Lắng nghe trẻ em nói

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Diễn đàn “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em” vừa được Ban chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh tổ chức tại TP. Pleiku. Trong không khí cởi mở, nhiều em đã mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình về nhiều vấn đề.
Nhiều thông điệp ý nghĩa 
Tham gia diễn đàn có 109 đại biểu đại diện cho 450.000 trẻ em của tỉnh đến từ các huyện: Ia Pa, Chư Pah, Kbang, thị xã An Khê, TP. Pleiku, Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh và Làng trẻ em SOS Pleiku. Tại diễn đàn, các em đã mạnh dạn tham gia 6 nhóm vấn đề: phòng-chống tai nạn thương tích; giảm áp lực trong học tập, thi cử; phòng-chống bạo lực học đường; phòng-chống bạo lực, xâm hại trẻ em; chia sẻ, giúp đỡ học sinh nghèo, dân tộc thiểu số; tổ chức các điểm vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ. Nhiều vấn đề đã được các em thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa, tranh vẽ, mang đến diễn đàn một không khí vừa hài hước vừa vui nhộn, kết hợp chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa.
Thông điệp các em gửi tới diễn đàn. Ảnh: Hà Tây
Thông điệp các em gửi tới diễn đàn. Ảnh: Hà Tây
Các em nhỏ huyện Kbang đã mang đến diễn đàn bài thuyết trình về phòng-chống tai nạn thương tích ở trẻ em thông qua những bức vẽ về tai nạn thương tích tại nơi các em sinh sống như: ngã, bỏng, tai nạn giao thông, đuối nước... Tai nạn thương tích không chỉ gây nguy cơ tử vong ở trẻ em mà có thể để lại những hậu quả nặng nề về sau. Vì vậy, các em đã nhắn nhủ đến diễn đàn thông điệp: “Vì cuộc sống an toàn, hãy phòng-chống tai nạn thương tích mọi lúc mọi nơi”. Em Lại Thị Thu Phương (huyện Kbang) chia sẻ: “Học trò là lứa tuổi hiếu động, tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích. Qua diễn đàn hôm nay, em đã biết thêm về cách phòng tránh, từ đó góp phần tuyên truyền cho các bạn cùng lớp, cùng trường”.
Tại diễn đàn, thông điệp “Hãy giải phóng trẻ em khỏi áp lực học tập, thi cử” cũng đã được trẻ em huyện Chư Pah chuyển tải trong tiểu phẩm đề cập đến câu chuyện về một gia đình ở thị trấn Phú Hòa. Vì mong con thi đậu vào Trường THPT chuyên Hùng Vương, người mẹ đã ép con học ngày học đêm mà không ý thức được rằng lực học của con có hạn. Cố gắng nhưng kết quả không như mong đợi, em học sinh trên bị mẹ la mắng dẫn đến trầm cảm. Lúc này, người mẹ mới nhận ra sai lầm của mình.
Trong khi đó, các em ở huyện Ia Pa đề cập đến vấn đề nạn bạo lực học đường và cách ứng phó với thông điệp: “Trẻ em cần mạnh dạn lên tiếng khi mình hoặc bạn mình bị bạo lực xâm hại”. Hay trẻ em TP. Pleiku thể hiện sự quan tâm, chia sẻ với học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số bằng hành động “Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”. Học sinh thị xã An Khê lại nêu vấn đề cần có nhiều điểm vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em. 
Phát biểu tại diễn đàn, em Đỗ Thùy Trâm (huyện Ia Pa) chia sẻ: “Những vấn đề chúng cháu đề cập tại diễn đàn hôm nay mang tính cấp thiết. Chúng cháu mong được các sở, ban, ngành, địa phương quan tâm để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Qua diễn đàn, chúng cháu cũng học hỏi được nhiều điều bổ ích, hiểu biết thêm về Luật Trẻ em và tầm quan trọng của giáo dục”.
Bảo vệ bằng hành động thiết thực
