Lương y trên rẻo cao Tây Bắc: Bác sĩ trẻ ngược núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Rời nơi thủ đô phồn hoa phố thị, bác sĩ trẻ tuổi đôi mươi Nguyễn Tiến Tùng đã tình nguyện ngược núi, lên công tác tại một bệnh viện tuyến huyện nơi miền Tây Bắc.
Bác sĩ trẻ Nguyễn Tiến Tùng khám bệnh cho bà con huyện vùng cao Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Khánh Linh

Bác sĩ trẻ Nguyễn Tiến Tùng khám bệnh cho bà con huyện vùng cao Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Khánh Linh

Rời phố lên non

Một ngày giữa tháng 4, trong chuyến công tác về huyện vùng cao, lòng hồ Mường La, tỉnh Sơn La, tôi (PV) đã có cơ hội gặp gỡ bác sĩ Nguyễn Tiến Tùng (SN 1993) hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La. Bác sĩ Tùng là một trong những bác sĩ thuộc Đề án 585 (Dự án "Bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn" của Bộ Y tế).

Khi tôi vừa đến cũng là lúc bác sĩ Tùng đang thăm khám cho bệnh nhân tại khoa Nội. 3 năm sống trên núi, với bà con nơi đây đã coi bác sĩ Tùng như con cháu trong nhà và là chỗ dựa vững chắc mỗi khi trái gió, trở trời.

Trò chuyện với PV, bác sĩ Tiến Tùng chia sẻ: "Tháng 5.2020 mình chính thức nhận quyết định lên công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Mường La. Nhưng thực tế, mình đã lên trước 2 tháng. Khi đăng ký tham gia đề án này, cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ đơn giản rằng mình còn trẻ, thời gian 3 năm không phải là dài nhưng cũng không quá ngắn, đủ để mình có thể làm gì đó cho cho miền Tây Bắc".

Bác sĩ trẻ Nguyễn Tiến Tùng trong ngày nhận quyết định lên Mường La. Ảnh: NVCC

Bác sĩ trẻ Nguyễn Tiến Tùng trong ngày nhận quyết định lên Mường La. Ảnh: NVCC

Sau khi chọn Mường La làm điểm dừng chân, đang công tác tại một bệnh viện lớn, những thiếu thốn, vất vả ở một cơ sở y tế tuyến huyện và tập quán của bà con đã khiến bác sĩ tuổi đôi mươi không khỏi bối rối.

"Bà con đến khám bệnh có nhiều người già không biết nói tiếng phổ thông, mình hoang mang lắm! Đi khám bệnh phải "dắt" theo một điều dưỡng để phiên dịch.

Bây giờ, nói thì chưa nói được nhiều nhưng nếu bà con miêu tả tình trạng bệnh là nghe, hiểu được hết rồi" - bác sĩ Tùng nói với giọng đầy tự hào như để khoe một "chiến tích".

Hết mình nơi tâm dịch

"Nói về kỷ niệm trong hành trình lên vùng cao của mình thì chỉ gói gọn trong một chữ thôi, COVID-19!

Tháng 3.2020 là thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19 của cả nước. Ngay khi lên Mường La, mình đã bắt tay vào ngay những việc như tiêm chủng, cấp cứu người bệnh đến điều trị COVID-19. Nhưng nhớ nhất vẫn là 50 ngày đêm tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh" - bác sĩ Tùng kể khi được PV hỏi về ấn tượng trong thời gian 3 năm nơi miền sơn cước.

Đoàn cán bộ y tế tỉnh Sơn La hỗ trợ phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Đoàn cán bộ y tế tỉnh Sơn La hỗ trợ phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Tháng 8.2021, 30 cán bộ y tế của tỉnh Sơn La lên đường vào tâm dịch. Nơi công tác là Bệnh viện tầng 2, thuộc Bệnh viện dã chiến số 12, nằm tại TP Thủ Đức. Khi ấy, anh là phó đoàn công tác và là cán bộ duy nhất không phải người Sơn La.

“Trước khi đi, các y bác sĩ đã cơ bản nắm qua tình hình dịch bệnh ở đó, nhưng thực sự, vào đến nơi mới thấy rõ sự khốc liệt và xót xa" - vừa nói, anh vừa đưa ánh nhìn xa xăm như đang nhớ lại ký ức những ngày trong tâm dịch.

