Hàng xóm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sống xa quê, xa bố mẹ nội ngoại, tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa của câu nói "bán anh em xa mua láng giềng gần" và lại càng trân quý hơn tình nghĩa của hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”! 
Chiều nay, tôi như người già mải miết hoài niệm về những điều xưa cũ. Tôi nhớ chòm xóm-nơi tôi sinh ra và lớn lên ngày bé, nhớ những hôm ba mẹ đi làm đồng về muộn, tôi vẫn thường cõng em sang nhà cô Luân chơi; tôi lấy lý do là mẹ chưa về, ở nhà sợ tối, nhưng thực chất chúng tôi đói vì trễ bữa.
Ngày ấy, cuộc sống còn nhiều khó khăn, dường như gia đình nào bữa cơm chỉ nấu đủ cho người trong nhà, ấy vậy nhưng khi chị em tôi đến, cô Luân vẫn lấy bát san cơm cho chị em tôi. Một bữa như thế, rồi thành quen, cứ ngày nào ba mẹ về trễ, tôi lại cõng em sang nhà cô; dù cho trước đó mẹ đã dặn, không được sang hàng xóm chơi vào bữa cơm.
Rồi những ngày nhà hết gạo, hết muối hay bật lửa hết gas, mẹ sai chạy sang nhà hàng xóm mượn tạm. Dăm ba hôm sau, hàng xóm cũng có người sang nhà tôi xin ngọn bí, quả bầu…, mẹ lấy đưa mà nét mặt vui vẻ, phấn khởi như chính mình được cho quà vậy.
Có hôm từ đồng về, ba bẫy được con chim hay bắt đươc con ếch đồng. Mẹ xào lên thơm lừng. Phần thịt, ba gắp riêng cho chị em tôi và mấy đứa con của bác hàng xóm; phần còn lại, ba mua thêm chai rượu gạo, cùng các bác vừa nhâm nhi vừa hàn huyên chuyện trò… 
Hàng xóm! Ấy chỉ đơn giản là người ở cạnh gia đình ta trong một dãy phố hay chung con đường đi; là có chung với nhà ta cái vách tường rào có chỗ hổng ngày một lớn dần vì con trẻ hai nhà tiện tay khoét thêm để dễ bề chui qua chui về. Phía sau nhà, một hàng rào mà giàn mồng tơi hai nhà leo chung, hay có khi cũng không chung vách sát nhà nhưng chỉ vài ba ngày không thấy mặt nhau là hàng xóm lại thắc mắc, sai con chạy qua xem cô chú nhà bên có nhà không, sao mấy hôm nay im ắng thế?
Là thi thoảng xe hỏng ta chạy sang, hàng xóm đon đả dắt xe mình ra và bảo “cứ lấy mà đi”. Là khi về thăm quê lên mang theo món quà quê ngon không quên mang sang nhà hàng xóm chia sẻ. Là những đêm mất điện, không ai rủ ai mà như đã hẹn từ trước, bắc ghế ra con đường chung trước cửa nhà ngồi hóng gió trời, rủ rỉ chuyện trò. Là thỉnh thoảng vào dịp lễ, Tết chúng ta vẫn có những bữa cơm gọi là tất niên xóm, liên hoan xóm, hay cúng đường mới của xóm...
Từ khi mua được miếng đất, đặt viên gạch đầu tiên để dựng căn nhà thì những nhà kế bên trở thành hàng xóm. Mối quan hệ ấy, thứ tình cảm ấy dần ăn sâu vào máu thịt, vào trái tim của mỗi chúng ta.
Minh họa: Hương Thảo
Minh họa: Hương Thảo
Hàng xóm của tôi bây giờ là các bà, các chú người Jrai. Nhà chúng tôi không chung nhau tường rào, cũng không gia đình nào có cổng riêng để phải mở cánh cổng mới thấy nhau. Mỗi chiều đi làm về, người lớn ngồi hiên nhà mình nhìn ra là đã thấy nhau, đám trẻ con cũng tụm lại chơi chung ở khoảng sân phía trước, chúng tôi vẫn chia sẻ cho nhau bó rau, túm cá hay ít quần áo cũ của con trẻ, vẫn gắn kết với nhau bằng tình làng nghĩa xóm.
Tôi nhớ mãi hôm gia đình tôi cất nhà, chú Nick kế bên bảo là không ngủ được mỗi khi nghe tiếng gió đập vào mái tôn, vì chú sợ có trộm lấy cắp vật liệu nhà tôi, còn anh Ksor Thảo khi thấy bóng đèn mắc tạm nhà tôi không đủ sáng cho thợ xây thì chạy về nhà tháo chiếc bóng lớn của nhà mình mang sang đổi... Thi thoảng có việc cần ra ngoài, tôi vẫn thường mang con sang cậy nhà hàng xóm.
Dân gian có câu “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Sống xa quê, xa bố mẹ nội ngoại, tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa của câu nói ấy và lại càng trân quý hơn tình nghĩa của hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”!
PHÚC AN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.