Kbang phát triển du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đang đầu tư phát triển du lịch cộng đồng và du lịch trekking với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Kinh nghiệm cho thấy, những nơi nào còn duy trì được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa, giữ được những nét đặc thù, độc đáo của dân tộc mình thì nơi ấy thu hút được nhiều du khách đến trải nghiệm.

Chúng tôi vừa có chuyến thăm làng Chiêng, thị trấn Kbang. Đây là mô hình làng văn hóa kiểu mẫu của địa phương. Hầu hết người Bahnar vùng này xưa kia thường quen sống bên ven bờ thượng nguồn sông Ba, với những khu rừng nguyên sinh giàu có về sản vật tự nhiên. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các làng nơi đây đã có sự thay đổi khá nhiều, nhất là phải dời làng qua các vùng đất khác nhau để tránh bom đạn và sự truy bức của kẻ thù. Riêng làng Chiêng có nguyên gốc từ một làng trong kháng chiến. Đến nay, làng Chiêng đã chia tách thành 3 làng gồm: làng Chiêng, Chre và làng Hợp. Sau ngày giải phóng, làng Chiêng mới ổn định tại nơi đây, cách trung tâm thị trấn khoảng 5 km về phía Bắc, gần thác Hang Dơi.

Hiện nay, làng Chiêng đã được đầu tư xây dựng đường bê tông, nhiều đoạn đã được xây dựng hệ thống thoát nước kiên cố, có nhà rông văn hóa. Làng có 50 hộ với khoảng 220 khẩu, hầu hết là người Bahnar Tơlô, sống chủ yếu bằng việc canh tác nương rẫy với cây trồng chủ lực là mì, bắp, một số ít gia đình trồng lúa, cà phê, cây ăn quả. Bà con nơi đây còn duy trì kiểu nhà sàn thấp, được làm bằng gỗ và lợp tôn. Làng còn duy trì đội cồng chiêng truyền thống với 2 bộ chiêng, thường tham gia các lễ hội do địa phương tổ chức; trai gái làng còn tiếp nối nghề đan lát, nghề dệt thổ cẩm của cha ông, nhiều người biết làm các loại nhạc cụ dân tộc như đàn goong, t’rưng, k’ni, klông put. Về ẩm thực, ngay đầu làng Chiêng, chị Đinh Thị Cúc đã kịp thời bắt nhịp với xu thế phát triển du lịch địa phương nên đã dành một không gian để tổ chức các gian chòi ăn uống với những món ăn truyền thống như: cơm lam, gà nướng, muối é, rượu cần… kết hợp mở gian hàng bán các loại thổ cẩm, mây tre do chính người dân địa phương sản xuất. Một trong những đặc sản mà người làng Chiêng sở hữu đó là rượu ghè có mùi vị đặc trưng, rất thơm ngon.

Làng Chiêng (thị trấn Kbang) nhìn từ trên cao. Ảnh: Hùng Hoa Lư

Làng Chiêng (thị trấn Kbang) nhìn từ trên cao. Ảnh: Hùng Hoa Lư

Những năm gần đây, du khách thường ghé về thăm Kbang vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán, đặc biệt là dịp tháng ba “mùa con ong đi lấy mật”. Các điểm du lịch nơi đây thu hút được nhiều khách thập phương đến trải nghiệm với các loại hình du lịch như: trekking khám phá thiên nhiên với những cánh rừng già ở Kon Ka Kinh và Kon Chư Răng; hay du lịch cộng đồng, một hình thức du lịch trải nghiệm mới có sự tương tác giữa cộng đồng dân tộc bản địa với du khách nhằm bảo tồn và phát huy các thực thể văn hóa của các dân tộc ở địa phương. Có thể nói, đây là 2 loại hình du lịch thế mạnh mà huyện Kbang đang hướng tới. Nói về du lịch cộng đồng thì Kbang là một trong những địa phương tiên phong và được nhiều làng Bahnar hưởng ứng với nhiều cách làm sáng tạo. Năm 2021, toàn huyện có 4 làng phát triển du lịch cộng đồng gồm: làng Chiêng, làng Mơ Hra-Đáp, làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng) và làng Stơr (xã Tơ Tung). Trong đó, mô hình du lịch cộng đồng ở làng Kgiang do anh Đinh A Ngưi làm chủ đang phát triển tốt, thu hút nhiều đối tượng du khách. Dự kiến, đến năm 2025, huyện sẽ có thêm nhiều làng Bahnar ở các xã Sơn Lang, Krong, Tơ Tung mở loại hình du lịch cộng đồng nhằm khai thác thế mạnh văn hóa đặc sắc của dân tộc Bahnar nơi đây.

Trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng, Kbang là một trong những địa phương đã có nhiều cách làm khá tốt, khơi dậy niềm tự hào và tiềm năng của dân tộc bản địa. Đặc biệt là việc thành lập và phát triển các đội cồng chiêng nữ. Từ đội cồng chiêng nữ ở làng Leng (xã Tơ Tung), Kbang tham gia vào các lễ hội ở cơ sở và biểu diễn phục vụ khách du lịch tại Làng kháng chiến Stơr năm 2014 đến nay đã nhân rộng với hàng chục đội cồng chiêng nữ ở các huyện phía Đông Trường Sơn, đem đến làn gió mới cho việc phát huy trong lĩnh vực văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Cùng với các loại hình du lịch đang được mở rộng trên địa bàn tỉnh, huyện Kbang đang đầu tư cho du lịch cộng đồng và du lịch trekking với tiềm năng, thế mạnh sẵn có là một hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, trước mắt cần phải có đội ngũ những người làm du lịch chuyên nghiệp được đào tạo cơ bản, có hiểu biết về văn hóa dân tộc bản địa; hạ tầng cơ sở cần sự đầu tư có trọng điểm để tạo thuận lợi cho du khách đi lại, ăn ở, thông tin. Đối với loại hình du lịch cộng đồng, cần chú trọng đến không gian văn hóa, đời sống văn hóa của buôn làng, không nên nặng về hình thức biểu diễn, phô trương. Kinh nghiệm cho thấy, những nơi nào còn duy trì được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa, giữ được những nét đặc thù, độc đáo của dân tộc mình thì nơi ấy thu hút được nhiều du khách đến trải nghiệm.

Có thể bạn quan tâm