Người “thắp lửa” thể thao học đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là vận động viên (VĐV) điền kinh quốc gia, do chấn thương nên sớm phải giã từ đường chạy, anh Nguyễn Trường Phong vẫn quyết tâm theo đuổi niềm đam mê với thể thao. Để rồi, sau đó, anh bén duyên với nghề giáo và trở thành người “thắp lửa”, đưa phong trào thể thao học đường phát triển lên một tầm cao mới.

Anh Nguyễn Trường Phong hiện là Tổ trưởng Tổ Thể dục-Giáo dục quốc phòng của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku). Dù đã nhiều lần gặp gỡ và làm việc, song đây là lần đầu tiên, anh chia sẻ cùng tôi về cuộc đời cùng lý tưởng “xem thể thao là lẽ sống” của mình. Và, trên hành trình theo đuổi mục tiêu ấy, dẫu lúc đứng trên đỉnh vinh quang hay khi rơi tận đáy vực thẳm, anh vẫn cho thấy sự kiên định đầy bản lĩnh với đam mê.

Hành trình trở thành VĐV quốc gia

Ngay từ nhỏ, anh Phong đã có niềm đam mê đặc biệt với các môn thể thao. Bất kỳ phong trào thể dục thể thao nào dành cho học sinh, anh đều xung phong tham gia. Anh gần như “ôm sô” tất cả từ bóng đá, bóng chuyền, cầu lông đến điền kinh, võ thuật và đều cho thấy khả năng vượt trội của bản thân. Những năm học THCS, anh bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở những giải đấu ngoài phạm vi nhà trường và có cơ hội được cọ xát, giao lưu cùng các VĐV chuyên nghiệp trong tỉnh.

Niềm đam mê với thể thao trong anh, nhất là môn điền kinh lớn dần theo thời gian. Và rồi, với những thành tích nổi bật, anh nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của các nhà quản lý ngành, địa phương. Năm 1998, khi đang học lớp 11 và là VĐV điền kinh của tỉnh, anh được trưng tập vào đội tuyển quốc gia, tập trung huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Đà Nẵng.

Thầy Nguyễn Trường Phong (thứ 4 từ trái sang) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022). Ảnh: M.T

Thầy Nguyễn Trường Phong (thứ 4 từ trái sang) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022). Ảnh: M.T

“Lúc đó, tôi vô cùng vui sướng. Đây chính là cơ hội tốt để tôi tiếp tục theo đuổi đam mê trong màu cờ sắc áo của quốc gia. Thời gian ở Trung tâm, tôi và các VĐV hăng say tập luyện, tham gia thi đấu và đạt nhiều huy chương tại các giải vô địch quốc gia, giải quốc tế mở rộng, giải việt dã lớn trong nước… Tôi từng giành ngôi vô địch quốc gia ở cự ly 3.000 m vượt chướng ngại vật và duy trì thành tích này suốt nhiều năm liền; đồng thời, từng đạt kỷ lục quốc gia ở nội dung này với thời gian 9 phút 48 giây”-anh Phong tự hào nói.

Năm 2002, khi đang ở vị trí đỉnh cao của một VĐV quốc gia trong độ tuổi sung sức nhất, Nguyễn Trường Phong đành phải ngậm ngùi dừng bước vì chấn thương gót chân. Trước đó, những cơn đau kéo dài kèm theo co rút cơ bắp khiến chân anh không thể vận động linh hoạt. Mặc dù đã được các bác sĩ tận tình điều trị, song tình trạng bệnh không mấy chuyển biến. Tại giải vô địch quốc gia năm ấy, anh Phong từ hạng nhất rớt xuống hạng tư; cơ hội tham gia thi đấu ở SEA Games 22 cũng vụt mất.

“Lúc đó, tôi chỉ biết lặng lẽ khóc. Là một VĐV, ai cũng mong ước một lần trong đời được thi đấu tại SEA Games và tôi cũng không ngoại lệ. Vậy mà…”-anh Phong bỏ lửng lời tâm sự. Nhìn anh, tôi nhận thấy sự tiếc nuối hiện rõ trên gương mặt dẫu hơn 20 năm đã trôi qua.

Bén duyên với nghề giáo

Không thể tiếp tục thi đấu cho đội tuyển quốc gia, anh Phong trở về địa phương. Trong quá trình điều trị chấn thương, anh không ngừng suy nghĩ về việc tiếp tục gắn bó với thể thao bằng một hình thức khác. Rồi anh chợt nhớ đến Trường Đại học Thể dục-Thể thao I ở Bắc Ninh (nay là Trường Đại học Thể dục-Thể thao Bắc Ninh) mà mình từng được tuyển thẳng vào năm 1998. Vậy là, anh quyết định đăng ký theo học chuyên ngành Giáo dục thể chất. Khi Trường Đại học Thể dục-Thể thao III mở tại Đà Nẵng (nay là Đại học Thể dục-Thể thao Đà Nẵng), anh xin chuyển hồ sơ về học tập tại đây.

