An Khê: Lắng nghe trẻ em nói

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng năm, thị xã An Khê tổ chức 1 đến 2 chương trình tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo thị xã với trẻ em. Đây là dịp để các em học sinh bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và đề xuất ý kiến, kiến nghị chính đáng trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng

Ngày 10-10 vừa qua, HĐND thị xã An Khê phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Thị Đoàn, Hội đồng Đội thị xã tổ chức chương trình tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND thị xã với trẻ em. Tham gia chương trình có 100 thiếu nhi đại diện cho hơn 11.300 học sinh của các trường tiểu học, THCS trên địa bàn.

0them-tai-chuong-trinh-tiep-xuc-doi-thoai-giua-dai-bieu-hdnd-voi-tre-em-ong-dang-quoc-hoai-huy-pho-chu-tich-ubnd-thi-xa-an-khe-giai-thich-thau-dao-cac-cau-hoi-cua-hoc-sinh-anh-ngoc-minh-9418.jpg
Tại chương trình tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND với trẻ em, ông Đặng Quốc Hoài Huy-Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê giải thích thấu đáo các câu hỏi của học sinh. Ảnh: Ngọc Minh

Tại buổi đối thoại, các em học sinh đã mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về những vấn đề như: tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử; cắt ghép hình ảnh của học sinh với mục đích xấu; bạo lực học đường; đuối nước; an toàn vệ sinh thực phẩm trước cổng trường; xâm hại trẻ em; tình trạng học thụ động, học vẹt...

Em Đinh Thị Hà Vy (lớp 4C, Trường Tiểu học Trần Phú, xã Song An) cho hay: “Em đang học tại điểm trường làng Pốt. Nơi đây chưa kết nối mạng internet. Em mong muốn nhà trường tạo điều kiện kết nối internet để chúng em được tiếp cận thông tin, từ đó tìm hiểu thêm kiến thức, phục vụ học tập tốt hơn”.

Còn em Trần Thùy Điểm (lớp 8A, Trường THCS Nguyễn Viết Xuân, phường An Bình) thì chia sẻ: “Em muốn biết vì sao Nhà nước không gộp 3 bộ sách Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo thành 1 bộ sách chung để thuận tiện cho việc học tập, trao đổi bài và chia sẻ sách giáo khoa với các bạn học sinh vùng sâu, vùng xa, các bạn có hoàn cảnh khó khăn, nhất là học sinh ở các tỉnh phía Bắc vừa bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Chương trình đã tạo cơ hội cho chúng em giao lưu, học hỏi, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng. Em mong thị xã tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động như này để chúng em được đề xuất ý kiến, kinh nghiệm hay trong học tập, cuộc sống”.

Lắng nghe trẻ em nói

Tại chương trình, lãnh đạo UBND thị xã An Khê và các cơ quan, địa phương liên quan đã ghi nhận, giải đáp thắc mắc, cung cấp nhiều thông tin liên quan, đồng thời đưa ra một số giải pháp giải quyết các vấn đề mà học sinh nêu.

1bg-cac-em-hoc-sinh-da-manh-danh-bay-to-tam-tu-nguyen-vong-cua-ban-than-dat-cau-hoi-voi-dai-bieu-hdnd-thi-xa-an-khe-anh-ngoc-minh-521.jpg
Các em học sinh đã mạnh dạnh bày tỏ tâm tư, nguyện vọng tại chương trình tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND thị xã An Khê với trẻ em. Ảnh: N.M

Trả lời câu hỏi của học sinh sao không gộp 3 bộ sách Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, ông Nguyễn Hữu Hưng-Phó Trưởng phòng GD-ĐT thị xã-cho biết: Trước đây, toàn quốc chỉ có 1 bộ sách chung. Ngày nay, với mong muốn các em được tiếp cận đa dạng kiến thức, đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị trường học chủ động chọn bộ sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, hạn chế tình trạng dạy và học theo khuôn mẫu, học tủ nên Bộ GD-ĐT đã đồng ý phát hành 3 bộ sách nói trên.