Vẻ nhộn nhịp của chốn Sài thành đã biến mất, thay vào đó là rào chắn khắp các ngõ, ngách. Tiếng còi xe cấp cứu cả ngày lẫn đêm, những chiếc container chở thi thể đến khu vực hỏa thiêu.

"Nói không lo, không sợ thì cũng không đúng! Ở đó, rất nhiều bệnh nhân mà người thân đã mất hết, khiến họ suy sụp cả về sức khỏe và tinh thần. Ngay trong chính Bệnh viện mình làm việc, đã có 2 trường hợp tự tử. Ở các bệnh viện khác cũng có rất nhiều trường hợp như vậy.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Tùng. Ảnh: NVCC

Bác sĩ Nguyễn Tiến Tùng. Ảnh: NVCC

Có những ngày khi đưa bệnh nhân lên Bệnh viện tầng 3, sau khi họ tử vong, hỗ trợ đưa thi thể vào nhà xác, anh em về ám ảnh, không ăn không ngủ được mấy ngày liền" - bác sĩ Tùng bộc bạch.

100 cán bộ y tế chịu trách nhiệm cấp cứu và điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân như một đơn vị y tế độc lập, trong đó chỉ có 10 bác sĩ. Áp lực công việc, ám ảnh trước sự khốc liệt nơi tâm dịch, nhưng anh Tùng cùng các bác sĩ vẫn từng phút, từng giây nỗ lực giữ lại nhịp thở, sự sống cho bệnh nhân.

"Những lúc đó, điều duy nhất các y, bác sĩ có thể làm là thay phiên nhau nghỉ ngơi để có sức làm tiếp vì chúng tôi biết còn rất nhiều bệnh nhân cần được điều trị. Món quà lớn nhất với chúng tôi là bệnh nhân qua cơn nguy kịch, dần hồi phục và được xuất viện. Có những bệnh nhân đến tận bây giờ vẫn nhắn tin cảm ơn, chúc mừng bác sĩ những ngày lễ, Tết" - anh Tùng phấn khởi nói.

Những ngày trong tâm dịch. Ảnh: NVCC

Những ngày trong tâm dịch. Ảnh: NVCC

Trao đổi với PV, bác sĩ Tòng Văn Tỉnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mường La cho biết: "Trở về từ tâm dịch, 4 tháng cuối năm 2021, dịch bệnh Mường La bắt đầu bùng phát. Ngày cao điểm phát hiện hàng trăm ca bệnh. Lúc đó, bác sĩ Tùng lại phải cùng những cán bộ y tế Mường La gồng mình chống dịch".

“Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, bác sĩ Nguyễn Tiến Tùng sẽ hoàn thành nhiệm vụ ở Mường La. Chúng tôi hy vọng rằng thời gian tới, dù không còn công tác tại đây, nhưng bác sĩ Tùng vẫn thường xuyên hỗ trợ, chia sẻ, trao đổi kiến thức kinh nghiệm y khoa để chăm sóc sức khoẻ cho bà con vùng cao” - lãnh đạo bệnh viện nói thêm.

Rời Mường La khi ánh hoàng hôn soi bóng dưới dòng Đà Giang cuồn cuộn chảy, thứ tôi ấn tượng hơn cả là lời hứa chắc nịch của vị bác sĩ trẻ - "Mình sẽ trở về xuôi vào tháng 5 tới đây, nhưng hành trình với Tây Bắc thì vẫn còn rất dài. Mình cùng một vài người bạn đã có kế hoạch thiện nguyện chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao, chắc chắn sẽ được triển khai sớm thôi".

Có thể bạn quan tâm

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Với tính đặc thù và sự khan hiếm nên giá ươi luôn 'nhảy múa' theo mùa vụ. Giá cao khiến ngày càng đông người vào rừng săn ươi, dẫn đến tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt, đốn hạ cây ươi để lấy quả, ảnh hưởng nghiêm trọng công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên ở H.Bù Đăng (Bình Phước).
Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Cứ mỗi độ vào mùa, người dân lại đổ xô vào rừng săn lùng quả ươi. Để xí phần, nhóm người săn ươi đánh dấu bằng cách dùng dao, rựa chặt vạt tạo vết trên thân cây hoặc xịt sơn làm ký hiệu; và hầu hết cây ươi bị đánh dấu này đều chung số phận bị chặt hạ, tỉa cành để khai thác ươi.
'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.