Những cánh cửa ký ức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 1. Người đàn ông trên đầu đã quá nửa màu tóc bạc bước vào tiệm cơm gà Mỹ Tâm ở ngã ba Diệp Kính (TP. Pleiku). Ông gọi 1 dĩa cơm gà rô ty nhưng không vội ăn mà giơ máy ảnh chụp lại món ăn. Sau đó, ông mới vừa chậm rãi ăn, vừa ý tứ quan sát xung quanh.
Tiệm cơm gà Mỹ Tâm. (Ảnh nguồn internet)
Tiệm cơm gà Mỹ Tâm. (Ảnh nguồn internet)
Ngay từ đầu, tôi đã nghĩ ông không phải thực khách đến ăn cho qua cơn đói, cũng không phải khách du lịch bình thường. Hỏi chuyện, ông cho biết mình vừa từ Mỹ trở về thăm thân. Hơn 40 năm xa quê hương, ông luôn mong một ngày trở về Phố núi để tìm lại những ký ức tuổi trẻ và nhất định phải ăn lại 1 dĩa cơm gà, ở chính tiệm Mỹ Tâm. “Cái ngã ba này không còn như trong ký ức của tôi nữa, nhưng rất may là tiệm cơm gà Mỹ Tâm vẫn ở đó. Tôi có rất nhiều kỷ niệm tuổi trẻ gắn với quán ăn này. Tôi thực sự biết ơn người chủ đã giữ gần như nguyên vẹn mọi thứ như mấy mươi năm trước. Nó rất có ý nghĩa với tôi”-ông nói.
Tôi đã nghe kể và đọc đâu đó không ít lần, nhiều người nhắc đến tiệm cơm gà Mỹ Tâm này như một nơi chốn chứa đầy kỷ niệm, có ý nghĩa đặc biệt trong ký ức của họ. Đó là những người đang ở cách xa Pleiku nửa vòng trái đất hay những người từng ở Phố núi nhưng nay đã chuyển nơi ở khác như bố mẹ tôi. Ngay cả những người đang sống ở Phố núi đây thôi cũng có không ít ký ức gắn liền với tiệm cơm trứ danh một thời này. Thế mới thấy, lắm khi, “đóng đinh” trong ký ức nhiều người lại chẳng phải điều gì lớn lao mà chỉ là một quán ăn nhỏ, nơi âm thầm chứng kiến những biến động của thời cuộc. Năm tháng trôi qua đồng nghĩa quán ăn ấy cũng đong đầy ký ức, để rồi trả lại cho những thực khách vô danh theo những cách riêng. Như người khách từ Mỹ trở về kia, ngay khi vừa nhìn thấy quán cơm gà cũ kỹ vẫn còn hiện diện ở đó, ông đã rất xúc động như thấy lại bao kỷ niệm thân thương một thời.
2. Buổi chiều mưa lạnh, từng nhóm người kéo vào quán cháo vịt bà Thọ (đường Huỳnh Thúc Kháng, TP. Pleiku) càng lúc càng đông. Vẫn những bộ bàn gỗ thấp, thẫm màu thời gian; vẫn người phụ nữ có gương mặt phúc hậu nhưng mỗi ngày mỗi chậm chạp ấy phục vụ, vậy mà với những thực khách lâu năm, cái quán cháo nằm dưới những hàng muồng vàng đã hơn 40 năm này lại là điều khiến họ thích thú. Nó không ầm ĩ kiểu quán nhậu, cũng không sang trọng như nhà hàng mà là sự ấm cúng, gần gũi như bữa chiều đầm ấm bên mâm cơm gia đình. Bà Thọ nay đã ngoài 80 tuổi, là người khá hay chuyện và cởi mở. Bà nói, Thọ là tên chồng bà, nhưng nghiễm nhiên thành tên bà vì đã gắn với “cháo vịt bà Thọ” mấy mươi năm cuộc đời. Ông mất đã vài năm, con cái cũng đã dựng vợ gả chồng yên ổn, nhưng bà vẫn lọ mọ với cái quán ăn có rất nhiều kỷ niệm gia đình này dù không còn khỏe, cũng chẳng còn nặng gánh mưu sinh.
Nhiều người nói rằng, nếu muốn biết những biến động lớn nhỏ nơi này từ trước giải phóng đến giờ chỉ cần đến hỏi bà Thọ. Ai, ở đâu, làm gì, những ngành nghề nào đã ra đời và tàn lụi, những chuyện “lạ” trong đời sống của người nhập cư… đều lưu dấu trong trí nhớ của người phụ nữ này. Bà có cả một kho chuyện được cập nhật mỗi ngày, chất đầy trong trí nhớ. Vậy nên, nhiều khi chẳng cần khách khơi gợi, bà cũng kể hết chuyện nọ đến chuyện kia. Ai hứng thú nghe cũng được, không cũng chẳng sao. Nhiều người khi đi xa lại nhớ da diết quán cháo nhỏ với bàn ghế cũ kỹ, nhớ tiếng kể chuyện đậm chất giọng miền Trung cùng những câu chuyện gắn liền với đời sống của bà.
Cuộc sống vẫn cứ diễn tiến với bao đổi thay. Nhưng nếu thiếu đi những ký ức dù là vụn vặt, người ta hẳn khó sống một cách đủ đầy trong tinh thần. Những ký ức đẹp đẽ lẫn u buồn xuất hiện vào một lúc nào đó không ngờ tới, như khi ăn lại một món ăn cũ, nghe một giọng nói thân quen, thoảng mùi hương thân thuộc cũng có thể làm náo động tâm can. Những quán ăn như cơm gà Mỹ Tâm, cháo vịt bà Thọ bỗng trở thành nơi cất giữ ký ức cho nhiều người, để rồi những cánh cửa ký ức tưởng đóng im lìm bỗng mở toang bất cứ lúc nào.
 MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.