Hệ lụy khó lường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ba dự án thủy điện bậc thang Đắk R’lấp 1, Đắk R’lấp 2, Đắk R’lấp 3 trên sông Đồng Nai được Bộ Công Thương đưa vào Quy hoạch Điện VIII khiến nhiều người lo ngại hàng trăm hecta vùng lõi Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên sẽ biến mất.

Theo hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch của Công ty CP Đầu tư - Phát triển năng lượng sạch Tây Nguyên (doanh nghiệp đề xuất), vị trí 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 nằm chủ yếu trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng VQG Cát Tiên (tả ngạn sông Đồng Nai, thuộc tỉnh Lâm Đồng) và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên (hữu ngạn sông Đồng Nai, thuộc tỉnh Đắk Nông), chỉ một phần nhỏ ở tỉnh Bình Phước nhưng cũng là đất rừng.

Chưa có số liệu chính thức bao nhiêu hecta rừng sẽ bị ảnh hưởng nếu triển khai 3 dự án thủy điện này. Theo hồ sơ đề xuất của doanh nghiệp đề xuất, diện tích chiếm đất của 3 dự án là 197 ha, trong đó có đến 145 ha rừng. Song, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xác định diện tích chiếm đất của 3 dự án này còn lớn hơn nhiều, ít nhất phải 464 ha.

Vị trí 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 nằm trong khu vực 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trước đây - đã bị đưa ra khỏi Quy hoạch Điện VII năm 2013 vì nguyên nhân chính là chiếm hơn 327 ha rừng, trong đó có 128 ha vùng lõi VQG Cát Tiên. Nếu triển khai 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 thì diện tích rừng bị mất sẽ không kém so với 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Khu vực rừng nằm trong 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 có hệ sinh thái phong phú với nhiều loại cây gỗ quý hiếm và động vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Nếu triển khai 3 dự án thủy điện này, không chỉ hàng trăm hecta rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sẽ biến mất mà ngôi nhà chung của nhiều loài động vật quý hiếm cũng bị xâm hại; hệ sinh thái VQG Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chưa kể, việc xẻ rừng, mở đường để đưa thiết bị, máy móc vào xây dựng thủy điện sẽ tạo điều kiện để lâm tặc lợi dụng vào sâu trong lõi rừng khai thác lâm sản trái phép. Khi đó, lực lượng kiểm lâm cũng khó giữ được toàn vẹn diện tích rừng còn lại.

Lâm Đồng, Đắk Nông vừa phải hứng chịu những vụ sạt lở đất nghiêm trọng, lấy đi sinh mạng nhiều người. Không đổ lỗi hoàn toàn nhưng không thể không nghĩ đến những vụ sạt lở ấy liên quan đến việc mất rừng. Các địa phương hẳn không muốn chứng kiến thêm thảm cảnh ấy nếu phải đánh đổi nhiều diện tích rừng cho phát triển thủy điện.

Sông Đồng Nai là nguồn cung cấp nước chính để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, phục vụ sinh hoạt của người dân trong lưu vực và các vùng liên quan. Việc tăng thêm 3 thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng nguồn nước đối với các khu vực này.

Bảy năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã có lệnh đóng cửa rừng. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trong khu vực 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác, kể cả dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ dự án phục vụ quốc phòng - an ninh quan trọng. Ba dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 hẳn không phải vì mục đích quốc phòng - an ninh gì quan trọng?

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ đúng, hành động đúng

Chia sẻ đúng, hành động đúng

Vào thời điểm này, người dân cả nước đều hướng trái tim về miền Bắc. Mọi người đều mong muốn được chung tay sẻ chia cùng đồng bào đang hoạn nạn, nhưng chúng ta cũng nên hiểu và thực hiện đúng những quy định, nguyên tắc để có thể đảm bảo an toàn.
Trước thảm họa

Trước thảm họa

Làng Nủ-ở nơi rừng sâu, núi thẳm; sau cơn bão trở thành cái tên mang nhiều xót xa với đồng bào cả nước. Thảm họa từ thiên tai luôn là thách thức với nhân loại, nhiều khi nó vượt khỏi tầm dự phòng, quản trị.
Sau bão

Sau bão

Vậy là chiều tối qua, bão số 3 (YAGI) có cường độ mạnh nhất 30 năm trở lại đây đã đổ bộ vào Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh Bắc bộ nước ta.
Ý thức rõ trước thiên tai

Ý thức rõ trước thiên tai

Có thể nói, đến chiều qua, mọi công tác ứng phó với cơn bão số 3 gần như đã hoàn tất. Sự chủ động được phát đi từ trung ương, địa phương và cụ thể từng người dân trong vùng bị ảnh hưởng.