Trám 'lỗ hổng' cao tốc bằng quy chuẩn quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ quy chuẩn mới được ban hành mang lại kỳ vọng người dân sẽ không còn bức xúc và lo lắng khi di chuyển trên những tuyến cao tốc "rùa bò" chỉ 2 làn xe, không đảm bảo những hạ tầng thiết yếu đi kèm.

"Xóa sổ" cao tốc 2 làn xe

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 06/2024 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 115:2024 đường bộ cao tốc. Theo đó, tốc độ thiết kế đường bộ cao tốc được phân làm 3 cấp: Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/giờ; cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/giờ; cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/giờ; Đối với vị trí địa hình đặc biệt khó khăn, yếu tố quốc phòng an ninh khống chế, cho phép áp dụng tốc độ thiết kế 60 km/giờ.

Trên đường bộ cao tốc có thể có những đoạn áp dụng cấp khác nhau, nhưng những đoạn này phải dài từ 15 km trở lên và tốc độ thiết kế của hai đoạn liên tiếp không được chênh nhau quá 20 km/giờ. Trường hợp đường bộ cao tốc áp dụng cấp tốc độ thiết kế quá một cấp (20 km/giờ), phải có một đoạn quá độ dài ít nhất 2 km có cấp tốc độ thiết kế trung gian.

Tốc độ tối đa cho phép trên đường bộ cao tốc không vượt quá 120 km/giờ; Tốc độ tối đa cho phép và tốc độ thiết kế không được chênh nhau quá 20 km/giờ; Tốc độ tối đa cho phép của 2 đoạn tuyến liên tiếp không được chênh nhau quá 20 km/giờ.

Quy chuẩn quốc gia vừa được công bố sẽ giúp xóa bỏ những cao tốc 2 làn xe

Quy chuẩn quốc gia vừa được công bố sẽ giúp xóa bỏ những cao tốc 2 làn xe

Về số làn xe chạy, quy chuẩn mới yêu cầu số làn xe được xác định trên cơ sở lưu lượng xe thiết kế, nhưng không ít hơn 2 làn xe cho mỗi chiều. Nghĩa là đường bộ cao tốc có quy mô tối thiểu 4 làn xe chạy, có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục (trừ các vị trí: qua cầu có khẩu độ nhịp từ 150 m trở lên; cầu có trụ cao từ 50 m trở lên; hầm; có bố trí làn tăng, giảm tốc; làn phụ leo dốc). Chiều rộng làn xe chạy tối thiểu 3,75 m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 3,5 m đối với đường cấp 80. Làn dừng xe khẩn cấp có chiều rộng tối thiểu 3 m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 2,5 m đối với đường cấp 80.

Thông tư 06 có hiệu lực từ ngày 1.10.2024. Theo các quy định chuyển tiếp thì những dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Thông tư có hiệu lực sẽ tiếp tục thực hiện theo các quy định tại thời điểm quyết định chủ trương đầu tư. Đối với các tuyến đường cao tốc có tốc độ thiết kế từ 80 km/giờ trở xuống đang khai thác trước ngày Thông tư có hiệu lực, khi đầu tư nâng cấp, mở rộng thì cho phép áp dụng các yếu tố kỹ thuật cho dự án đã được phê duyệt trước đây.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc VN, khẳng định quy chuẩn mới ban hành cơ bản khắc phục được một số bất cập của hệ thống cao tốc trong thời gian qua, điển hình như cao tốc phân kỳ đầu tư cũng phải đảm bảo ít nhất 4 làn xe, có đầy đủ hệ thống giao thông thông minh, các trạm dừng nghỉ phải được quy hoạch, xây dựng và khai thác đồng bộ với hạng mục đường cao tốc và có đầy đủ một số hạng mục đảm bảo an toàn giao thông. Ngay cả với trường hợp địa hình khó khăn ở các vùng sâu vùng xa được áp dụng tốc độ thiết kế 60 km/giờ nhưng vẫn phải đầu tư quy mô tối thiểu 4 làn xe, đầy đủ dải phân cách…

"Thực tế, quy hoạch mạng lưới cao tốc của VN từ trước đến nay vẫn là tối thiểu 4 làn xe. Tuy nhiên giai đoạn kinh tế đang phát triển, nguồn lực đầu tư hạn chế, không chỉ VN mà một số quốc gia cũng đã xây dựng và khai thác các tuyến cao tốc giai đoạn đầu với quy mô 2 làn xe. Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát tổng thể các tuyến cao tốc đầu tư phân kỳ, đặc biệt là các tuyến cao tốc phân kỳ với quy mô 2 làn xe, đánh giá những tồn tại, hạn chế để xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp nhanh chóng nâng cấp bảo đảm quy mô 4 làn xe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", ông Huy cho biết.

Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát tổng thể các tuyến cao tốc đầu tư phân kỳ, đặc biệt là các tuyến cao tốc phân kỳ với quy mô 2 làn xe, đánh giá những tồn tại, hạn chế để xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp nhanh chóng nâng cấp bảo đảm quy mô 4 làn xe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc VN



Bắt buộc phải tuân thủ

Đại diện Bộ GTVT giải thích rõ: Mặc dù đến nay quy chuẩn quốc gia về đường cao tốc mới được ban hành, song không đồng nghĩa hệ thống hơn 1.000 km đường cao tốc của VN đã và mới đưa vào khai thác thời gian qua được xây dựng một cách tự do. Từ năm 1997, Tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô cao tốc đã được Bộ KH-CN-MT phê chuẩn, áp dụng cho việc thiết kế đường ô tô cao tốc ngoài đô thị cũng như việc cải tạo, nâng cấp các loại đường ô tô thành đường cao tốc.

Thời điểm đó, xây dựng hạ tầng cao tốc đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ, thống nhất từ khâu quy hoạch lập dự án, thiết kế chi tiết, xây dựng đến quản lý vận hành. Song để tránh lãng phí tiền của trong việc áp dụng các chỉ tiêu kỹ thuật trong sử dụng quy trình, quy phạm, cần lựa chọn sao cho thật hợp lý, thỏa đáng mà vẫn đảm bảo các tiêu chí cơ bản như lưu lượng giao thông lớn, thông xe liên tục, tốc độ vận hành cao và an toàn.

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới ban hành, đường bộ cao tốc có quy mô tối thiểu 4 làn xe chạy (2 làn xe cho mỗi chiều), có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục...

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới ban hành, đường bộ cao tốc có quy mô tối thiểu 4 làn xe chạy (2 làn xe cho mỗi chiều), có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục...

Tuy nhiên sau đó, qua quá trình phát triển, vận hành, có một số chỉ tiêu kỹ thuật cần xem xét và sửa đổi nên đến năm 2012, Bộ KH-CN đã ban hành TCVN 5729:2012 thay thế, cập nhật, bổ sung một số nội dung kỹ thuật. Trong đó, đã thể hiện chi tiết việc phân loại 4 cấp độ cao tốc (tương ứng với tốc độ quy định 60 km/giờ, 80 km/giờ, 100 km/giờ và 120 km/giờ), mặt cắt ngang, hành lang bảo vệ, độ dốc, thiết kế các đoạn tuyến, dải phân cách, cân bằng số làn xe, bố trí làn xe phụ…

Ngoài ra, năm 2022, Tổng cục Đường bộ có ban hành thêm "Tiêu chuẩn cơ sở thiết kế và tổ chức đường ô tô cao tốc trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng" nhằm hướng dẫn về các phương án thiết kế, nêu các yêu cầu, giải pháp, tiêu chuẩn thiết kế cần được áp dụng trong giai đoạn phân kỳ đầu tư đường cao tốc.

"Đến nay, Bộ GTVT đã ban hành 4 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình đường bộ, song, nhu cầu thực tế đòi hỏi phải có quy chuẩn riêng cho đường cao tốc. Trong quá trình xây dựng, các chuyên gia, thành viên Ban soạn thảo đã học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ cũng như tham khảo sổ tay hướng dẫn thiết kế về đường cao tốc của Mỹ, Úc và các nước châu Âu.

Hiện, Trung Quốc cũng mới ban hành tiêu chuẩn thi công, nghiệm thu, còn các nước như Mỹ, Úc và một số nước châu Âu ban hành chỉ dẫn yêu cầu kỹ thuật không bắt buộc đối với đường cao tốc. Gần như chưa có quốc gia nào ban hành quy chuẩn kỹ thuật đầy đủ về đường cao tốc", đại diện Bộ GTVT thông tin thêm.

