Ngồi nghe mưa khát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, lòng người đang lo toan rất nhiều điều, nhất là nâng cao ý thức để góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh, lại nghe chuyện xâm mặn ở miền Tây. Sóng nước Cửu Long ngày xưa vốn dĩ nổi tiếng màu mỡ phù sa vun đắp đôi bờ, nay cạn khô kiệt nước. Bỗng thèm những cơn mưa xanh rào tuổi thơ ngày xa xưa quay quắt.

Từ trong the thắt mong chờ, một chiều thị thành hối hả, mưa đầu mùa về rào rạt, mừng quá đỗi. Vậy là phương Nam đã bắt đầu vào mùa mưa. Mọi người hồ hởi bởi sau những ngày dầu dãi nắng, cơn mưa như khơi những dịu dàng trong lòng người.

 

 Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG



Mưa luôn nhắc nhớ về kỷ niệm. Nhiều đôi lứa yêu nhau, ít nhất cũng đã một lần đi trong mưa mà nghe lòng mình ấm áp. Nhớ một lần, người bạn học từ nước ngoài về thăm, bạn hỏi nơi nào ở thành phố này ngắm mưa đẹp nhất. Vậy là hai đứa đến một quán cà phê của một tòa nhà cao tầng, ngay lúc trời kéo mây xám xịt. Từ trên cao nhìn xuống phố thấy mọi người hối hả vội vã tránh mưa. Bạn nói hồi đó mình cũng đạp xe ngang con đường này, lúc trời nổi gió, mấy trái dầu rụng, xoay tròn rồi rơi lả tả. Hai đứa đạp xe trong mưa dọc vài con đường rồi cười khúc khích. Lạnh đến run rẩy, môi lập cập mà lòng phơi phới.

Nay lớn rồi, mình ngồi cùng nhau, bên tách cà phê nóng, thơm mùi Robusta, nhìn mưa trĩu trịt ký ức mà mỉm cười. Gió hắt hạt mưa đọng hơi bám mờ ô cửa kiếng, không thể nhìn rõ phía dưới đường. Nhưng ký ức một khi đã gói gọn trong lòng mình rồi thì khó có thể nhòa đi. Có chăng nó chỉ lặng sâu một lúc nào đó, chỉ cần chín mùi là lại trỗi dậy, dâng tràn trong tâm khảm.

Bận đó, hai đứa ngồi chờ cơn mưa chiều tan ra, phố mềm ướt và thoảng se se. Đi bộ trên những con đường lát gạch nghiêng nghiêng, nhặt những trái dầu rồi tung lên trời. Nhìn cánh dầu xoay xoay, nghe tiếng cười âm ba theo từng cơn sóng lòng. Mình của hồi hai mươi năm về trước, nhìn nhau hồn nhiên, nắm tay đi trên phố rất đỗi bình yên. Mình của bây giờ, chẳng thể nắm tay nhau nữa, vì ngại ngùng những sóng gió ngoài kia. Bước chân chiều ấy, song hành mải miết đến khi trăng chênh chếch lấp ló trên nền trời thẫm đen. Con đường chia hai lối, song song vẫn cứ là song song. Mình lớn rồi, nên biết chắc một điều, những con đường song song không bao giờ giao nhau.

Mình cùng quê miền Tây, hồi đó mỗi lần phố mưa, hay nhìn nhau hỏi, biết quê mình có mưa về chưa? Câu hỏi này, chiều nay mình vẫn hỏi. Thương những trông ngóng mong chờ của bao người nơi đây. Bao đứa con miền Tây ngược cầu Rạch Miễu, xuôi dòng đời đưa đẩy lên thị thành để mưu sinh. Những người già cố bám víu lại nơi đây mong chờ một ngày mưa về dâng đầy vụ mùa tươi tốt. Lúa tràn đồng, cá lội đầy sông. Mong chờ và hy vọng. Da diết và khắc khoải.

Mưa lên đi, mưa xuôi về miền Tây, cho đất khô cằn trở mình bừng dậy những khát khao xanh. Mưa lên đi, cho lòng người tươi mát. Mưa lên đi, những cơn mưa trên quê hương mình!

Theo TỐNG PHƯỚC BẢO (baodanang)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.