số theo tuyến giao thông có mặt cắt ngang lớn hơn; nếu các tuyến giao thông có mặt cắt ngang tương đương thì đánh số nhà theo tuyến có cửa chính vào nhà.

Đối với nhà mặt đường, mặt phố, chiều đánh số nhà được thực hiện từ trung tâm thành phố ra phía ngoại ô (đối với các đường dạng hướng tâm) và theo chiều quay của kim đồng hồ (đối với các đường dạng đường bao hoặc đường vành đai).

Trường hợp các quận, huyện, thị xã có các tuyến đường, phố đặc thù không thực hiện được theo quy định trên thì chiều đánh số nhà được thực hiện từ trung tâm quận, huyện, thị xã ra phía ngoài theo hướng dẫn của sở xây dựng.

Trường hợp các tuyến đường, phố nối thông giữa hai đường, phố có mặt cắt ngang tương đương nhau; chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, từ đông bắc sang tây nam, từ đông nam sang tây bắc.

Trường hợp các tuyến đường, phố nối thông giữa hai đường, phố có mặt cắt ngang chênh lệch nhau, chiều đánh số nhà được thực hiện từ điểm đầu nối với đường, phố có mặt cắt ngang lớn hơn.

Trường hợp các tuyến đường, phố song song với nhau thì chiều đánh số nhà cho các tuyến song song lấy theo cùng chiều đánh số nhà của đường, phố có mặt cắt ngang lớn nhất.

Số nhà trên đường Lê Văn Lương (H.Nhà Bè, TP.HCM) đang từ số 1053 bỗng bị chen giữa bởi 2 nhà cùng mang số 89

Số nhà trên đường Lê Văn Lương (H.Nhà Bè, TP.HCM) đang từ số 1053 bỗng bị chen giữa bởi 2 nhà cùng mang số 89

Nhà trong ngõ, ngách, hẻm đánh số thế nào?

Đối với nhà trong ngõ, trường hợp ngõ chưa có tên riêng thì tên ngõ được đặt tên theo số nhà mặt đường, phố và có số nhà nhỏ hơn nằm kề ngay trước đầu ngõ.

Trường hợp ngõ chỉ có một đầu thông ra đường, phố thì chiều đánh số nhà được thực hiện từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố đến nhà cuối ngõ.

Trường hợp ngõ nối thông giữa 2 đường, phố, nếu ngõ đã được đặt tên, chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố mà ngõ mang tên đến cuối ngõ; nếu ngõ chưa được đặt tên, chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố có mặt cắt ngang lớn hơn đến cuối ngõ.

Đối với nhà trong ngách, trường hợp ngách chưa có tên riêng thì tên ngách được đặt tên theo số nhà trong ngõ và có số nhà nhỏ hơn nằm kề ngay trước đầu ngách.

Trường hợp ngách chỉ có một đầu thông ra ngõ, chiều đánh số được thực hiện từ nhà đầu sát với ngõ đến nhà cuối ngách.

Trường hợp ngách nối thông giữa 2 ngõ, nếu ngách đã được đặt tên, chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngách sát với ngõ mà ngách mang tên đến cuối ngách; nếu ngách chưa được đặt tên, chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngách sát với ngõ có mặt cắt ngang lớn hơn đến cuối ngách.

Đối với nhà trong hẻm, trường hợp hẻm chưa có tên riêng thì tên hẻm được đặt tên theo số nhà trong ngách và có số nhà nhỏ hơn nằm kề ngay trước đầu hẻm.

Trường hợp hẻm chỉ có một đầu thông ra ngách, chiều đánh số nhà được thực hiện từ nhà đầu sát với ngách đến nhà cuối hẻm.

Trường hợp hẻm nối thông giữa 2 ngách, nếu hẻm đã được đặt tên, chiều đánh số nhà từ nhà đầu hẻm sát với ngách mà hẻm mang tên đến cuối hẻm; nếu hẻm chưa được đặt tên, chiều đánh số nhà từ nhà đầu hẻm sát với ngách có mặt cắt ngang lớn hơn đến cuối hẻm.

Rà soát, trình UBND tỉnh xem xét nếu số nhà không phù hợp

Vẫn theo dự thảo của Bộ Xây dựng, đối với các tuyến giao thông thuộc khu phố cổ, khu phố cũ đã có số nhà được đưa vào sử dụng ổn định nếu phù hợp với các nguyên tắc quy định tại thông tư này được giữ nguyên số nhà đã đánh.

Trường hợp không phù hợp, UBND quận, huyện, thị xã rà soát, đề xuất phương án xử lý, gửi về sở xây dựng để thẩm tra, trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Các trường hợp phải đánh lại số và gắn mới biển số nhà gồm:

- Các tuyến giao thông đã đánh số nhà nhưng phát sinh nhiều nhà xây mới hoặc tồn tại nhiều số nhà tự phát.

- Các tuyến giao thông đã đặt tên và đánh số nhà nhưng được mở rộng, cải tạo, số nhà cũ đã giải phóng mặt bằng; các ngõ được mở rộng thành đường, phố và được đặt tên.

- Các tuyến đường, phố đã đánh số nhà nhưng được mở nối dài từ phía đầu đường mà phần nối dài đó không được đặt tên đường, phố mới…

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.