PGS-TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế đường cao tốc hiện hành đã khá đầy đủ, từ thiết kế tuyến cho đến công trình cụ thể, thiết kế để đảm bảo an toàn và tiệm cận các tiêu chuẩn của thế giới. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu cho xe chạy với tốc độ cao liên tục và an toàn, trong thiết kế sẽ đòi hỏi nhiều giải pháp như có dải phân cách giữa, không được giao cắt đồng mức, phải có làn dừng khẩn cấp, có một số công trình hạ tầng dịch vụ đi theo như trạm dừng nghỉ… Đáp ứng đầy đủ những yếu tố này mới hình thành một tuyến cao tốc đúng chuẩn.

"Thời gian qua, do điều kiện khó khăn về tài chính nên VN áp dụng tiêu chuẩn để phân kỳ đầu tư, dẫn đến tình trạng một số tuyến cao tốc không hội tụ đủ những tiêu chuẩn kể trên, như có những tuyến chỉ có 2 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp mà thay bằng điểm dừng khẩn cấp, không có dải phân cách… Cộng với việc chưa có quy hoạch về trạm dừng nghỉ nên đa số cao tốc hiện chưa có trạm dừng nghỉ. Những điều kiện này hiện đã được nâng thành quy chuẩn về thiết kế đường cao tốc thì bắt buộc phải tuân thủ. Tất cả các đường cao tốc sẽ phải đáp ứng đủ các yêu cầu này", PGS-TS Trần Chủng nói rõ.

Ưu tiên nguồn lực để có mạng lưới cao tốc đạt chuẩn

Ông Đặng Văn Chung, nguyên Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (thuộc Tổng cục Đường bộ), đánh giá việc ban hành các quy chuẩn quốc gia về đường cao tốc giúp cho công tác đầu tư đường cao tốc được bài bản hơn. Đây sẽ là cơ sở để quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống đường bộ cao tốc, căn cứ để xác định suất đầu tư, huy động vốn đầu tư, bảo đảm tính công khai, minh bạch và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ông Chung cho rằng quy chuẩn mới nên có thêm nội dung về cao tốc đầu tư phân kỳ bao gồm công tác tổ chức giao thông, quản lý, bảo trì tuyến đường trong giai đoạn phân kỳ đầu tư.

Cao tốc không có làn dừng, không có trạm nghỉ, chỉ có 2 làn xe, tốc độ thấp... là những tồn tại dẫn đến rủi ro của hệ thống cao tốc hiện nay

Cao tốc không có làn dừng, không có trạm nghỉ, chỉ có 2 làn xe, tốc độ thấp... là những tồn tại dẫn đến rủi ro của hệ thống cao tốc hiện nay

Lý do, các tuyến cao tốc 2 làn xe, thiếu làn dừng khẩn cấp, trạm dừng nghỉ… chưa đủ tiêu chuẩn không phải chỉ phân kỳ đầu tư trong vòng 1 - 2 năm mà có khi kéo dài đến vài năm, thậm chí hàng chục năm. Như tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn từ Yên Bái - Lào Cai) đưa vào khai thác đến nay đã 10 năm vẫn chưa nâng cấp được do khó khăn về vốn. Với những tuyến cao tốc chưa hoàn thiện như vậy thì đường ở cấp độ kỹ thuật nào, phải quy định tổ chức khai thác theo cấp độ kỹ thuật đó.

Đơn cử, các cao tốc 2 làn xe như Cam Lộ - La Sơn, Nội Bài - Lào Cai (đoạn từ Yên Bái - Lào Cai) thì tổ chức giao thông theo cấp kỹ thuật là đường cấp 3 đồng bằng, cấm xe đạp, xe máy, cấm xe thô sơ đi vào; thiết kế vạch tim đường cho phù hợp; những đoạn có đủ diện tích thì tạm thời mở điểm dừng nghỉ để phương tiện có thể dừng kiểm tra an toàn, nghỉ ngơi, đi vệ sinh… Đây là những yêu cầu cần thiết mà nếu không được đưa vào quy chuẩn thì Bộ GTVT cần có văn bản tạm thời khai thác các tuyến cao tốc ở giai đoạn phân kỳ.

