Giám sát tình hình triển khai các dự án tại Đức Cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Chiều 14-3, Tổ giám sát số 2 thuộc Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai do bà Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc tại huyện Đức Cơ về chương trình giám sát về tình hình thực hiện và triển khai các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018-2022 theo kế hoạch của HĐND tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc của Tổ giám sát số 2 thuộc Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai. Ảnh: V.T
Quang cảnh buổi làm việc của Tổ giám sát số 2 thuộc Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai.
Ảnh: V.T

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, giai đoạn 2018-2022 đã thu hút được 20 dự án đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh với vốn đăng ký đạt hơn 150 tỷ đồng (chiếm 27,04% tổng vốn đầu tư đăng ký); quyết định chấm dứt hoạt động của 2 dự án. Các nhà đầu tư tại Khu trung tâm Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hoạt động kinh doanh chủ yếu theo mùa vụ nông sản. Như vậy tính đến nay, tại Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có 36 nhà đầu tư thực hiện 40 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 556,6 tỷ đồng (giảm 23,5% so với cùng kỳ năm 2018, lý do Ban Quản lý Khu kinh tế quyết định chấm dứt hoạt động của 2 dự án), vốn đầu tư thực hiện ước đạt 242,8 tỷ đồng (tăng 49,88% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 43,6% tổng vốn đầu tư đăng ký). Các dự án tại đây chủ yếu hoạt động thương mại, dịch vụ, kinh doanh kho bãi phù hợp với khu vực cửa khẩu. Năm 2022, doanh thu thuần của các doanh nghiệp tại Khu trung tâm Khu kinh tế Cửa khẩu đạt hơn 427 tỷ đồng (giảm 67,38% so với năm 2018); kim ngạch xuất-nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đạt 125,76 triệu USD (tăng 39,58% so với cùng kỳ năm 2018); thu ngân sách nhà nước tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đạt 13,63 tỷ đồng (giảm 82,17% so với cùng kỳ năm 2018).

Tổ giám sát số 2 thuộc Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai đi khảo sát thực tế tại Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: V.T
Tổ giám sát số 2 thuộc Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai đi khảo sát thực tế tại Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: V.T

Tại buổi giám sát, lãnh đạo Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và lãnh đạo UBND huyện Đức Cơ đã có những kiến nghị, đề xuất với đoàn giám sát về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hút đầu tư và triển khai dự án. Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có địa hình đồi núi phức tạp nên khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu trung tâm của Khu kinh tế. Hạ tầng giao thông chưa thuận lợi; đối trọng phát triển kinh tế phía các tỉnh lân cận của nước Campuchia còn hạn chế, nên phần nào cũng ảnh hưởng đến hoạt động phát triển thương mại dịch vụ, lưu thông hàng hóa giữa hai cửa khẩu nói riêng và các tỉnh lân cận hai nước nói chung.

Bên cạnh đó, phần lớn các nhà đầu tư đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, nên việc đầu tư vào công nghệ cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất còn hạn chế và hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa có nhiều dự án sản xuất công nghiệp, chế biến sâu. Do ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu, vật tư và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác có xu hướng tăng cao đã làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, logistics làm tăng giá thành sản xuất... nên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế gặp khó khăn. Nhiều dự án sau một thời gian hoạt động đã tạm dừng hoặc sang nhượng, do đó sản lượng hàng hoá trao đổi tại đây ngày càng ít. Công tác giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư còn bất cập nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác thu hút đầu tư.

Kho sơ chế nông sản của Công ty TNHH một thành viên Quang Sáng Đức Cơ. Ảnh: V.T
Kho sơ chế nông sản của Công ty TNHH một thành viên Quang Sáng Đức Cơ. Ảnh: V.T

Ngoài ra, các chính sách, biện pháp tổ chức quản lý phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua còn bất cập, thường xuyên thay đổi; chưa tạo được môi trường đủ sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực trong nước và nước ngoài đầu tư vào khu công nghiệp. Ý thức chấp hành quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, PCCC, đất đai, môi trường của một số nhà đầu tư còn hạn chế, vẫn còn trường hợp lãng phí đất thuê, không đầu tư xây dựng, sản xuất trong thời gian dài nhưng không tự nguyện trả lại đất, chấm dứt hoạt động dự án, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước tại khu công nghiệp, khu kinh tế, trong khi đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế lại không có chức năng, thẩm quyền áp dụng các chế tài xử phạt vi phạm đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Bà Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: V.T
Bà Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: V.T

Sau khi đi khảo sát thực tế và làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút đề nghị huyện phối hợp các sở, ngành, Ban Quản lý Khu Kinh tế tiến hành rà soát những dự án hiệu quả và dự án không hiệu quả, dự án chậm triển khai; đồng thời rà soát lại các đề xuất kiến nghị để sớm triển khai dự án; triển khai các giải pháp trong giải phóng mặt bằng, nhằm tạo nguồn đất sạch để thu hút nhà đầu tư; rà soát lại các dự án đầu tư đang triển khai để cập nhật vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Đề nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và UBND huyện phối hợp chặt chẽ trong triển khai nhiệm vụ, công tác; triển khai nghị quyết của HĐND tỉnh về xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.

VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.