Sắc màu Jrai hội tụ cùng không gian văn hóa Đồng Mô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khu làng Jrai nằm trong quần thể Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Khu du lịch Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là không gian tái hiện đầy đủ khung cảnh một ngôi làng truyền thống với nhà rông, nhà sàn, cây nêu, khung dệt… Nơi đây đang chờ đón đoàn nghệ nhân buôn Broăi (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) tới sinh sống, hội tụ cùng các dân tộc đến từ mọi miền đất nước trong một không gian văn hóa đa sắc màu giữa lòng Thủ đô.
Những ngày này, không khí ở buôn Broăi thật rộn ràng, phấn khởi. Chỉ vài ngày nữa, 22 nghệ nhân của làng sẽ lên đường đến Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam tham gia những hoạt động thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trong đó, 14 nghệ nhân (9 nam, 5 nữ) sẽ ở lại làng sinh sống từ 3 đến 6 tháng, sau đó tùy tình hình có thể về thăm nhà rồi quay lại hoặc vận động bà con khác đến “thay ca”. Cách đây 4 năm, một ngôi làng Bahnar tương tự cũng đã ra mắt tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam với sự tham gia của 7 nghệ nhân làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang.
Tại ngôi làng giữa lòng Hà Nội, các nghệ nhân buôn Broăi sẽ góp mặt trong chuỗi các hoạt động mang chủ đề “Ngày hội gia đình” diễn ra từ ngày 1-6 đến 30-6 với việc tái hiện nghi lễ cúng nhà rông mới. Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa bởi từ đây, ngôi nhà rông tại khu làng này sẽ là nơi ở mới của họ trong thời gian tới. Nghi lễ được tổ chức nhằm tạ ơn các Yàng, mong cầu sự sung túc, bình an trong cuộc sống.
Ông Ksor Pup chia sẻ: “Dù có hơi buồn vì phải xa gia đình nhưng hầu như ai cũng rất hồi hộp, có phần háo hức vì sắp được ra Thủ đô. Xa làng, nhớ lắm nhưng chúng tôi vẫn đi để giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc mình đến với mọi người, ngoài ra còn được giao lưu gặp gỡ các dân tộc anh em trên khắp mọi miền đất nước”. Theo ông Pup, để chuẩn bị cho lễ cúng nhà rông mới, các nghệ nhân đã tập luyện chu đáo suốt thời gian qua. Tất cả đã sẵn sàng, chỉ chờ ngày khởi hành mà thôi. Các loại nhạc cụ như đàn goong, dàn chiêng… cũng được mang theo để trình diễn vào những ngày có khách đến thăm làng.
Một lễ hội được tái hiện tại Khu làng Jrai (Khu du lịch Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: V.T.T
Một lễ hội được tái hiện tại Khu làng Jrai (Khu du lịch Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: V.T.T
Trong hành trang ấy, các nghệ nhân không quên mang theo những dụng cụ lao động phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Theo chồng ra sinh sống tại nơi ở mới, bà Siu H’Hương-vợ ông Pup-chia sẻ: “Biết là ngoài đó đã có đầy đủ mọi thứ nhưng tôi vẫn muốn mang theo những vật dụng thân thuộc để dễ dùng. Chúng tôi sẽ dệt, đan lát để có việc làm trước mắt, bên cạnh đó có thể bán sản phẩm cho du khách làm quà lưu niệm”.
Ông Nguyễn Hồng Thái-Trưởng ban Quản lý Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam-chia sẻ: “Khu làng dân tộc Jrai có cơ sở vật chất, hạ tầng đầy đủ, nơi ăn chốn ở ổn định cho bà con với 1 nhà rông, 2 nhà dài, 1 nhà sàn, 2 kho thóc... Trước đây, mỗi năm Làng đều mời các đoàn nghệ nhân Jrai về tham gia hoạt động chung cùng với những dân tộc anh em khác. Năm nay, chúng tôi chính thức vận động dân làng Broăi-một buôn còn gìn giữ khá trọn vẹn giá trị bản sắc Jrai-đến sinh sống lâu dài nhằm góp phần giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán độc đáo đến với du khách”. Cũng theo ông Thái, trong khuôn viên của làng Jrai còn có một khu vực dành cho công tác thông tin, quảng bá văn hóa du lịch địa phương thông qua các tờ rơi, cẩm nang, bản đồ du lịch cùng nhiều hình ảnh về đất và người Gia Lai.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Long-Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, Trưởng đoàn-cho biết: “Được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Nhà hát đã rà soát và vận động các nghệ nhân Jrai buôn Broăi ra sinh sống lâu dài tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Hiện người dân nơi đây còn gìn giữ nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, phụ nữ biết dệt, lấy củi, đàn ông biết tạc tượng, đan lát. Đợt đi lần này có các anh Nay Kdam và Ksor Bring rất giỏi đan lát, Siu Nhoel giỏi tạc tượng, chị Kpă Hnhing dệt đẹp và sắc sảo, các nghệ nhân khác thì hát dân ca, múa xoang… Phải nói là đội hình này hội đủ các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Jrai”.
Ông Long thông tin thêm, bên cạnh các hoạt động phong phú của Làng, điểm nhấn của hoạt động cuối tuần (diễn ra từ ngày 13-6 đến 14-6) là chương trình “Giọt nước làng tôi” tổ chức tại giọt nước làng Jrai. Các nghệ sĩ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sẽ hòa cùng với sắc màu Tây Nguyên trong hoạt động diễn xướng, trình diễn âm nhạc dân gian và những ca khúc về vùng đất cao nguyên nắng gió. Đây chắc chắn là trải nghiệm tuyệt vời dành tặng khách phương xa.
VÕ THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.