Thầy Nguyễn Trường Phong luôn sát cánh cùng đội tuyển học sinh của trường trong các giải thể thao. Ảnh: L.V.N

Thầy Nguyễn Trường Phong luôn sát cánh cùng đội tuyển học sinh của trường trong các giải thể thao. Ảnh: L.V.N

Năm 2006, anh tốt nghiệp, tiếp tục học thêm song song 2 chứng chỉ nghiệp vụ về sư phạm và quản lý nhà nước. Sau đó, anh trở về Gia Lai, nuôi hy vọng được tham gia huấn luyện điền kinh tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Thế nhưng, cơ hội chưa mỉm cười với anh, bởi chỉ tiêu biên chế dành cho huấn luyện viên khi đó không có.

“Giữa lúc đang hoang mang thì tôi hay tin ngành Giáo dục tỉnh thông báo tuyển dụng giáo viên Thể dục cho các trường THPT nên đăng ký. Số lượng ngành cần tuyển lúc bấy giờ tới 45 chỉ tiêu nhưng chỉ có 13 hồ sơ. Trúng tuyển, tôi đã chọn Trường THPT Nguyễn Chí Thanh-ngôi trường ven đô Pleiku vừa thành lập được 3 tháng để gắn bó”-thầy Phong kể.

“Thắp lửa” đam mê thể thao cho học trò

Bằng tình yêu và kinh nghiệm sẵn có của một VĐV quốc gia, thầy Phong bắt đầu xây dựng phong trào thể thao học đường từ chính ngôi trường mình đang công tác. Vừa dạy thể dục, anh vừa tuyển chọn những học sinh có năng khiếu về điền kinh để tập trung bồi dưỡng, huấn luyện, gầy dựng đội tuyển đi tham gia các giải đấu như: Giải Việt dã Báo Gia Lai mở rộng, Giải Việt dã truyền thống Kpă Klơng (TP. Pleiku)… Từ một vài tấm huy chương cá nhân sau mấy kỳ tham dự, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đã dần vươn lên “thống trị” ở các giải toàn đoàn.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2013, thầy Phong còn góp phần tạo ra bước ngoặt lớn cho phong trào thể thao thành tích cao của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, đưa đơn vị từng bước trở thành điểm sáng của tỉnh ở lĩnh vực này. Thầy Phong nhớ lại: “Tôi đã tham mưu Ban Giám hiệu nhà trường đầu tư nguồn lực để phát triển các môn thể thao dân tộc như: kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, chạy cà kheo, đưa chúng trở thành thế mạnh của trường. Lúc bấy giờ, trong nội bộ cũng có nhiều người không tán đồng vì cho rằng điều này bất khả thi. Thế nhưng, thầy Hiệu trưởng đương nhiệm đã cho tôi sự tin tưởng, ủng hộ và đồng hành cùng tôi hiện thực hóa giấc mơ thể dục thể thao thành tích cao của trường. Mặt khác, tôi còn nhận được nhiều sự động viên, giúp đỡ từ phía Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT)”.

Nhiều năm qua, học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh luôn đạt được nhiều thành tích cao khi tham gia các giải thi đấu thể thao trong tỉnh và cấp quốc gia. Ảnh: Mộc Trà

Nhiều năm qua, học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh luôn đạt được nhiều thành tích cao khi tham gia các giải thi đấu thể thao trong tỉnh và cấp quốc gia. Ảnh: Mộc Trà

Cô Phạm Thị Diêu-Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh: Thầy Nguyễn Trường Phong có năng lực chuyên môn vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt huyết với công việc và luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Thầy góp công rất lớn trong việc xây dựng, huấn luyện, điều hành, đưa ra các giải pháp phù hợp để thúc đẩy phong trào thể dục thể thao của trường đi lên và có vị thế nhất định trong tỉnh. Với những đóng góp của mình, thầy Phong nhiều lần được các cấp, ngành ghi nhận, tuyên dương. Mới đây, ngành GD-ĐT tỉnh làm hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba cho thầy trong năm học 2022-2023.

