Đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4: Yêu cầu bức thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo thống kê của Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai, toàn tỉnh hiện có gần 38.000 xe máy kéo nhỏ, xe máy kéo phục vụ sản xuất (thường gọi là xe công nông) nhưng mới chỉ có khoảng 150 trường hợp được cấp giấy phép lái xe (GPLX) hạng A4. 
Ông Huỳnh Thái Nghiêm-Chủ tịch UBND xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh) cho biết: Toàn xã hiện có gần 400 xe công nông. Ngoài chuyên chở hàng hóa, đầu máy của loại phương tiện này còn có thể sử dụng kết hợp làm máy bơm nước, cày đất… Trên địa bàn xã có tuyến quốc lộ 14 chạy qua. Đây là tuyến đường xe công nông không được phép lưu thông nhưng lại có nhiều điểm đấu nối với đường liên thôn, nội thôn. Bởi vậy, việc tăng cường đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A4 cho bà con là rất cần thiết để hạn chế tai nạn giao thông liên quan đến loại phương tiện này.
Vừa qua, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) đã chọn xã Ia Hrú làm điểm để mở lớp đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A4 với 35 học viên tham gia. Sau hơn 1,5 tháng tham gia lớp học, các học viên đủ điều kiện vừa hoàn tất kỳ sát hạch được tổ chức tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe thuộc Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai (thôn 5, xã Trà Đa, TP. Pleiku). Anh Rmah Đang (làng Tao Chor) cho biết: “Nhờ học hành nghiêm túc nên tôi vượt qua được kỳ sát hạch. Từ nay, tôi không còn nơm nớp lo bị phạt vì không có GPLX”. 

Tương tự, anh Siu Blum (cùng làng) chia sẻ: “Nhà mình có 1 chiếc máy cày, 1 xe công nông. Lâu nay, mình cứ nghĩ chạy xe đi đến nơi về đến chốn là đủ. Cũng vì mình chưa học nên chưa nắm rõ quy định của pháp luật”. Con trai anh Blum năm nay 20 tuổi cũng đã biết lái công nông. Sau khi học xong, anh Blum sẽ động viên con trai và người thân đi học lái xe công nông.

Thí sinh dự sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (thuộc Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai). Ảnh: Lê Hòa
Thí sinh dự sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (thuộc Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai). Ảnh: Lê Hòa
Theo ông Tăng Xuân Kiên-Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GT-VT), sau một thời gian nghiên cứu, xây dựng, Sở GT-VT đã hoàn thiện bộ giáo trình đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A4. “Để truyền tải đầy đủ nội dung cơ bản, cần thiết cho người điều khiển phương tiện, chúng tôi đã nghiên cứu các đặc điểm tiếp nhận của người dân nông thôn, đồng thời kết hợp phương pháp đào tạo phù hợp như trực quan sinh động thông qua hình ảnh, video minh họa. Đặc biệt, giáo trình chọn lọc các thông tin, kiến thức gần với các tình huống người lái bắt gặp và xử lý hàng ngày như: phương tiện từ đường không ưu tiên ra đường ưu tiên, tốc độ cho phép, giữ khoảng cách an toàn với phương tiện khác, kỹ năng điều khiển xe khi trời tối hoặc trong điều kiện thời tiết sương mù, mưa lớn”-ông Kiên cho hay.
Cũng theo ông Kiên, Sở GT-VT khuyến khích các đơn vị đào tạo triển khai các phương án tuyên truyền, vận động thu hút học viên tham gia đào tạo, sát hạch cấp GPLX. Toàn tỉnh hiện có 2 đơn vị đủ chức năng đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A4 là: Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (thuộc Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai), Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe (thuộc Công ty TNHH Vận tải Ô tô Gia Lai). Mức học phí đào tạo, sát hạch khoảng 1,8 triệu đồng/trường hợp. 
Sát hạch viên thực hiện sát hạch lý thuyết theo hình thức vấn đáp trực tiếp để cấp giấy phép lái xe hạng A4 cho học viên không biết đọc, biết viết. Ảnh Lê Hòa
Thực hiện sát hạch lý thuyết theo hình thức vấn đáp để cấp giấy phép lái xe hạng A4 cho học viên không biết đọc, biết viết. Ảnh: Lê Hòa
Ông Phạm Xuân Bảo-Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe-cho biết: “Để đẩy mạnh công tác đào tạo cấp GPLX hạng A4, Trung tâm đã thành lập các tổ công tác đến từng làng tuyên truyền, vận động học viên và có chính sách giảm 50% học phí cho học viên đến ngày 15-6-2021. Trong quá trình đào tạo, chúng tôi lựa chọn các giáo viên có kinh nghiệm, có khả năng giao tiếp bằng tiếng Jrai, Bahnar để tăng khả năng truyền đạt đến học viên… Vừa qua, Trung tâm đã mở được 2 lớp đào tạo lái xe hạng A4 tại huyện Chư Pưh và Mang Yang. Tuy nhiên, vì một số lý do nên mới chỉ có 25 học viên dự kỳ sát hạch, trong đó có 21 thí sinh đạt yêu cầu”.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.