Ia Pa vươn lên từ gian khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đang ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Kế thừa những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và người dân Ia Pa quyết tâm phấn đấu xây dựng huyện nhà phát triển nhanh và bền vững.

Từng ngày khởi sắc

Huyện Ia Pa được thành lập trên cơ sở chia tách huyện Ayun Pa (cũ) theo Nghị định số 104/2002/NĐ-CP ngày 18-12-2002 của Chính phủ. Khi mới thành lập, toàn huyện có 9 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 7 xã đặc biệt khó khăn, dân số 41.484 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70,97%; điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội còn thiếu thốn, vốn đầu tư vào địa bàn huyện hạn hẹp, dịch vụ thương mại còn nhỏ lẻ, manh mún. Song, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị, tinh thần chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, đến nay, diện mạo huyện Ia Pa đã có nhiều khởi sắc.

Kết quả nổi bật sau 20 năm hình thành và phát triển là tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, bình quân đạt trên 11%/năm. Tổng giá trị sản xuất năm 2022 đạt 3.919 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với năm 2003. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng các ngành nông-lâm nghiệp, tăng dần các ngành công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 đạt 33 tỷ đồng, gấp 35 lần so với năm 2003.

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, nông nghiệp được coi là thế mạnh của huyện. Ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Những năm qua, huyện triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu; tập trung xây dựng mô hình, dự án nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; liên kết với các doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm cho người dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Tổng diện tích gieo trồng năm 2022 đạt 35.920 ha, tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 71.149 tấn, gấp 2,5 lần so với năm 2003. Đã hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu như mía, thuốc lá, mì gắn với việc sơ chế tại chỗ, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Khu tái định cư làng Blôm (xã Kim Tân) được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Đ.T

Khu tái định cư làng Blôm (xã Kim Tân) được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Đ.T

Đến nay, huyện đã có 2 xã Ia Ma Rơn và Ia Tul đạt nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm của huyện giảm 4-5%, từ 51,15% năm 2010 giảm còn 17,67% năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người từ 2,6 triệu đồng năm 2003 tăng lên 40 triệu đồng năm 2022.

Ông Nay Khúy-Trưởng thôn Jứ (xã Ia Broăi) phấn khởi chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, gần 100 hộ dân vùng “rốn lũ” của thôn đã được chuyển đến khu tái định cư. Điện-đường-trường-trạm được đầu tư bài bản, kiên cố. Bà con vui mừng, yên tâm lao động sản xuất”.

Quyết tâm xây dựng huyện nhà giàu mạnh

Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Văn Trường cho rằng: Mặc dù đạt được thành tích rất đáng tự hào, tuy nhiên, Ia Pa vẫn còn nhiều tồn tại và khó khăn phía trước. Thời gian tới, huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong từng ngành, từng lĩnh vực để nền kinh tế huyện phát triển nhanh và bền vững.

Trong đó, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ khu vực trung tâm huyện. Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, chợ, trường học, khu vui chơi, giải trí nhằm thu hút dân cư để sớm đủ điều kiện thành lập thị trấn Ia Pa. Tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các nguồn lực bên ngoài để phát triển ngành công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành rà soát, thống kê, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để triển khai Dự án hồ thủy lợi Ia Thul đảm bảo đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia với những đề án, kế hoạch, lộ trình cụ thể. Trong đó, phấn đấu đến cuối năm 2023 có thêm xã Kim Tân đạt nông thôn mới, đến hết nhiệm kỳ 2020-2025 có 5/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Mỗi năm phấn đấu 9 làng đạt chuẩn nông thôn mới theo Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Người dân Ia Pa tích cực áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Ia Pa tích cực áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động. Ảnh: Vũ Chi

Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong sạch vững mạnh. Xây dựng bộ máy chính quyền các cấp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thực hiện có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội vững mạnh, thực sự trở thành cầu nối vững chắc giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.

“Để làm được điều đó, toàn thể cán bộ, quân và dân các dân tộc huyện nhà phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, đoàn kết, dành tất cả tâm huyết, trí tuệ và công sức phấn đấu vượt qua khó khăn để xây dựng quê hương Ia Pa ổn định và phát triển”-Chủ tịch UBND huyện Ia Pa kỳ vọng.

Có thể bạn quan tâm

Nhớ rận rồng ruộng lúa

Nhớ rận rồng ruộng lúa

(GLO)- Người Bắc từ xa xưa đã có sở thích ăn con cà cuống giống như là việc sử dụng giống thủy sinh chân đốt cua đồng, tôm tép làm món ăn vậy. Mà cà cuống lại được gọi với cái tên rất ảo diệu, là con “rận rồng”.

Trưởng thôn Siu An hết lòng vì việc chung của làng

Trưởng thôn Siu An hết lòng vì việc chung của làng

(GLO)- Nói và làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luôn hết lòng vì việc chung của làng là một trong những yếu tố giúp ông Siu An được người dân làng Xóa (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) tin tưởng bầu làm trưởng thôn, người tuy tín.

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.