"Theo quy chuẩn mới, các tuyến cao tốc quy hoạch 4 làn xe không phân kỳ, làm đồng bộ đầy đủ các hạ tầng sẽ đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện mạng lưới cao tốc đạt chuẩn của VN, nhưng đồng thời cũng tạo ra áp lực về nguồn vốn. Chính phủ và các bộ, ngành cần đánh giá kỹ lưỡng, có cơ chế ưu tiên nguồn lực để phát triển mạng lưới đường cao tốc nói riêng cũng như hạ tầng giao thông nói chung", ông Đặng Văn Chung nêu ý kiến.

Chuyên gia cầu đường Vũ Đức Thắng cũng nhìn nhận vấn đề bất cập của cao tốc thời gian qua không phải do thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà phần lớn đến từ câu chuyện đầu tư. Do điều kiện kinh tế hạn hẹp, khó khăn về nguồn vốn khiến các nhà quản lý buộc phải lựa chọn phương án đầu tư phân kỳ, xây dựng những tuyến đường gọi là cao tốc nhưng lại chưa được đầu tư hoàn chỉnh những hạng mục theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Những hạng mục này được lược giản ngay từ trong bản vẽ thiết kế kỹ thuật để giảm chi phí đầu tư, không phải Bộ đã thiết kế nhưng không làm. Mục đích là sớm có đường để giải tỏa áp lực giao thông.

Hiện nay, điều kiện KT-XH của nước ta đã cao hơn, cũng đòi hỏi những công trình đáp ứng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn, đồng nghĩa với nhu cầu vốn cho các công trình cũng lớn hơn. Vì thế, cần có thêm nhiều chính sách huy động vốn để việc đầu tư cao tốc đủ chuẩn diễn ra thuận lợi.

Chuyên gia cầu đường Vũ Đức Thắng

"Chúng ta kỳ vọng sau khi có quy chuẩn đường cao tốc, mạng lưới cao tốc của VN sẽ được áp dụng đồng bộ trên cả nước theo từng tiêu chí cụ thể: con đường xếp vào hạng nào thì kích thước ra sao, quy định phải làm gì, làm thế nào, rộng ra sao, tốc độ bao nhiêu… Hiện nay, điều kiện KT-XH của nước ta đã cao hơn, cũng đòi hỏi những công trình đáp ứng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn, đồng nghĩa với nhu cầu vốn cho các công trình cũng lớn hơn. Vì thế, cần có thêm nhiều chính sách huy động vốn để việc đầu tư cao tốc đủ chuẩn diễn ra thuận lợi" ông Vũ Đức Thắng nhấn mạnh.

Bộ GTVT trước đó đã đề xuất 6 giải pháp để sớm đầu tư mở rộng, hoàn thiện các tuyến cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ. Trong đó, trình Quốc hội dự thảo luật Đường bộ với cơ chế cho phép mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đường cao tốc theo phương thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Khẩn cấp xây dựng trạm dừng nghỉ

Theo ông Đặng Văn Chung, trong khi chờ các tuyến cao tốc đủ chuẩn hoàn thiện thì hệ thống trạm dừng nghỉ trên các tuyến đã và đang khai thác là hạng mục cấp bách phải làm. Mặc dù chủ trương là khẩn cấp nhưng cái khó là cơ chế. Các thủ tục, cơ chế của ta chặt chẽ nhưng theo kiểu máy móc, không áp dụng nhanh được. Đáng ra, đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch trạm dừng nghỉ rồi, chọn hình thức xã hội hóa rồi phải tạo điều kiện hết sức để doanh nghiệp làm nhanh nhất có thể. Bối cảnh hiện nay nhu cầu cấp thiết, Bộ GTVT nên rà soát, những tuyến đường nào có thể tận dụng mặt bằng thì mở nhanh các trạm dừng tạm để giải quyết nhu cầu cho người dân.

Có thể bạn quan tâm

Tại Quyết định này, UBND tỉnh công bố 15 thủ tục hành chính mới và 22 thủ tục bãi bỏ trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh.

Công bố 15 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực hoạt động xây dựng

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Quyết định số 40/QĐ-UBND công bố 15 thủ tục hành chính mới và bãi bỏ 22 thủ tục trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.