Tiếp nối câu chuyện của thầy Phong, tôi tìm đến ông Lê Vĩnh Lợi-chuyên viên Văn phòng Sở GD-ĐT. Ông Lợi cho hay: “Tôi biết thầy Phong từ năm 2008. Hồi đó, thầy được Giám đốc Sở GD-ĐT cử phụ trách môn điền kinh của đoàn Gia Lai tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc khu vực IV tại tỉnh Khánh Hòa. Tôi ấn tượng vì thầy luôn chân thật, năng nổ và nhiệt tình trong công việc, vì vậy, sẵn sàng định hướng cho thầy trong phát triển phong trào thể thao của nhà trường. Sau khi phân tích khả năng của học sinh và giáo viên, tôi tham vấn cho thầy tập trung đầu tư các môn thể thao dân tộc kể trên và giới thiệu những người có chuyên môn về hỗ trợ”.

Cũng theo ông Lợi, thầy Nguyễn Thanh Huê-Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh lúc đó gợi ý cho thầy Phong đề xuất mua sắm nỏ, tên và dây kéo co… để tham gia Đại hội Thể dục thể thao ngành Giáo dục lần thứ VII-2013, rằng: “Nếu học sinh, giáo viên của trường đạt được dưới 3 huy chương vàng (HCV) thì thầy Phong trả tiền; 3 HCV trở lên thì nhà trường trả 1/2 số tiền; 6 HCV trở lên, nhà trường sẽ trả toàn bộ số tiền mua sắm thiết bị”.

Và với tinh thần quyết tâm cao, năm ấy, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh giành 26 HCV, 6 huy chương bạc, 12 huy chương đồng và giành luôn vị trí nhất toàn đoàn. Trong đó, bắn nỏ sở hữu 8 HCV, đẩy gậy 5 HCV và kéo co 1 HCV. Liên tục những năm tiếp theo, nhà trường đều đạt thứ hạng cao. Thầy Phong và học sinh của trường cũng được các sở, ngành liên quan của tỉnh tin tưởng chọn huấn luyện, cử đại diện tham gia nhiều giải đấu cấp ngành, quốc gia. Hiện nay, thầy đang cùng học sinh tăng cường tập luyện để chuẩn bị tham gia thi đấu tại Giải Vô địch trẻ kéo co và đẩy gậy Quốc gia lần thứ nhất dự kiến diễn ra tại Hải Phòng vào tháng 7 này.

Đáng chú ý, từ sự dìu dắt của thầy Phong, nhiều học sinh của trường đã được trưng tập vào đội tuyển quốc gia môn điền kinh và gặt hái được những thành công nhất định. Em Hà Quang Thắng-cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh-chia sẻ: “Tháng 10-2022, em được gọi vào đội tuyển điền kinh quốc gia và chuyển ra Đà Nẵng vừa học văn hóa vừa tập luyện. Mặc dù từng đạt nhiều thành tích ở bộ môn chạy, song khi vào học tại trường, em đã được thầy Phong tận tình chỉ bảo, hướng dẫn về kỹ thuật, giúp em có cơ hội trở thành một VĐV quốc gia như hiện nay”.

Bằng sự tận tâm với nghề, thầy Phong luôn được đồng nghiệp và học sinh trân quý. Anh cũng từng nhận không ít lời mời về huấn luyện, giảng dạy với đãi ngộ cao nhưng luôn từ chối ngay. “Trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho tôi nhiều thứ, nơi giúp tôi đứng dậy một lần nữa và thành công “thắp lửa” đam mê thể thao cho bao thế hệ học sinh thân yêu. Vậy nên, chưa bao giờ tôi có ý định rời xa”-anh kiên định.

Giờ đây, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đã trở thành ngôi trường điển hình về phong trào thể dục thể thao của tỉnh. Thành quả đó là công sức của cả tập thể, với sự đóng góp không nhỏ từ thầy Nguyễn Trường Phong.

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Nữ anh hùng ở ngôi làng anh hùng

Nữ anh hùng ở ngôi làng anh hùng

Ngôi làng ấy trải qua những năm tháng đau thương và hào hùng của chiến tranh, ngôi làng ấy cũng sinh ra người nữ anh hùng đặc biệt. Mấy mươi năm ngày đất nước thống nhất, làng anh hùng đã thay da đổi thịt, và người nữ anh hùng cũng đã bạc trắng mái đầu.

Đổi thay trên quê hương Anh hùng A Sanh

Đổi thay trên quê hương Anh hùng A Sanh

(GLO)- Phát huy truyền thống quê hương Anh hùng A Sanh, những năm qua, người dân làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động trong lao động sản xuất, trở thành điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Ký ức tháng ba

Ký ức tháng ba

(GLO)- Một ngày mùa khô cuối tháng 3-1975, ông Ksor Doen lần đầu tiên trở về làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) sau hơn 2 năm xa nhà. Quê nhà hiện ra sau cây hoa pơ lang còn sót lại vài bông cuối mùa khiến người lính đang ngây ngất trong niềm vui chiến thắng càng bồn chồn bước chân.