Nội dung quan trọng nhất của diễn đàn là phần đối thoại trực tiếp giữa trẻ em với lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh. Trong số 18 câu hỏi các em đặt ra có nhiều vấn đề rất cấp bách, thiết thực. Ông Phan Thanh Tám-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho biết: “Thời gian qua, Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc yêu cầu đáp ứng quyền chăm sóc, bảo vệ chính đáng của trẻ. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức nhiều buổi tuyên truyền vào tiết chào cờ đầu tuần về chấp hành Luật Giao thông Đường bộ cho học sinh; Tỉnh Đoàn xây dựng nhiều sân chơi hoạt động hè, tập huấn kỹ năng bơi lội, cắm biển báo cấm nơi ao hồ, sông suối. Phụ huynh và các cháu cũng cần nêu cao ý thức lựa chọn những nơi học tập và vui chơi an toàn”. 
Ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời câu hỏi của các em. Ảnh: Hà Tây
Ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời câu hỏi của các em. Ảnh: Hà Tây
Với câu hỏi “Chúng em chỉ muốn đi học ở trường mà không cần học thêm bất cứ môn nào, nhưng cũng rất lo không theo kịp bạn bè, không vượt qua được các kỳ thi. Chúng em nhờ các cô chú lãnh đạo hướng dẫn nên làm thế nào?”,  ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định thầy-cô giáo không được tổ chức dạy thêm dưới bất cứ hình thức nào. Nếu phát hiện giáo viên dạy thêm trước chương trình thì sẽ bị xử phạt theo quy định. Còn học tập là việc suốt đời, học nhiều chưa phải là hiệu quả mà cần xác định học như thế nào, đặc biệt các em phải biết cách tự học, tự tiếp nhận kiến thức thì mới có kết quả học tập tốt”. Câu hỏi: “Khi bị xâm hại, trẻ em sẽ liên hệ địa chỉ nào để được hỗ trợ?” cũng đã được bà Rcom Sa Duyên-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-trả lời chi tiết: “Trong trường hợp bị xâm hại, các em có thể gọi đến tổng đài quốc gia 111 để được hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó, ở các huyện Mang Yang, Chư Sê có văn phòng tư vấn trẻ em, các em có nhu cầu trợ giúp sẽ được các văn phòng hỗ trợ”.
Bà Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh-cho rằng những vấn đề các em nêu tại diễn đàn rất sát sườn, thiết thực. “Chúng tôi lắng nghe, ghi nhận và tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể phụ trách các lĩnh vực trả lời trực tiếp, cụ thể, đúng trọng tâm. Ngoài trả lời trực tiếp, chúng tôi cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc hành động, chấn chỉnh, xử lý những tồn tại mà các cháu phát hiện, thông tin. Trong đó, trước mắt là chỉ đạo việc thực hiện và hoàn thiện chính sách trợ giúp trẻ em, đồng thời tạo điều kiện giúp trẻ em thực hiện mong muốn của bản thân, thực hiện quyền trẻ em, góp phần mang lại cho trẻ em môi trường học tập, sinh hoạt lành mạnh và an toàn”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Hà Tây

Có thể bạn quan tâm

Giáo dục lý tưởng cách mạng cho bạn trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số

Giáo dục lý tưởng cách mạng cho bạn trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số

Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng hình mẫu thanh niên thời kỳ mới trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đoàn xã Chư Răng khánh thành và bàn giao công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê", chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ảnh: Vũ Chi

Tuổi trẻ Ia Pa chung tay xây dựng nông thôn mới

(GLO)- Hưởng ứng phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, đoàn viên, thanh niên huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã huy động các nguồn lực, triển khai nhiều công trình, phần việc, chung tay xây dựng nông thôn mới và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

An Khê: Lắng nghe trẻ em nói

An Khê: Lắng nghe trẻ em nói

(GLO)- Hàng năm, thị xã An Khê tổ chức 1 đến 2 chương trình tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo thị xã với trẻ em. Đây là dịp để các em học sinh bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và đề xuất ý kiến, kiến nghị chính đáng trong học tập cũng như trong cuộc sống.