Chuyến tác nghiệp đáng nhớ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
“Cuối năm rồi, anh em mình làm chuyến tổng kết chứ” – anh đồng nghiệp hướng ánh mắt đầy hào hứng về tôi. Vậy là, sau lời “rủ rê” ấy, ngay ngày hôm sau, chúng tôi vượt gần trăm cây số đến với dãy núi Ngọc Ruông (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) để hoàn thành đề tài ấp ủ.

Bây giờ nghĩ lại, có lẽ đây là một trong những lần tác nghiệp rất đáng nhớ của tôi khi mới bước chân vào nghề báo.

Vừa đi, chúng tôi vừa rủ rỉ trò chuyện. Tôi bộc bạch nói lên suy nghĩ của mình với anh đồng nghiệp: Những ngày cận Tết này, ai ai cũng bận rộn việc nhà. Chắc mỗi anh em mình là ngược về vùng sâu, vùng xa để tác nghiệp anh nhỉ?

- “Cái nghề làm báo nó là như thế mà em! Có đi, có trải nghiệm mới tạo ra được nhiều tác phẩm mà mình tâm đắc. Ít bữa nữa nghỉ Tết, không đi được, đến lúc “cuồng chân” thì lại buồn” – anh đồng nghiệp vui vẻ giải thích.

Hành trình phóng viên tác nghiệp tại dãy núi Ngọc Ruông. Ảnh: T.T

Hành trình phóng viên tác nghiệp tại dãy núi Ngọc Ruông. Ảnh: T.T

Xã Đăk Tăng chào đón chúng tôi bằng một trận mưa như trút. Chiếc áo mưa duy nhất trên xe đã được chúng tôi sử dụng để choàng lên túi ba lô đựng đồ nghề, máy móc nhằm tránh hư hại, ẩm ướt. Trong cái tiết trời lạnh thấu xương của vùng đất Kon Plông, chúng tôi ai nấy đều ướt như chuột. Những cơn gió như cắt da cắt thịt thổi ngày càng mạnh.

Chúng tôi ghé vào dưới gầm nhà sàn của một nhà dân tại làng Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng) trú mưa. Rũ chiếc áo đã thấm đẫm nước mưa, anh đồng nghiệp cười khổ: Thế này thì không ổn thật rồi! Cách duy nhất là chờ cho đến khi mưa tạnh, rồi mới có thể tác nghiệp. Có khả năng là chuyến đi này trở thành công cốc mất!

Khoảng 30 phút sau, anh A Nam – người được chúng tôi hẹn trước để dẫn lên dãy núi Ngọc Ruông đã đến. Tuy nhiên, tiết trời ẩm ương, cơn mưa chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Tại sao trong thời gian chờ đợi, chúng ta không viết một đề tài khác về làng Vi Rơ Ngheo nhỉ? Theo anh được biết, làng Vi Rơ Ngheo là một trong những làng du lịch nổi tiếng của huyện Kon Plông. Không chỉ nằm giữa cánh rừng bạt ngàn, mà ngôi làng còn mang đặc trưng của không gian hoa lan và kiến trúc nhà sàn đặc trưng văn hóa Xơ Đăng” – anh đồng nghiệp đề nghị.

Vậy là “cái khó” đã ló “cái khôn”. Nói là làm. Chúng tôi bắt đầu phân chia nhiệm vụ. Anh đồng nghiệp nhận trách nhiệm là người lấy hình ảnh về những nét chấm phá, nổi bật của ngôi làng. Trong khi đó, tôi nhận trách nhiệm phỏng vấn bà con, du khách về cảm nhận của mọi người và số liệu chung về làng Vi Rơ Ngheo. Say sưa tác nghiệp, chẳng mấy chốc đã đến trưa. Quần áo đã khô hẳn. Điều quan trọng nhất, là chúng tôi đã hoàn thành công việc mà mình đề ra.

Tại ngôi nhà của anh A Nam, trong khi đang hớp ngụm chè đặc cho nóng người, tôi nhận được lời khuyên của anh đồng nghiệp: Trong quá trình tác nghiệp, không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Chính vì vậy phóng viên luôn phải nhanh nhạy, uyển chuyển để tìm ra được hướng giải quyết, sao cho phù hợp với không gian, bối cảnh. Để làm được điều này, bản thân phóng viên phải tự trang bị những kỹ năng cứng, kỹ năng mềm cần thiết và vốn kiến thức cơ bản. Đây cũng là bài học mà anh được dạy bởi những người đi trước khi mới chập chững vào nghề.

Nghề báo và những chuyến đi. Ảnh: TT

Nghề báo và những chuyến đi. Ảnh: TT

Đầu giờ chiều, trời hửng nắng, hành trình đến với dãy núi Ngọc Ruông của chúng tôi lại có thể tiếp tục. Quãng đường leo lên dãy núi Ngọc Ruông đòi hỏi chúng tôi cần có sức khỏe tốt và tinh thần quyết tâm cao. Mang trong mình dáng vẻ nguyên sinh, đường đi lên dãy núi Ngọc Ruông hầu như không bị con người tác động nhiều. Chúng tôi phải vượt bụi rậm, len lỏi qua những gốc cây, cheo leo trên những tảng đá lớn. Sau cơn mưa lớn sáng nay, con đường lại càng trở nên trơn trượt, khiến việc di chuyển khó khăn hơn gấp bội.

Nghỉ chân bên một tảng đá ven rừng, tôi bỗng cảm thấy ống quần của mình có cảm giác ướt ướt. Nhìn xuống, tôi không khỏi giật mình, khi thấy máu đã thấm đỏ một bên. Cũng để ý thấy điều này, anh A Nam nhanh chóng giải thích: Vắt đấy! Sau cơn mưa, vắt rừng nhiều lắm. Chúng tôi đi rừng cũng bị nhiều rồi. Em thử kiểm tra xem còn con nào nữa không?

Không ngoài dự đoán của anh A Nam, ngay khi tôi kéo ống quần bên kia lên, có đến 2 con vắt. Anh A Nam nhanh chóng đến gần, lấy ít muối đã chuẩn bị sẵn xoa vào chỗ con vắt. Chẳng mấy chốc con vắt co rúm mình lại và nhả ra. “Bà con đi rừng hay mang theo muối lắm. Không những loại bỏ được con vắt, muối còn giúp sát trùng tại chỗ vết thương” – anh A Nam giải thích.

Dưới sự hướng dẫn của anh A Nam, sau khoảng 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã leo lên tới đỉnh của dãy núi Ngọc Ruông. Tôi và anh đồng nghiệp đều thở không ra hơi. Dù mệt, nhưng chúng tôi rất vui và hào hứng vì đã hoàn thành vượt mức kế hoạch ngoài dự kiến ban đầu.

Hơn 6 giờ tối, chúng tôi kết thúc chuyến tác nghiệp của mình. Sau lời cảm ơn tới anh A Nam, tôi và người anh đồng nghiệp trở về làng Vi Rơ Ngheo để nghỉ lại qua đêm chờ sáng hôm sau mới trở về nhà. Trong tiết trời buốt giá, ngồi sưởi ấm bên gian bếp lửa dưới nếp nhà sàn của người Xơ Đăng, tôi bỗng có một cảm giác lâng lâng đến lạ thường. Điều này khiến tôi không khỏi tự nhủ với bản thân mình: Nghề báo, quả thật mang lại nhiều trải nghiệm thú vị!

Có thể bạn quan tâm

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.