Bảo đảm thuốc, trang-thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 5-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 778/CĐ-TTg về việc bảo đảm thuốc, trang-thiết bị y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Công điện nêu rõ, trong thời gian qua, trước bối cảnh dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác mới phát sinh, có diễn biến phức tạp, khó lường, để bảo đảm quyền lợi của người bệnh và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, địa phương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng-chống dịch Covid-19 đã thường xuyên, liên tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện việc mua sắm thuốc, trang-thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

  Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bảo đảm thuốc, trang-thiết bị y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bảo đảm thuốc, trang-thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Ảnh: Như Nguyện



Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập ở trung ương, địa phương vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, trang-thiết bị y tế ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền lợi của người dân khi khám bệnh, chữa bệnh. Để bảo đảm đủ thuốc, trang-thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm đủ thuốc, trang-thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân và chịu trách nhiệm theo thẩm quyền trước các quy định của Đảng, Nhà nước nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang-thiết bị y tế tại các cơ sở y tế thuộc quyền.

Cùng với đó, đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí và thực hiện nghiêm các quy định về phòng-chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Bộ Y tế có trách nhiệm khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang-thiết bị y tế; trong đó, tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang-thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà, khó khăn cho việc thực hiện thủ tục mua sắm thuốc, trang-thiết bị, sinh phẩm phục vụ khám-chữa bệnh; đẩy nhanh tiến độ cấp phép lưu hành đối với thuốc, trang-thiết bị y tế; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp kinh doanh thuốc, trang-thiết bị y tế thực hiện theo pháp luật.

Kịp thời hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang-thiết bị y tế theo thẩm quyền, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh không dám chịu trách nhiệm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về đấu thầu thuốc, trang-thiết bị y tế, hoàn thành trước ngày 15-9-2022. Đồng thời, khẩn trương hướng dẫn kịp thời, kỹ lưỡng các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu thuốc, trang-thiết bị y tế theo thẩm quyền.

Cạnh đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công và sử dụng vốn nhà nước để mua sắm thuốc, trang-thiết bị y tế; đặc biệt là các vấn đề về: Xây dựng dự toán mua sắm; thuê tài sản, cung cấp thiết bị sau khi trúng thầu hóa chất, sinh phẩm và quản lý, sử dụng phí cấp phép lưu hành đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực y tế, chậm nhất phải hoàn thành trước ngày 30-9-2022. Ngoài ra, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, trang-thiết bị y tế theo thẩm quyền trước ngày 15-9-2022.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Y tế theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

G.B

Có thể bạn quan tâm

Lợi ích của lá tía tô

Lợi ích của lá tía tô

(GLO)- Lá tía tô không chỉ được dùng làm gia vị mà còn là một vị thuốc bắc tương đối phổ biến, có giá trị dinh dưỡng và giá trị y học cao. Hơn nữa, đối với cơ thể con người, nếu ăn tía tô thường xuyên, đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho cơ thể.

Bác sĩ Phạm Tỵ: 10 lần được nhận bằng lao động sáng tạo

Bác sĩ Phạm Tỵ: 10 lần được nhận bằng lao động sáng tạo

(GLO)- Với tình yêu nghề và tinh thần lao động sáng tạo, Tiến sĩ-bác sĩ Phạm Tỵ-Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh cột sống (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam trao tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2024. Đây là Bằng Lao động sáng tạo thứ 10 của bác sĩ Phạm Tỵ.
Đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế cho điều trị vô sinh, hiếm muộn

Đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế cho điều trị vô sinh, hiếm muộn

(GLO)- Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế 2024 đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, một số chuyên gia đề xuất việc thanh toán bảo hiểm y tế cho điều trị vô sinh, hiếm muộn bởi đây là gánh nặng, áp lực kinh tế mà nhiều gia đình Việt gặp phải.