Với câu hỏi của em học sinh lớp 5 về định hướng nghề nghiệp, Phó Trưởng phòng GD-ĐT thị xã giải thích: Định hướng nghề nghiệp nằm trong chương trình giáo dục phổ thông hướng nghiệp từ lớp 1 và các cấp học. Trong quá trình học tập, các em có thể tự điều chỉnh, cụ thể hóa những định hướng này cho phù hợp với năng lực học tập và phẩm chất của bản thân.

Trong khi đó, ông Đặng Quốc Hoài Huy-Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê đã trả lời thấu đáo các câu hỏi của học sinh; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, phòng, ban liên quan và các xã, phường tiếp tục chăm lo, bảo vệ trẻ em; xây dựng kế hoạch, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành GD-ĐT theo phương châm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

1them-dai-bieu-hdnd-thi-xa-an-khe-dai-dien-doan-truong-tro-chuyen-voi-cac-em-hoc-sinh-trong-thoi-gian-giai-lao-tai-chuong-trinh-tiep-xuc-doi-thoai-anh-ngoc-minh-823.jpg
Đại biểu HĐND thị xã An Khê trò chuyện với các em học sinh bên lề chương trình tiếp xúc, đối thoại. Ảnh: Ngọc Minh

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê, dù kinh tế còn khó khăn nhưng thị xã luôn cố gắng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho công tác dạy và học. Giai đoạn 2021-2023, thị xã đã đầu tư hơn 80 tỷ đồng mua sắm trang-thiết bị dạy học, tăng cường cơ sở vật chất.

“Năm nay, thị xã bố trí 5,4 tỷ đồng để mua sắm bổ sung thiết bị dạy học cho bậc mầm non và thiết bị dạy học tối thiểu lớp 5 và lớp 9 theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018”-ông Huy thông tin thêm.

Đánh giá về chương trình tiếp xúc, đối thoại, ông Nguyễn Đức Thành-Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thị xã An Khê-khẳng định: “Thông qua chương trình, các đại biểu HĐND thị xã, lãnh đạo các cơ quan, ngành GD-ĐT lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các em học sinh. Qua đó, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế chính sách phù hợp để các em được chăm lo, giáo dục, phát triển toàn diện hơn”.

Có thể bạn quan tâm

Giới trẻ Gia Lai săn lùng “hộp mù” Baby Three

Giới trẻ Gia Lai săn lùng “hộp mù” Baby Three

(GLO)- Những tháng cuối năm 2024, “hộp mù” Baby Three là từ khoá hot nhất trên mạng xã hội. Giới trẻ Gia Lai cũng không nằm ngoài xu hướng khi ngày càng có nhiều người hưởng ứng trào lưu và nhiều điểm bán sẵn sản phẩm “mọc lên” trên khắp Phố núi.

Xu hướng kết hôn muộn có đáng lo?

Xu hướng kết hôn muộn có đáng lo?

Trước đây, thời ông bà, cha mẹ, “trai 18, gái 20” là đến tuổi dựng vợ, gả chồng. Đến thế hệ 7X, 8X, giai đoạn 20-25 tuổi là độ tuổi đẹp nhất để yêu và kết hôn. Song hiện nay, nhiều bạn trẻ 9X ngoài 30 tuổi vẫn chưa vội yêu và lập gia đình.

Khi Gen Z la cà trên mạng - Bài cuối: Cách nào không lạc lối trong thế giới ảo?

Khi Gen Z la cà trên mạng - Bài cuối: Cách nào không lạc lối trong thế giới ảo?

Để giúp thế hệ gen Z tránh bị lạc trong những mê cung trên mạng xã hội, các chuyên gia về truyền thông xã hội, tâm lý học đã đưa ra những khuyến nghị giúp nâng cao khả năng quản trị cảm xúc và “chậm lại” đi tìm những giá trị thông tuệ, góp phần xây dựng một xã hội vững bản sắc.

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.